Sự ganh đua giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang gay cấn và Covid-19 xuất hiện, làm gần 90.000 người Mỹ thiệt mạng, kinh tế gặp trở ngại, khiến cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay trở nên khó đoán.
Chưa đầy 6 tháng trước ngày bầu cử, hai ứng viên trong cuộc bầu cử năm nay là Tổng thống Donald Trump, đảng Cộng hòa, và cựu phó tổng thống Joe Biden, đảng Dân chủ, đều không thể vận động tranh cử một cách bình thường. Cử tri tự hỏi liệu họ có an toàn trước Covid-19 trong khi ông Trump phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế của thế kỷ.
“Chúng tôi thực sự không biết cuộc đua sẽ diễn ra thế nào”, giáo sư chính trị Christopher Arterton, Đại học George Washington, nói.
4 tháng trước, cục diện cuộc bầu cử năm 2020 dường như rõ ràng hơn.
Với tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục và GDP tăng trưởng vững chắc, ông Trump hứa hẹn có thêm nhiệm kỳ 4 năm. Trong khi đó, ông Biden, với kinh nghiệm chính trường từ thời gian là cấp phó của Barack Obama, tuyên bố sẽ đánh bại tổng thống đương nhiệm và khôi phục “linh hồn nước Mỹ”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Biden, 77 tuổi, dẫn trước trong các khảo sát nhưng nhiều người tin rằng Trump, 73 tuổi, sẽ chiếm thế thượng phong vào ngày 3/11 tới.
Tổng thống gần đây nhất thất bại khi tái tranh cử là George Bush năm 1992 và, về mặt lịch sử, các tổng thống có nhiệm kỳ thứ nhất tốt về mặt kinh tế là gần như bất khả chiến bại.
Ông Trump tổ chức nhiều sự kiện vận động ở khắp Mỹ với thông điệp đơn giản nhưng lôi cuốn: chủ nghĩa quốc gia cứng rắn với bên ngoài, việc làm tại quê nhà. Tổng thống này từng tự hỏi liệu Biden, được ông gọi là “Joe mơ màng”, có đủ xứng để làm đối thủ?.
“Biến số” Covid-19 xuất hiện. Trump từng muốn người dân Mỹ ca ngợi về những thành tựu của ông nhưng giờ đây, thành bại lại được quyết định bởi việc họ đánh giá cách Washington ứng phó virus corona.
‘Bầu cử trưng cầu dân ý’
“Cuộc bầu cử năm nay chủ yếu là cuộc trưng cầu dân ý với Tổng thống Trump”, Allan Lichtman, sử gia về tổng thống tại Đại học American, nổi tiếng vì từng dự đoán đúng kể quả nhiều kỳ bầu cử Mỹ, nói.
Khủng hoảng Covid-19 tạo ra bài kiểm tra sự lãnh đạo với độ khó ít nhất tương đương vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 năm 2001 hoặc suy thoái kinh tế năm 2008.
Trump tin ông thừa sức vượt qua.
“Tôi chấm 10 điểm”, Trump trả lời khi được hỏi ông đánh giá thế nào về sự lãnh đạo của bản thân.
Nhiều người không đồng ý. Họ không thích phong cách chính trị gây chia rẽ của ông. Theo kết quả của cuộc khảo sát gần đây nhất do CBS thực hiện, 57% người dân Mỹ nghĩ ông Trump “làm việc tệ”, tăng so với con số 47% hồi tháng 3. Đây chính là cơ hội vàng cho ông Biden. Nhưng giống như hàng triệu người dân Mỹ, ông bị phong tỏa tại nhà.
Cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters.
Cũng phải từ bỏ các sự kiện vận động nhưng Trump đôi khi vẫn công du trên chuyên cơ Air Force One, xuất hiện trong các bản tin tối từ Nhà Trắng. Trong khi đó, Biden lại không thể đi quá khỏi vườn nhà ở bang Delaware, phụ thuộc vào các nền tảng video thiếu chuyên nghiệp để tiếp cận cử tri.
Tuy nhiên, Trump chưa chắc đã giành lợi thế bởi những việc ông làm khiến nửa quốc gia không hài lòng. “Mọi khiếm khuyết trong nhiệm kỳ của Trump bị bộc lộ và vấn đề cấp bách lúc này là tính mạng của người dân Mỹ”, Michael Gwin, người phát ngôn của Biden, cho biết.
Nói cách khác, ông Biden “không phải động đến một ngón tay”.
“Có một câu nổi tiếng rằng ‘đừng quấy rầy đối thủ khi họ đang bận phạm sai lầm’”, Lichtman lý giải.
Những biến số
Biden thường công kích đối thủ trên Twitter, như ngày 14/5, nói Trump “đã khiến người dân Mỹ thất vọng trên mọi khía cạnh”
Gwin cho biết phe Dân chủ thận trọng khi tìm cách công kích ông chủ Nhà Trắng. “Chúng tôi cần đưa ra sự thay thế tốt hơn”.
Các khảo sát gần đây vẫn cho thấy ông Biden dẫn trước nhưng kết quả bầu cử Mỹ được quyết định bởi các phiếu bầu từ cử tri đoàn, tức khả năng phụ thuộc vào một số bang dao động (không nghiêng về phe Dân chủ hay Cộng hòa) như Florida và Wisconsin.
Kết quả khảo sát tại những khu vực đó sít sao hơn và ông Trump vẫn có thể tái đắc cử dù không nhận được nhiều phiếu phổ thông hơn đối thủ như trong cuộc bầu cử năm 2016.
Ngoài ra, những biến số dưới đây cũng sẽ góp phần định hình cuộc đua vào Nhà Trắng 2020.
Kinh tế Mỹ có phục hồi trong quý III, như Trump dự đoán hay không? Có căng thẳng ngoại giao nào hay không, như đối đầu với Triều Tiên hoặc Iran? Nga sẽ đóng vai trò gì trong cuộc bầu cử năm nay? Trump có châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại mới với Trung Quốc? Và biến số lớn nhất chính là Trump. Ông sẽ thể hiện thế nào trong lần này?
Tổng thống Trump từng bị luận tội trong năm 2019 vì lạm quyền, gây sức ép để Ukraine điều tra một bê bối liên quan Biden, nhưng sau đó được Thượng viện tha bổng. Giờ đây, Trump đang thúc đẩy một thuyết âm mưu mới, cho rằng có tồn tại cái gọi là “Obamagate”, âm mưu có sự tham gia của Biden, nhằm phá hoại chính quyền của ông.
Trên hết, Arterton nói mọi thứ vẫn phụ thuộc vào một câu hỏi đơn giản. Số người ngưỡng mộ hay chán ghét Tổng thống Trump có tăng hay không?