Nhỏ bé về diện tích, ít ỏi về dân số nhưng trong suốt nhiều năm, Qatar vẫn luôn đứng trong top 5 danh sách giàu nhất thế giới tính theo GDP đầu người.
Dựa trên dữ liệu dự báo mới nhất về GDP bình quân đầu người năm 2023 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Qatar vượt mặt cả Mỹ và nằm chễm chệ trong Top.5 nước và vùng lãnh thổ giàu có nhất thế giới . Với GDP bình quân đầu người là 89.400 USD, quốc gia nhỏ bé này đứng thứ 4, xếp sau Luxembourg, Ireland và Thụy Sỹ.
Ảnh: Visual Capitalist
Nổi danh với cuộc sống xa hoa bậc nhất thế giới, thế nhưng, Qatar từng là một vùng đất khô cằn và nghèo nhất trong khu vực. Sự phát triển và thịnh vượng chỉ tìm đến đất nước này từ giữa thế kỷ 20. Việc phát hiện ra 2 loại nhiên liệu quý đã mãi mãi thay đổi cuộc sống ở Bán đảo Ả Rập.
Tận dụng “nguồn tiền dưới đất” để làm giàu
Những năm 1900, ngành công nghiệp chính của Qatar là mò ngọc trai và săn bắt cá. Vào năm 1907, 48% trong tổng số 27.000 dân nước này làm việc trong lĩnh vực chế tác ngọc trai. Đến thập niên 20, ngành ngọc trai sụp đổ khiến đất nước nhỏ bé này rơi vào cảnh nghèo khó.
Tuy nhiên, việc phát hiện ra dầu mỏ và khí đốt tự nhiên vào giữa thế kỷ 20 đã giúp Qatar chuyển mình thành một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới. Ngoài việc sở hữu tài nguyên quý, sự thịnh vượng của quốc gia này còn đến từ việc sử dụng món quà trời ban này một cách khôn ngoan và hiệu quả.
Ảnh: AFP
Vào những năm 1970, tuy tìm thấy “mỏ vàng đen” nhưng do nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên không nhiều và cách xa những nơi có nhu cầu về khí đốt tự nhiên nên Qatar sớm quên đi số lượng mỏ khí đốt khổng lồ của mình.
Cho đến tận năm 1996, Tiểu vương Qatar khi đó là Hamad bin Khalifa al Thani mới bắt đầu cho khai thác các mỏ khí đốt lớn. Bên cạnh đó, dù đất nước còn nghèo nhưng ông đã bắt đầu mạo hiểm đầu tư vào công nghệ như hoá lỏng khí tự nhiên để có thể vận chuyển chúng bằng các tàu lớn giống như dầu.
Sự phát triển này khiến Qatar được các quốc gia có nhu cầu về khí đốt chú ý đến và trở thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng lớn. Với chi phí khai thác và hóa lỏng khí đốt rẻ nhất trên thế giới, họ vẫn có kiếm được lợi nhuận ngay cả với giá thấp và đưa nền kinh tế quốc gia trở nên thịnh vượng hàng đầu Trung Đông.
Không chỉ đầu tư phát triển trong nước, Qatar còn tiết kiệm số tiền thu được từ khoáng sản rồi đem đi đầu tư khắp thế giới vào nhiều loại tài sản như bất động sản, công ty đại chúng và tiền tệ. Từ đó, giúp nền kinh tế trở nên bền vững hơn và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ trong dài hạn.
Sự hào nhoáng của gia tộc cầm quyền
Từ một quốc gia sa mạc lạc hậu, dầu mỏ và khí đốt đã giúp Qatar trở thành nền kinh tế giàu có. Song hành với đó, nhà Thani - gia tộc hoàng gia cầm quyền của Qatar, đứng đầu là Tamim bin Hamad Al Thani, cũng là một trong những triều đại giàu có nhất còn tồn tại trên thế giới. Đứng đầu là Tiểu vương, hay còn gọi là người cai trị Qatar.
Gia tộc Thani. Ảnh: The Sun
Người đứng đầu đất nước là Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, ước tính khối tài sản riêng trị giá 2 tỷ USD, cũng có các khoản đầu tư vào Ngân hàng Barclays, British Airways và công ty ô tô Volkswagen. Ở tuổi 41, ông là quốc vương trẻ nhất hiện nay trên thế giới và là thành viên của gia đình hoàng gia có 8.000 thành viên.
Trang SCMP đưa tin vào tháng 6, hoàng gia Qatar có khối tài sản ước tính trị giá 335 tỷ USD. Gia tộc Thani trị vì đất nước, nắm giữ nhiều khoản đầu tư vào bất động sản trên toàn cầu, bao gồm tòa nhà chọc trời Shard, làng Olympic, cửa hàng bách hoá Harrods (đều ở Anh) cũng như Tòa nhà Empire State (New York, Mỹ).
Tiểu vương Qatar và gia đình đã thể hiện quyền lực và sự siêu giàu của mình qua những tài sản họ nắm giữ, từ những cung điện rộng bạt ngàn, những siêu du thuyền tuyệt đẹp và những chiếc siêu xe đắt đỏ. Là hoàng tộc của đất nước có GDP đầu người cao bậc nhất thế giới, sự xa hoa của họ không có gì là khó hiểu.
(Tổng hợp)