Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, với địa hình chủ yếu là sa mạc, nên 90% lượng lương thực của nước này là phải nhập khẩu. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, nước này đã biến vùng sa mạc trở thành những trang trại trồng lúa mì. Tất cả là nhờ việc áp dụng những công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.
Trên vùng sa mạc rộng lớn ở Sharjah, thuộc Các Tiểu vương quốc Arab nổi lên 8 vòng tròn màu xanh, đó chính là các trang trại trồng lúa mì rộng 400 ha mới được hình thành với tham vọng cải thiện tình hình an ninh lương thực ở quốc gia Tây Á vốn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu.
Tiến sĩ Khalifa Ahmed Alteneiji - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và chăn nuôi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất: "Vấn đề chính đối với đất nước chúng tôi chính là nguồn nước tưới, rất may là chúng tôi đã khắc phục được. Chúng tôi đã dùng nước biển đã được khử muối".
Để dễ dàng vận hành trang trại trồng lúa mì rộng lớn này, các nhà khoa học Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã sử dụng trí tuệ nhân tạo và các cảm biến để thu thập dữ liệu về thời tiết, đất đai nhằm theo dõi sự tăng trưởng của cây trồng và có những biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Ông Ibrahim Ramadan - Chủ trang trại lúa mì Mleiha nói: "Chúng tôi cố gắng sử dụng công nghệ mới nhất trong trang trại. Đây là một nền tảng nông nghiệp đặc biệt, có thể giúp xác định lượng nước tưới đã sử dụng và lên kế hoạch cho lượng nước tưới cho những ngày tới. Tôi cũng có thể thấy sự tăng trưởng của cây lúa mì nhờ những số liệu luôn được cập nhật và có biện pháp điều chỉnh phù hợp".
Trang trại này dự kiến sẽ sản xuất được khoảng 1.600 tấn lúa mì mỗi năm. Đây được xem là bước tiến đầu tiên trong tham vọng giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung lúa mì nhập khẩu.
Giới chức nông nghiệp Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đang có kế hoạch sẽ mở rộng mô hình trồng lúa kiểu này lên 1.400 ha vào năm 2025 và cuối cùng là 1.900 ha.