Dự án đường ven sông Đồng Nai có chiều dài hơn 5km, kéo dài từ cầu Hóa An (TP Biên Hòa) đến xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu). Đường được thiết kế rộng 34m, trong đó vỉa hè mỗi bên 5m, mặt đường 24m.
Tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Trong đó, gần 1.340 tỉ đồng dành cho việc xây dựng tuyến đường, phần còn lại dành cho dự án xây kè ven sông.
Cận cảnh biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ"
Biệt thự 100 tuổi
Trong số hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng, phải di dời một phần hoặc toàn bộ nhà cửa, có biệt thự “100 năm tuổi của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh".
Ông Võ Hà Thanh (SN 1876, quê Quảng Ngãi) theo cha vào Biên Hòa từ nhỏ. Ban đầu, từ người làm thuê, ông đã làm chủ đồn điền cao su, hầm khai thác đá lớn của Biên Hòa, thành Đốc phủ sứ.
Biệt thự “nhà lầu ông Phủ” được xây năm 1922, hoàn thành năm 1924 với kiến trúc Pháp và nhiều vật liệu từ Pháp đưa qua.
Hiện tại, các cháu, chắt của ông Võ Hà Thanh đang sinh sống trong ngôi biệt thự trên. Bà Đặng Thị Linh Phương, người sống trong ngôi biệt thự trên cho biết, ngôi nhà do ông cố (tức ba tôi gọi bằng ông nội) xây dựng vào năm 1924. Bà Phương chuyển vào sinh sống tại ngôi biệt thự này từ năm 1978 đến nay. Khi nghe thông tin giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường ven sông, gia đình có nguyện vọng được giữ lại ngôi nhà.
Theo bảng chiết tính giá bồi thường để thực hiện dự án đường ven sông Đồng Nai, đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu của Trung tâm phát triển quỹ đất TP Biên Hòa năm 2022, đối với tài sản “nhà lầu ông Phủ” tại địa chỉ khu phố 5, phường Bửu Long là gần 5,4 tỉ đồng.
Cần tính toán kỹ lưỡng
Trước nguy cơ biệt thự cổ bị phá dỡ, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát thực tế ngôi biệt thự. Sau khi lấy ý kiến các ngành, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp trình UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, quyết định.
Sau khi có các ý kiến bày tỏ tiếc nuối khi phá bỏ biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho biết thành phố đã lắng nghe và đang phối hợp các sở, ngành liên quan khảo sát, nghiên cứu để đưa ra giải pháp tốt nhất xử lý ngôi biệt thự 100 tuổi ven sông Đồng Nai.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, dự kiến trong tuần này, thành phố sẽ họp bàn với các ngành chức năng về vấn đề trên, phá bỏ hay bảo tồn.
Ông Nguyễn Hồng Ân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, cho hay Sở ủng hộ việc giữ lại ngôi biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh. Ông Ân cho biết thêm Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cùng Sở Xây dựng, UBND TP Biên Hòa và các đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng để đưa ra hướng xử lý phù hợp.
“Sở mong muốn bảo tồn ngôi biệt thự cổ trên để sau này phát triển du lịch, văn hóa. Cơ quan chức năng có thể nghiên cứu nắn lại tuyến đường để không ảnh hưởng đến biệt thự Đốc phủ sứ” - ông Ân nói.
Nói về biệt thự cổ trên, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Nai Trần Quang Toại đánh giá, đây là ngôi biệt thự có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa, được xây dựng cùng thời với Tòa bố hành chính Biên Hòa vào đầu thế kỷ 20. Toàn bộ vật liệu để xây dựng ngôi biệt thự được nhập từ Pháp. Ngôi biệt thự này từng được thuê làm phim trường để quay những bộ phim liên quan đến thời kỳ phong kiến, trong đó có phim Người đẹp Tây Đô được nhiều người biết đến.
Ông Toại cho rằng, trong quy hoạch phát triển việc nắn lại tuyến đường hoàn toàn trong khả năng của cơ quan chức năng, không nhất thiết mọi con đường đều phải thẳng. Nếu giữ được ngôi biệt thự cổ này, chúng ta sẽ tạo ra được sự kết nối về văn hóa, lịch sử, du lịch sông Đồng Nai với trên bờ và giữa ngôi biệt thự này với các công trình cổ khác một cách bền chặt hơn.
Theo Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, có nhiều cách để chúng ta giữ lại ngôi biệt thự cổ này. Thứ nhất, có thể nhờ thần đèn di dời vào bên trong và dành quỹ đất biến thành điểm đến về văn hóa, du lịch. Thứ hai là nắn lại tuyến đường lấn ra sông Đồng Nai một chút xíu để lại ngôi biệt thự cổ thì không có sao hết.
Đồng quan điểm bảo tồn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đồng Nai Trần Đăng Ninh trăn trở thêm "Bảo tồn xong rồi làm gì nữa?". Theo ông Ninh, để phát huy hiệu quả việc bảo tồn biệt thự trên thì cần những kế hoạch tiếp theo, chẳng hạn như biến nơi đây thành điểm giáo dục văn hóa, lịch sử hoặc phòng trưng bày.
Để làm điều này thuận lợi, ông Ninh cho rằng trước hết căn biệt thự phải thuộc quyền quản lý của nhà nước. Chứ còn bây giờ là tài sản của tư nhân, nếu chủ nhà không đồng ý thì chúng ta không thể bắt họ làm theo ý của mình. Lúc đó, những công sức, tâm huyết mà ngành văn hóa, chuyên gia sử học, người dân bỏ ra để giữ lại biệt thự trên trở nên vô nghĩa, về phía chính quyền thì uổng phí tiền bạc.
Ông Ninh còn đặt ra vấn đề xa hơn, đó là nếu giữ lại ngôi biệt thự thì ai đứng ra cam đoan ngôi nhà trên sẽ được bảo tồn mãi mãi khi đây chưa phải là di tích. Bởi lẽ, sau này chủ nhà có thể đổi ý, không muốn giữ lại mà đập bỏ đi thì sao?. Theo ông Ninh, nếu đã có quyết định bảo tồn thì nên làm tới nơi tới chốn. Một phương án khả dĩ là chính quyền mua lại toàn bộ khu đất, giữ lại biệt thự, rồi sau đó cải tạo thành một địa điểm công cộng cho người dân sử dụng.