Nằm giữa một vùng quê yên ả, trù phú, ngôi nhà "ở ẩn" này lại gây ấn tượng vì nét kiên trúc cá tính. Trong khi phần lớn các nhà xung quanh đều xây cất theo kiểu nhà tầng hiện đại thường thấy, biệt thự này lại nổi bật với kiến trúc cổ kính.
Tường bao quanh nhà được làm từ đá ong với màu cam đất đặc trưng. Bên cạnh đó, các cột, kèo, cách chia không gian của biệt thự khiến người ta dễ liên tưởng đến một căn nhà bề thế của quan viên xưa.
Căn biệt thự có kiến trúc ấn tượng
Với hơn 500m2 diện tích đất, gia chủ dành cho sân vườn một khoảng lớn, có sân trước và sân sau. Cùng với rặng duối, mẫu đơn, ngũ sắc rất thôn quê, khu vườn phía trước còn có cả tùng, hồ cá koi và sập đá đen để làm khu uống trà, ngắm cây.
Khu vườn phía trước đậm hơi thở cổ kính
Cách bài trí đồ đạc khiến người ta liên tưởng đến những gian nhà cổ có niên đại vài trăm năm
Vào bên trong, sự phối hợp giữa phong cách truyền thống và đương đại có phần rõ nét hơn, khi gia chủ trưng bày cùng lúc những bức tranh sơn mài dát vàng và đèn trần. Cùng với đó, bộ bàn ghế bằng gỗ thủy tùng là điểm nhấn của phòng khách trong nhà.
Bộ bàn ghế thủy tùng được chọn theo đúng gu gia chủ - hai cụ U80
Thiếp vàng sơn mài cho bức tường chính giữa nhà để tạo nên hiệu ứng vàng son. Nó vừa phản chiếu sự rực rỡ của ánh sáng, kết hợp với những họa tiết chạm khắc CNC tạo thành những vệt sáng ấn tượng; vừa có ý nhắc nhớ về thời khắc vàng son, huy hoàng của một dòng họ, một gia tộc.
Sảnh trong nhà được bài trí đầy ẩn ý, vừa cổ kính và trang trọng...
... lại vừa mang hơi thở tươi mới của thời đại
Với đặc thù ngôi nhà là nơi ở chính của cặp vợ chồng U80, cuối tuần, cuối tháng mới đón con cháu về, biệt thự này không chú trọng đầu tư nội thất sang xịn, nhưng rất chỉn chu trong thiết kế kiến trúc. Đặc biệt, ánh sáng và gió là hai yếu tố được gia chủ hết sức lưu tâm.
Biệt thự sử dụng rèm cửa bằng gỗ, hệ thống cửa đẩy và cửa trượt giúp lưu thông không khí tốt mà không cần dùng điều hòa nhiệt độ. Hệ thống ánh sáng điểm dịu dàng được tạo nên bởi sự kết hợp giữa những vật liệu bao che tự nhiên và hoa văn trổ CNC.
Ngày nắng to, ánh sáng xuyên vào trong nhà sẽ tạo nên những "hoa nắng", vệt nắng điểm xuyết cho nét duyên của biệt thự. Ngày gió lớn, hệ thống cửa sẽ tạo thành những lớp bình phong, giữ cho căn nhà ấm cúng.
Hệ thống cửa được tính toán phù hợp với kiến trúc để giữ nhiệt độ hài hòa trong nhà
Phòng ngủ được thiết kế phóng khoáng, không gò bó theo quy chuẩn thông thường
Không chỉ không gian ở, không gian thờ cúng tạo tầng 3 cũng là nơi người thiết kế dồn nhiều tâm huyết, chất xám để thực hiện. Khu vực này dùng toàn bộ hệ cửa đối lưu, trần lát bằng vật liệu mây, phía trên mix trần thạch cao vừa cho cảm giác hoài cổ, vừa đảm bảo bền vững của kết cấu.
Tương tự như khu vực tầng 1, không gian này được bài trí nhiều lam cửa cắt CNC để tạo hiệu ứng ánh sáng thú vị.
Khu vực phòng thờ được chăm chút, đầu tư nhiều chất xám trong thiết kế
Bác Phan Văn Sử (chủ nhà, 72 tuổi) tiết lộ, khi hình dung về căn nhà mình muốn ở, bác muốn nó mang dáng dấp của truyền thống đồng bằng Bắc Bộ nhưng đảm bảo hiện đại, tối ưu tiện ích và không gian sống. Mục đích là để khi con cháu ghé về thăm, họ vẫn cảm thấy thoải mái, dễ chịu tại đây.
Kiến trúc sư Bùi Anh Phú Ninh, người chịu trách nhiệm thiết kế chính công trình này cho hay, anh mất đến 6 - 7 tháng để thiết kế, cài đặt giá trị văn hóa truyền thống và kết hợp với yếu tố không gian, màu sắc, vật liệu bao che để đủ hiện đại. Anh gọi kiến trúc dạng này là nhà truyền thống đương đại.
"Tôi vốn yêu thích kiến trúc truyền thống Việt. Tôi tin khí hậu, phong tục tập quán, vật liệu truyền thống có đóng góp trong việc hình thành bản sắc Việt Nam.
Có một điều lạ là, giá trị truyền thống được quan tâm thường là ký ức về không gian ở của giới cần lao, nhà tranh vách đất, 3 gian 2 chái. Đây là yếu tố trọng điểm để duy trì kiến trúc truyền thống.
Hoặc người ta cũng chú ý đến kiến trúc cung đình của các bậc vua chúa - người thuộc tầng lớp cao nhất trong xã hội.
Không gian sống của trí thức, thương gia, quan viên xưa lại ít được chú tâm. Thế hệ trẻ gần như không hình dung được lối sống, không gian sinh hoạt của tầng lớp đó.
Chúng tôi đã lần theo dòng thời gian, tìm kiếm lại tìm tòi những tư liệu lịch sử để vừa "phục dựng" lại nét xưa, vừa phối hợp với tính chất hiện đại để tạo ra công trình này", kiến trúc sư tự hào chia sẻ.
Nét kiến trúc truyền thống đương đại được giới thiết kế đánh giá là "vượt thời gian"
Chủ nhà cũng vui vẻ cho biết, ông bà khá ưng ý vì có thể xây được một ngôi nhà vừa phù hợp với bản thân, gần gũi với thiên nhiên mà con cháu cũng hài lòng, yêu thích từng chi tiết trong biệt thự, từ đó mà lưu trú nhiều thời gian hơn.
Một yếu tố khác nữa gia chủ cũng tâm đắc, đó là thu xếp được 2 khoảng sân trước và sau để trồng cây, trồng rau, có thể bài trí sân vườn theo kiểu "trước cau, sau chuối" theo kinh nghiệm của cha ông.
Theo phong thủy, dù nhà rộng hay chật, nếu có thể trồng cau phía trước, vườn rau và dăm ba cây chuối phía sau thì tạo được thế huyền vũ (thế núi tựa) cho lưng nhà và minh đường (sân - khoảng trống) phía trước nhà, đem lại một không gian kiến trúc hài hòa.
Nguồn ảnh: Nhà TO, Anna Bùi