Biên giới Tây Ninh: 50m một chốt, bộ đội căng mình "chặn sóng Covid" cho Tổ Quốc

Huy Hậu ghi |

Ăn cơm thì muỗi rớt lộp độp, đi tuần kiến lửa cắn, rắn rết bò ngang, không điện, không nước, không sóng điện thoại, không được trở về nhà và không bao giờ nghỉ ngơi...

"Bảo vệ được cửa ngõ Tây Ninh là bảo vệ được TP.HCM" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định như thế trong cuộc gặp mặt với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh ngày 25/12/2020.

Từ tháng 3/2021, trước tình hình dịch Covid-19 căng thẳng tại các nước láng giềng, Tây Ninh tiếp tục là "lá chắn thép" chặn đứng đường nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Dọc biên giới cửa khẩu Xa Mát (Tân Biên), cứ cách 50 mét đất lại có một chốt canh giữ.

Lán lều tạm bợ, không nước, không điện, không sóng điện thoại… nhưng hơn 1 năm nay, hàng nghìn chiến sĩ biên phòng vẫn quyết tâm bám trụ, cùng nhau thực hiện lời hứa: "Khi nào hết dịch mới trở về".

CHUYỆN DỰNG CHỐT PHÒNG CHỐNG DỊCH BIÊN GIỚI: SÁNG DỰNG, TỐI SẬP TRONG GIÔNG

Trung uý Trần An Ninh cố trèo lên cao, chặt trụi những cành keo tràm cổ thụ cuối cùng. Đêm qua, toàn bộ phông bạt, cột chống đều đã sập vì bị tán cây đập thẳng. Xong xuôi, Ninh đi dở tạm những chiếc lán bỏ, tận dụng tất cả thứ còn sử dụng được để lợp lại mái nhà.

"Thời điểm miền Nam bắt đầu vào mùa mưa là anh em cực nhất, vì kiểu gì giông đến thì lán cũng dễ đổ. Chỉ mong chiều nay trời đừng có mưa, chứ không sáng giờ công cốc" - Ninh vừa nói, vừa buộc dây thừng.

Biên giới Tây Ninh: 50m một chốt, bộ đội căng mình chặn sóng Covid cho Tổ Quốc - Ảnh 2.

Các chiến sĩ ở chốt số 9 Xa Mát đang gia cố lại lều lán sau trận mưa giông tối ngày 6/5.

Tối ngày 6/5, cơn mưa lớn bất chợt đổ xuống biên giới cửa khẩu Xa Mát. Gió, chớp cùng giông giật liên hồi suốt 4 tiếng đồng hồ khiến chốt số 9 của trung uý Trần An Ninh đổ nghiêng. Tình hình cấp bách, Ninh đành ra lệnh anh em rút khỏi điểm chốt phụ, về lán chính.

Cả buổi tối, mưa trên cao như trút nước, tiếng sấm nổ lớn tới nỗi rặng cao su xung quanh đều đổ rạp nhưng anh em chẳng tài nào có thể nghe thấy. Đến 10h đêm thì tán keo tràm cuối cùng cũng bị gió bẻ gảy, đập thẳng xuống khiến lán phụ vỡ đôi. "Lúc ấy, anh em nhìn nhau thở phào vì chẳng còn ai trong đó. Hay gió lệch hướng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra" - trung uý Ninh nhớ lại.

Biên giới Tây Ninh: 50m một chốt, bộ đội căng mình chặn sóng Covid cho Tổ Quốc - Ảnh 3.

Cây đè gãy đổ nhiều chốt đóng trong rừng.

Cạnh đó, chốt số 8 của trung uý Võ Mạnh Hùng cũng chịu thiệt hại nặng nề. Vài năm trước, cũng vào cơn giông như thế, cây cổ thụ nơi chốt dựng lán bị sét đánh toét làm đôi, toé lửa, từ đó chốt có tên "Chốt sét đánh" - vừa là cách nói vui, vừa cho thấy sự nguy hiểm của mưa vùng biên.

Với Hùng, suốt 2 năm chống dịch Covid-19, anh em khổ nhất là vào những ngày mưa đầu mùa. Suốt đêm, gió ngoài rừng rít bay cả người, bên trong nước theo lỗ tôn thủng đổ như trút, anh em vừa ăn tô cơm thấm nước mưa, vừa chỉ mong cho lán đừng sập.

Thế mà, sáng hôm sau lán tạm cũng đã không thể giữ lại. Chỉ riêng vào cơn mưa đầu mùa ngày 6/5, hàng chục chốt chống dịch Covid-19 tại tỉnh Tây Ninh ở xã Lợi Thuận, xã Phước Chỉ, Xa Mát,… đều chịu cảnh tan hoang như thế!

Biên giới Tây Ninh: 50m một chốt, bộ đội căng mình chặn sóng Covid cho Tổ Quốc - Ảnh 5.

Nhiều điểm chốt bị thiệt hại nặng nề sau trận mưa đầu mùa.

"Bộ đội đang cố gắng gia cố lán chốt nhanh nhất có thể trước khi bước hẳn vào mùa mưa, anh em thực sự cực khổ" - Đại tá Nguyễn Tài Sơn - Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ BĐBP tỉnh Tây Ninh - khẳng định.

Đối với anh em biên phòng Tây Ninh, tháng 5 là tháng khắc nghiệt nhất vùng biên. Ban ngày nóng như lửa đốt, ban đêm trời lạnh. Mưa liên tục kèm theo giông, sấm sét khiến các chốt đóng trên đồng hoặc giữa rừng cao su đều trở thành những trụ hút sét.

"Mưa gió còn thu hút nhiều muỗi, rắn rết đến quanh lều lán để sinh sôi nảy nở. Ăn cơm mà muỗi, mối rớt lộp độp, đi tuần thì kiến lửa cắn, rắn rết bò ngang,… Mấy tháng anh em chưa có nhang muỗi thì cả đêm không tài nào chợp mắt được" - Trung tá Mai Văn Hoà (Chính trị viên đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát) nói.

Biên giới Tây Ninh: 50m một chốt, bộ đội căng mình chặn sóng Covid cho Tổ Quốc - Ảnh 6.

Muỗi, kiến, mối, rắn rết đã thành những điều quen thuộc tại các chốt điểm.

Buổi tối chúng tôi ngồi ăn cơm ở chốt số 9, quanh chiếc bóng đèn năng lượng mặt trời yếu ớt và mâm cơm trắng của bộ đôi, muỗi, kiến, bọ xít,... vây ken đặc. Trung tá Hoà chỉ biết cười trừ: "Hầu hết các chốt đều không có điện, có sóng điện thoại, nước phải đi chở từng can cách xa 3km nên phải thật tiết kiệm.

Ban đầu anh em tới đây đều thấy khó khăn. Nhưng sau ở lâu, có khi được điều rút về đồn thì không ai chịu về, đều xin ở lại chống dịch. Riết rồi thành quen!"

Biên giới Tây Ninh: 50m một chốt, bộ đội căng mình chặn sóng Covid cho Tổ Quốc - Ảnh 7.

Các chốt điểm không điện, không nước, không sóng điện thoại và không bao giờ nghỉ ngơi.

"ĐƯỜNG BẰNG PHẲNG MỚI LÀ ĐƯỜNG NGUY HIỂM NHẤT THỜI COVID-19"

Toàn tỉnh Tây Ninh có 240 km đường biên giới. Từ tháng 3/2021, tình hình dịch Covid-19 đỉnh điểm căng thẳng tại Campuchia, bộ đội lúc nào cũng trong tình trạng căng như dây đàn.

Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long đã xác định Tây Ninh chính là "lá chắn thép" bảo vệ cho toàn TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ. Trước tình hình đó, ngay từ đầu, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh đã lập 14 trạm biên phòng, 27 trạm biên giới cố định, 129 chốt tạm. Số chốt điểm chưa từng có từ trước đến giờ.

Biên giới Tây Ninh: 50m một chốt, bộ đội căng mình chặn sóng Covid cho Tổ Quốc - Ảnh 8.

Suốt biên giới tại cửa khẩu Xa Mát, cứ cách 50 mét đất lại có một lán chốt canh giữ.

Biên giới Tây Ninh: 50m một chốt, bộ đội căng mình chặn sóng Covid cho Tổ Quốc - Ảnh 9.

Bộ đội phải tận dụng mọi vật liệu để làm lán.

Ngoài lực lượng chủ lực tại chỗ, tỉnh còn điều động hàng trăm chiến sĩ thuộc biên phòng Vũng Tàu, Hà Nội, Quảng Ngãi, TP.HCM, lực lượng dân quân, công an,… tham gia hỗ trợ canh giữ biên cương suốt 24/24, bất kể nắng mưa.

Dọc biên giới tỉnh Tây Ninh, cứ cách 50 mét lại gặp túp lều lá và barie chắn ngang. Chốt nằm cô độc giữa đồng, trong rừng cao su, chốt bị sét đánh được đặt tên Chốt trời đánh (Xa Mát), chốt chặn trước lỗ kẽm gai bị tội phạm cắt nhằm dắt người qua biên giới gọi là Chốt Lỗ Chó (Mộc Bài),…

Tất cả họ, từ khi dịch Covid-19 bùng lên ở Việt Nam, đến nay gần 1 năm rưỡi, đều chưa về nhà!

"Chốt chủ yếu được dựng bằng bạt cũ, tôn, cây gỗ dân và chính quyền hỗ trợ. Như anh nhìn tấm bạt "Vui Xuân không quên nhiệm vụ", tụi em in dùng Tết, nay xong thì cũng tận dụng để che nắng che mưa…" - Hùng chia sẻ.

Biên giới Tây Ninh: 50m một chốt, bộ đội căng mình chặn sóng Covid cho Tổ Quốc - Ảnh 10.

Trước tình hình căng thẳng tại nước láng giềng, công tác tuần tra, mật phục càng trở nên chặt chẽ, gắt gao hơn.

Theo trung uý Võ Mạnh Hùng, tại biên giới cửa khẩu Xa Mát, nhiều địa điểm vẫn chưa có ranh giới rõ ràng. Vào thời bình, 2 bên quốc gia vẫn có thể qua lại để trồng cây, làm nông nghiệp. Nhưng dịch đến, tình hình trở nên vô cùng phức tạp.

"Biên giới nước bạn sát với mình, đi vài bước chân là đã sang được, cây cối lại nhiều, rừng cao su rậm rạp rất khó phát hiện nên các đối tượng thường xuyên móc nối để dắt người vượt biên" - Hùng nói.

Biên giới Tây Ninh: 50m một chốt, bộ đội căng mình chặn sóng Covid cho Tổ Quốc - Ảnh 11.

Trung uý Võ Mạnh Hùng đã 2 lần huỷ cưới để hoàn thành nhiệm vụ nơi biên cương.

Đại tá Nguyễn Tài Sơn cho biết, Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới dài, trong đó nhiều địa hình đồng ruộng, bằng phẳng. Địa hình càng thuận lợi thì đối với dịch Covid-19 càng trở nên nguy hiểm, vì chỉ cần đặt một chân là đã có thể sang lãnh thổ nước mình. Điều đó khiến anh em biên phòng luôn phải tham gia mật phục cả ngày lẫn đêm.

"Trước tình hình ở Campuchia hiện nay, anh em luôn trong tinh thần cảnh giác, liên tục cập nhật tin tức để bảo vệ lãnh thổ, chưa để xảy ra bất kỳ trường hợp sót lọt nào. Đến nay, 37 trường hợp dương tính ở cửa khẩu đều được đưa đi cách ly ngay. Dù khó khăn thật nhưng chưa có bất cứ chiến sĩ nào quên nhiệm vụ" - Đại tá Nguyễn Tài Sơn khẳng định.

Biên giới Tây Ninh: 50m một chốt, bộ đội căng mình chặn sóng Covid cho Tổ Quốc - Ảnh 12.

Địa hình càng thuận lợi thì đối với dịch Covid-19 càng trở nên nguy hiểm, vì chỉ cần đặt một chân là đã có thể sang lãnh thổ nước mình.

2 năm công tác ở biên giới Xa Mát cũng là ngần ấy thời gian trung uý Võ Mạnh Hùng chưa về nhà. Đợt đầu tiên, tháng 5 Hùng lên kế hoạch tổ chức đám cưới thì dịch Covid-19 bùng mạnh, anh đành thất hẹn với người con gái anh yêu.

Tháng 11, bố mẹ vào thăm hỏi 2 bên gia đình, Hùng vừa tính tới chuyện cưới xin lần nữa thì dịch lại căng. Anh tiếp tục thất hẹn.

"Riết rồi giờ em chẳng còn dám dự định nào nữa. May mắn cô ấy hiểu em, hiểu công việc của biên phòng nên không trách gì, vẫn chờ. Em chỉ mong đến ngày hết dịch, hôm đó điều đầu tiên em làm là dắt cô ấy quê và tổ chức một cái đám cưới." - Hùng nhìn về biên cương, mỉm cười.

Biên giới Tây Ninh: 50m một chốt, bộ đội căng mình chặn sóng Covid cho Tổ Quốc - Ảnh 13.

Các chiến sĩ biên phòng giữ lán trại giữa rừng cao su vào đêm, làm nhiệm vụ tuần tra, mật phục.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để ủng hộ đến các chiến sĩ thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng đang làm nhiệm vụ tuần tra biên giới Tây Nam, phòng chống dịch Covid-19, độc giả có thể trực tiếp gửi về:

Trang điện tử Soha.vn; Chủ TK CONG TY CO PHAN VCCORP. Số tài khoản: 12410008685555. BIDV chi nhánh Hoàn Kiếm Hà Nội. Ghi rõ nội dung: Ủng hộ Bộ đội Biên phòng biên giới Tây Nam. Người phụ trách: Phạm Đình Mạnh . SĐT: 0974.974.104

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại