Biến trường dự bị đại học thành nơi phục vụ khách du lịch

Võ Hóa |

Ký túc xá (KTX) của học sinh bị biến thành phòng cho thuê, mở bãi đỗ xe ngay chính trong sân trường là những gì đã diễn ra tại trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Báo Tiền phong nhận được phản ánh của người dân có nội dung: Hàng năm, đến mùa du lịch, khu vực sân bãi, KTX sinh viên lại được trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn tận dụng để làm nơi trông xe, cho thuê phòng nghỉ, phục vụ khách du lịch. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.

Trong khi đó, trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn vốn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và được cấp 100% kinh phí hoạt động. Đất của trường này vốn thuộc đất giáo dục, không phục vụ mục đích kinh doanh.

Biến trường dự bị đại học thành nơi phục vụ khách du lịch - Ảnh 1.

Sân trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn trở thành bãi đỗ xe phục vụ khách du lịch

Ngoài ra, hàng năm, trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn được Bộ GD&ĐT cấp kinh phí, giao chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 800 học sinh. Thế nhưng, những năm gần đây, trường này thường không tuyển đủ, số học sinh mỗi năm chỉ từ 300-450 học sinh.

Trả lời PV Tiền phong, ông Lê Lâm, Phó Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn thừa nhận có việc kinh doanh nhà nghỉ, bãi đỗ xe, lãnh đạo nhà trường giao cho công đoàn tổ chức thực hiện. Việc kinh doanh của nhà trường đã diễn ra từ lâu và được Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Thanh Hóa chấp thuận.

Đáng nói, trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn thuộc sự quản lý của Bộ GD&ĐT, vậy tại sao Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Thanh Hóa lại là đơn vị đồng ý cho trường này kinh doanh nhà nghỉ, bãi gửi xe? Phải đến 6/2020, Bộ GD&ĐT mới đồng ý chủ trương cho trường tận dụng khu vực sân, KTX sinh viên để kinh doanh.

Biến trường dự bị đại học thành nơi phục vụ khách du lịch - Ảnh 2.

Phòng KTX sinh viên được cải tạo, tận dụng để cho thuê

Khẳng định việc kinh doanh của nhà trường đều đóng thuế đầy đủ, các khoản thu chi đều được lập sổ theo dõi và lợi tức của hoạt động kinh doanh dịch vụ sẽ được phân chia cho các đoàn viên công đoàn và tái đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường, còn lại sẽ nộp về kho bạc, nhưng khi PV đề nghị được tiếp cận các hóa đơn, chứng từ nộp thuế thu chi thì cả ông Lâm thoái thác.

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch TP. Sầm Sơn cho biết, việc trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn mang tài sản phục vụ giáo dục đi kinh doanh nhà nghỉ, bãi đỗ xe là hoàn toàn sai. 

“Một cơ sở giáo dục mà kinh doanh nhà nghỉ là rất phản cảm. Không những vậy, nó còn gây ra nhiều nguy cơ như mất an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi cũng đã đi kiểm tra và yêu cầu trường phải hoàn thành đầy đủ các thủ tục. Nếu không, sẽ yêu cầu ngừng hoạt động”, ông Tuấn cho hay.

Hiệu trưởng nguyên là kế toán doanh nghiệp tư nhân

Trong công tác bổ nhiệm cán bộ đối với ông Đặng Xuân Cảnh, Hiệu trưởng nhà trường còn nhiều yếu tố cần làm rõ. Cụ thể, ông Cảnh vốn là kế toán của một doanh nghiệp trên địa bàn TP Sầm Sơn. Năm 2005, ông Cảnh được tuyển về trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn làm kế toán, sau được chuyển ngạch viên chức từ kế toán trở thành giảng viên.

Tháng 5/2014, ông Đặng Xuân Cảnh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014-2019. Thời điểm được bổ nhiệm, ông Cảnh chưa có bằng Cao cấp lí luận chính trị. Và đến hết nhiệm kỳ, ông Cảnh vẫn chưa thể bổ sung đầy đủ hồ sơ cần thiết.

Vì vậy, tháng 5/2019, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT có công văn về công tác cán bộ của trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn. Theo công văn, ông Cảnh tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Hiệu trưởng trường.

Giao tập thể lãnh đạo trường chuẩn bị, đề xuất phương án nhân sự Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng có đủ điều kiện, tiểu chuẩn theo quy định, báo cáo Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định.

Ông Lâm cho biết thêm, năm 2014, ông Cảnh được bổ nhiệm Hiệu trưởng thì đã đủ các điều kiện. Tuy nhiên, đến năm 2018, Bộ GD&ĐT có Quyết định 6196. Theo đó, hiệu trưởng phải có bằng Cao cấp lí luận chính trị, nhưng đến tháng 8/2020, ông Cảnh mới hoàn thành lớp Cao cấp lí luận chính trị và được cấp bằng.

"Mới đây, Đảng ủy nhà trường, tập thể đã có báo cáo, tờ trình gửi Vụ tổ chức cán bộ và đang chờ phúc đáp, cũng như các quy trình tiếp theo", ông Lâm nói.

Phó Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn cũng thừa nhận những năm gần đây trường không tuyển đủ chỉ tiêu được giao. "Trước đây vẫn tuyển đủ, chỉ có từ năm 2015 đến nay thì không năm nào tuyển đủ, như năm 2018-2019 tuyển được 305 em, còn năm nay là gần 350 em" – ông Lâm cho biết thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại