Người dân Thái Lan biểu tình lớn, phản đối các yếu kém của chính phủ nước này trong xử lý đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
Hàng nghìn người đã tập trung biểu tình gần toà nhà chính phủ tại thủ đô Bangkok chiều 18/7 để phản đối chính phủ của Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-o-cha. Một cuộc đụng độ dữ dội đã xảy ra khi cảnh sát cố ngăn đoàn người tiến tới các địa điểm quan trọng.
Người dân Thái Lan biểu tình lớn, phản đối các yếu kém của chính phủ nước này trong xử lý đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
Người biểu tình - được phong trào Thanh niên Tự do vận động, đã mang theo biểu ngữ yêu cầu thủ tướng phải từ chức, thậm chí đốt hình nộm của ông Prayuth. Phía cảnh sát đã phải huy động hơn 2.000 nhân viên để ngăn chặn người biểu tình.
Cuộc biểu tình diễn ra bất chấp dịch bệnh tại Thái Lan đang bùng phát nghiêm trọng khi con số ca nhiễm mới mỗi ngày đã lên trên 11.000 trường hợp. Chính phủ Thái Lan cũng đã ra lệnh cấm tụ tập trên 5 người tại Bangkok và các vùng phụ cận đồng thời thiết lập giờ giới nghiêm vào ban đêm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul thừa nhận, công ty AstraZeneca cho biết họ chỉ có khả năng cung cấp cho Thái Lan 3 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi tháng thay vì 10 triệu như yêu cầu.
Việc cung cấp không đủ lượng vaccine của AstraZeneca làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chương trình tiêm chủng toàn quốc của Thái Lan. Bộ trưởng Y tế nước này cho biết, Thái Lan cần ít nhất 10 triệu liều mỗi tháng để chống lại sự gia tăng của dịch bệnh Covid-19 . Thái Lan hiện tại đang thiếu hụt nguồn cung vaccine khiến một số điểm tiêm chủng tại Bangkok buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Tuần trước, công ty AstraZeneca đã yêu cầu Thái Lan gia hạn thời gian giao hàng 61 triệu liều vaccine tới tháng 5 năm sau. Động thái này được cho là một đòn giáng mạnh vào việc triển khai tiêm vaccine của Thái Lan cũng như mục tiêu mở cửa trở lại hoàn toàn đất nước vào cuối năm nay.
AstraZeneca đặt nhà máy sản xuất tại Thái Lan và họ dự định sẽ xuất khẩu 2/3 số lượng còn lại và thúc đẩy đàm phán về việc chính phủ đang hạn chế xuất khẩu vaccine để đảm bảo được cung cấp trước.
Trước những động thái của AstraZeneca, Thái Lan vẫn khẳng định họ có đủ nguồn cung ít nhất 10 triệu liều mỗi tháng để thực hiện chương trình tiêm chủng của mình. Hiện tại Thái Lan đang tích cực đàm phán đặt hàng với các hãng khác như Pfizer.
Thái Lan hiện tại đang sử dụng cả vaccine Sinovac của Trung Quốc cho chương trình tiêm chủng của mình dù gặp nhiều phản đối. Phía Thái Lan cho biết, nội các nước này đồng ý với những bằng chứng cho thấy Sinovac có thể giúp giảm các triệu chứng nghiêm trọng./.