Biết bị làm nhái, doanh nghiệp hàng thật vẫn lẳng lặng thỏa hiệp

B.Loan |

Vì sợ bị ảnh hưởng mà nhiều doanh nghiệp biết thương hiệu của mình bị xâm phạm, vẫn lẳng lặng thỏa hiệp.

Đó là khẳng định của ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, trong buổi ra mắt phòng trưng bày nhận diện hàng thật – hàng giả, tại Hà Nội.

Biết bị làm nhái, doanh nghiệp hàng thật vẫn lẳng lặng thỏa hiệp - Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT và chiếc xe máy giả mang nhãn hiệu Honda, đang được bán với giá từ 17 đến 18 triệu đồng/chiếc.

Theo đó, phòng trưng bày hàng thật – hàng giả sẽ mở cửa đến hết ngày 30/11 và tiến tới sẽ mở cửa thường xuyên để phục vụ người tiêu dùng quan sát về các sản phẩm vi phạm trên thị trường.

Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đã và đang diễn ra tràn lan và để phòng, chống, phát hiện cũng như xử lý vấn nạn này cũng là một quá trình rất gian nan.

Biết bị làm nhái, doanh nghiệp hàng thật vẫn lẳng lặng thỏa hiệp - Ảnh 2.

Sa tế tôm ngon thật (bên trái) và hàng nhái (bên phải) giống nhau đến từng chi tiết. Ảnh: Anh Hiền

Chia sẻ với PV, ông Trần Hữu Linh cho biết, việc "dẹp nạn" hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ có trách nhiệm của cơ quan nhà nước, lực lượng chức năng, mà cần cả sự vào cuộc của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp biết hàng hóa của mình bị xâm phạm nhưng vẫn lẳng lặng thỏa hiệp chỉ vì sợ thương hiệu của mình bị ảnh hưởng.

Theo ông Linh, trên thị trường hiện nay, hàng gì cũng có giả, nhái. Từ đồ vệ sinh, ăn uống, gia dụng, thời trang đến cả những sản phẩm to, có giá trị như xe máy cũng bị làm giả. Thực tế, người dân sử dụng hàng giả rất nhiều.

Biết bị làm nhái, doanh nghiệp hàng thật vẫn lẳng lặng thỏa hiệp - Ảnh 3.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, khi cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chung tay thì công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ mới thực sự có hiệu quả.

"Cách đây chưa đến 2 ngày, lực lượng QLTT đã thanh kiểm tra một cơ sở sản xuất rượu Sochu Hàn Quốc thì phát hiện hơn 3.000 chai rượu xâm phạm bản quyền. Tại sao người tiêu dùng Việt biết hàng giả, hàng nhái mà vẫn mua để sử dụng? Phải chăng là hàng Việt, hàng sản xuất trong nước chưa đủ hấp dẫn?", ông Linh cho hay.

Do đó, ông Linh khẳng định, khi cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chung tay thì công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ mới thực sự có hiệu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại