Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm hết quý I/2022, Cty quản lý nhà Hà Nội đang quản lý, trông giữ 66 địa điểm nhà chuyên dùng trống, trong đó có 53 địa điểm thuộc diện nhà trống toàn bộ, 13 địa điểm thuộc diện nhà trống nhưng còn tồn tại, vướng mắc, vi phạm. Đối với diện tích kinh doanh tầng 1 của các toà nhà tái định cư trên địa bàn thành phố, diện tích còn trống là hơn 35 nghìn mét vuông trên tổng số hơn 85 nghìn mét vuông. Quỹ nhà ở công vụ trên địa bàn thành phố có tổng số 12 căn trong đó có 9 căn chung cư, 2 căn được bố trí sử dụng, 7 căn trống; 3 căn nhà đất có 1 căn bố trí sử dụng, 2 căn trống.
Theo khảo sát của phóng viên, trên địa bàn thành phố, nhiều toà nhà tái định cư đã xây dựng hoàn thiện nhưng bỏ không hàng chục năm. Có thể kể đến hàng loạt dự án như Khu tái định cư Trần Phú; hai toà nhà tái định cư nằm trên phố Khuyến Lương hay toà nhà tái định cư khu vực gần ngõ 156 đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai). Ngay cạnh đường Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) - đoạn gần chợ đầu mối Đền Lừ, 3 toà chung cư tái định cư nhiều năm nay cũng không có người ở… Ngay đầu phố Duy Tân (Cầu Giấy), toà chung cư tái định cư cũng đầu tư dở dang, hiện chưa hoàn thành, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Theo thống kê, trong quỹ nhà tái định cư của thành phố, số căn hộ đã bố trí song chưa có quyết định bán nhà là 1.617 căn; số căn hộ chưa bố trí và chưa có phương án sử dụng là 415 căn…
Trách nhiệm nhiều sở ngành, đơn vị
Trước đó, báo Tiền Phong đã nhiều lần phản ánh, hàng loạt thiết chế văn hoá, thể thao cấp huyện ở Hà Nội, dù được đầu tư số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng, hiện cũng chỉ hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Có thể kể đến các công trình như sân vận động huyện Phúc Thọ, sân vận động huyện Đan Phượng, công trình nhà hát huyện Đan Phượng. Dù hạ tầng được đầu tư với số tiền lớn, đưa vào hoạt động đã nhiều năm, nhưng kinh phí vận hành, sửa chữa, phát huy hiệu quả các hạng mục của các cơ sở này gặp nhiều khó khăn, dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong , đại diện lãnh đạo một số trung tâm văn hoá, thể thao huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, vướng mắc lớn nhất là chưa có cơ chế để đơn vị liên doanh, liên kết, khai thác tiềm năng từ các thiết chế văn hoá, thể thao này. “Có nhiều đơn vị, doanh nghiệp muốn vào liên kết, “xếp hàng dài”, nhưng đều không thể làm được vì chưa có cơ chế”, đại diện lãnh đạo một Trung tâm văn hoá thể thao cấp huyện nói với phóng viên Tiền Phong.
Vị này cũng cho biết, đã có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập lập đề án báo cáo lên các cấp, các đơn vị chức năng của thành phố, nhưng đều ở “chế độ chờ”.
Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa bị bỏ hoang!
Khảo sát của phóng viên Tiền Phong cho thấy, biệt thự công vụ số 12 Nguyễn Chế Nghĩa (Hàng Bài, Hoàn Kiếm), sau khi được cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên trả lại từ nhiều năm trước, hiện vẫn bỏ hoang, nhiều hạng mục ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, khuôn viên nhiều rác thải, cỏ dại…
Giữa năm 2022, theo báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội, trên địa bàn thành phố tổng số đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết gửi Sở cho ý kiến, thẩm định là 40 đề án, trong đó có 36 đề án không đủ điều kiện để trình UBND thành phố phê duyệt. Đến giữa năm 2022, chưa có đơn vị sự nghiệp công lập nào thuộc cấp quận được thành phố phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê.
Được biết, tháng 7/2022, UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố sang tự chủ tài chính giai đoạn 2022 - 2025, trong đó, dự kiến các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sẽ tự chủ về một số nội dung như được quyết định số lượng người làm việc; được chủ động quyết định việc sử dụng nguồn tài chính, tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động của đơn vị để nâng cao thu nhập cho viên chức, người lao động. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án quản lý tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập; thời gian hoàn thành trong năm 2022, kỳ vọng có thể phát huy được hiệu quả cơ sở vật chất hiện có.
Thành phố Hà Nội yêu cầu Cty Quản lý nhà Hà Nội phải phối hợp Sở Xây dựng đề xuất phương án đưa các căn hộ tái định cư còn trống vào sử dụng; xây dựng cơ chế bố trí quỹ nhà tái định cư đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh xuống cấp, lãng phí.