Biển miền Trung: Cần 30-50 năm để phục hồi các rặng san hô

Tuệ Minh |

Theo TS Nguyễn Hữu Huân (Viện Hải Dương học), vì sinh trưởng chậm nên để phục hồi hoàn toàn các rặng san hô ở khu vực biển miền Trung sẽ mất khoảng 30-50 năm.

Dù Formosa đã cúi đầu xin lỗi, cam kết bồi thường 500 triệu USD cho những thiệt hại của ngư dân và cũng cam kết phục khôi phục hệ sinh thái biển nhưng dư luận vẫn bày tỏ sự quan tâm đến hiện trạng của vùng biển ở 4 tỉnh miền Trung đã bị nhiễm độc.

Với những đợt lặn xuống vùng biển bị nhiễm độc để ghi nhận hiện trạng đáy biển miền Trung sau sự cố môi trường cá chết hàng loạt, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khảo sát và chụp ảnh.

Và dư luận đã không khỏi bất ngờ và đau lòng trước những bức ảnh đáy biển miền Trung bị hủy diệt do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cung cấp.

Chiều 3/7, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Hữu Huân - Nghiên cứu viên chính, Trưởng phòng Sinh Thái biển, Viện Hải Dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

PV: Thưa ông, với việc các rặng san hô bị chết do tác động của hoá chất như phenol và xyanua ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung thì thời gian để phục hồi mất khoảng bao lâu?

TS Nguyễn Hữu Huân: Về chuyên môn mà nói thì san hô phát triển rất chậm. Một năm sinh trưởng chỉ được một vài cm. Nó giống như loại cây cảnh lâu năm. Khi chết thì sẽ phải mất thời gian dài mới có thể phục hồi như trước. Mà khi san hô chết thì những loài sinh vật cư trú trong các rặng san hô do bị nhiễm độc cũng chết theo.

Biển miền Trung: Cần 30-50 năm để phục hồi các rặng san hô - Ảnh 1.

Ảnh: Tiền Phong

PV: Cụ thể, thời gian dài là khoảng bao nhiêu năm, thưa ông?

TS Nguyễn Hữu Huân: Vì nó sinh trưởng chậm nên để phục hồi hoàn toàn chắc mất khoảng 30-50 năm.

PV: Và trong trường hợp nếu hoá chất độc hại vẫn còn tồn tại trên các rặng san hô bị chết thì sự phục hồi các rặng san hô đó cũng sẽ bị ảnh hưởng?

TS Nguyễn Hữu Huân: Đúng như vậy. Tại vì nếu chất thải độc hại mà lắng đọng trong lớp trầm tích, không trôi đi được thì quá trình tác động sẽ còn kéo dài.

PV: Các sinh vật khác sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong trường hợp các rặng san hô chưa kịp hồi phục và phát triển?

TS Nguyễn Hữu Huân: San hô vẫn được gọi là hệ sinh thái của biển, nó có khả năng tương tác với nhiều loại sinh vật biển trong đó có tảo sống cộng sinh với san hô, một số loài cá, tôm hùm...

Nó cũng giống như mái nhà của nhiều sinh vật, nếu mái nhà của những sinh vật này đã bị phá huỷ đi rồi thì chúng cũng bị ảnh hưởng.

PV: Thông thường, đối với các sự cố môi trường ở diện tích, khu vực nhỏ, để phục hồi các rặng san hô đã bị chết bởi nhiễm hoá chất độc, người ta sẽ phải làm những gì?

TS Nguyễn Hữu Huân: Nếu ở diện tích nhỏ thì người ta phải dọn sạch hoặc di dời sang môi trường khác để phục hồi. Nếu kiểm tra nước đã tốt rồi, nền đất tốt rồi rồi thì người ta sẽ phục hồi.

PV: Thưa ông, hiện nay trên thế giới, việc phục hồi các rặng san hô còn có những cách nào khác không ngoài việc di chuyển sang môi trường mới? Và đối với những khu vực có diện tích bị nhiễm độc rộng thì sao?

TS Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi biết hiện giờ người ta chỉ có phục hồi bằng cách đó thôi. Người ta sẽ tạo môi trường, tạo cá thể. Đối với san hô thì buộc người ta phải dùng nguồn san hô ở nơi khác để cấy. Phương pháp này là phổ biến.

PV: Như vậy, áp dụng vào trường hợp vùng biển của 4 tỉnh miền Trung vừa bị Formosa xả thải, gây chết nhiều san hô như vậy, nếu muốn khôi phục thì phải trải qua những bước như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Hữu Huân: Trước mắt phải kiểm tra xem trong nước có còn tồn tại những hoá chất độc không. Đồng thời cũng phải kiểm tra trong trầm tích lượng chất độc còn bao nhiêu.

Nếu nước và trầm tích an toàn rồi thì mới tính đến các biện pháp phục hồi. Nếu trong trầm tích mà những chất độc kia còn lắng đọng thì mình có phục hồi cũng vô nghĩa thôi.

Xin cảm ơn ông!

Tại Hà Tĩnh, các nhà khoa học khảo sát tại Mũi Ròn Mạ và Hòn Sơn Dương (cách họng xả công ty Formosa 7,5 km ngày 06/05/2016). Ở Mũi Ròn Mạ, san hô thưa thớt không tạo thành rạn, kích thước tập đoàn nhỏ, chủ yếu dạng phủ. Có nhiều tập đoàn mới chết trong khoảng 1 tháng.

Ở Hòn Sơn Dương San hô chết khoảng 35-40%, hiện san hô còn sống dưới 10%. cả hai điểm này vắng mặt các đối tượng cá kinh tế có kích thước lớn hoặc nhóm cá thuộc các họ cá san hô điển hình.

Quảng Bình, khảo sát ở cảng Hòn La, đảo Hòn Nồm (đảo Yến) – Vũng Chùa ngày 07/05/2016. Ở Hòn Nồm, san hô phân bố thưa thớt, kích thước tập đoạn nhỏ. Độ phủ thấp, dưới 10%. Có hiện tượng san hô chết rải rác trên cạn. Vắng bóng các đối tượng các kinh tế và các họ cá điển hình cho vùng rạn san hô. Tương tự Hòn La cũng ghi nhận hiện tượng san hô chết.

Tại Quảng Trị, địa điểm khảo sát là Cửa Tùng. Ở đây các nhà khoa học bắt gặp phát hiện thấy hầu chết còn lại xác, phần thịt đã bị phân hủy, miệng bị mở. Ngoài ra còn khá nhiều vỏ hầu nằm rải rác trên nền đáy.

Còn ở Thừa Thiên Huế, các nhà khoa học khảo sát ở hai địa điểm, ghi nhận san hô chết và rất ít gặp các loài cá kinh tế và điển hình cho sinh cảnh rạn.

(Theo Tiền Phong)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại