Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi hội đàm với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte hôm 24.10, ông Putin nói ông muốn thảo luận về điều mà ông gọi là kế hoạch nguy hiểm của Mỹ rời bỏ Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tổ chức hội đàm tại Paris vào ngày 11.11.
Nga đã gọi quyết định của ông Donald Trump từ bỏ hiệp ước năm 1987, theo đó tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung đặt trên bộ của cả hai nước được loại bỏ khỏi Châu Âu, là nguy hiểm.
Ông Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, điều mà Mátxcơva phủ nhận. Mátxcơva nói Washington mới chính là nước vi phạm hiệp ước.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói với ông Putin hôm 23.10 rằng Washington sẽ xúc tiến các kế hoạch từ bỏ hiệp ước này bất chấp sự phản đối của Nga và một số nước Châu Âu.
Phát biểu với phóng viên hôm 24.10, Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ đáp trả thích đáng và nhanh chóng nếu Mỹ từ bỏ hiệp ước.
“Trả lời trực tiếp câu hỏi của bạn, chúng tôi có thể đáp trả hay không” - AP dẫn lời ông Putin nói, khi được hỏi Nga sẽ làm gì nếu ông Trump làm đúng như tuyên bố rời bỏ hiệp ước. “Chúng tôi có thể, và nó sẽ rất nhanh và rất hữu hiệu,” ông nói.
“Nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước INF, câu hỏi chính là họ sẽ làm gì với những tên lửa tầm trung này mà sẽ xuất hiện lần nữa.
“Nếu họ đưa chúng đến Châu Âu thì lẽ tất nhiên phản ứng của chúng tôi sẽ giống hệt, và các nước Châu Âu đồng ý cho đặt tên lửa, nếu tình hình tiến xa đến vậy, phải hiểu rằng họ đang khiến lãnh thổ của họ có nguy cơ hứng chịu một cuộc phản công khả dĩ”.
Ông Putin nói ông không hiểu tại sao cần phải đưa Châu Âu đến chỗ nguy hiểm như vậy, nói rằng đó là tình huống mà chính Nga cũng muốn tránh nếu có thể.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 24.10 quy trách Nga đã vi phạm hiệp ước, nhưng nói ông không tin rằng mối đe dọa từ Nga sẽ dẫn đến việc triển khai các tên lửa mới của Mỹ ở Châu Âu.
EU mô tả Hiệp ước INF là nền tảng của an ninh Châu Âu, đồng thời giục Nga và Mỹ duy trì hiệp ước.
Trong lúc căng thẳng gia tăng xung quanh INF, NATO hôm nay (25.10) chính thức tiến hành cuộc tập trận Trident Juncture ở Na Uy, cuộc tập trận lớn nhất từ Chiến tranh Lạnh .
Nga, nước chung biên giới với Na Uy, đã được NATO thông báo về cuộc tập trận và mời quan sát, nhưng động thái này vẫn khiến Nga giận dữ.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cảnh báo Nga có thể buộc phải trả đũa những hành động quân sự ngày càng tăng gần biên giới phía tây của mình.
“Các hoạt động quân sự gần biên giới chúng tôi đã chạm tới ngưỡng cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh” - Bộ trưởng Shoigu nói, lưu ý rằng cuộc tập trận này sẽ mô phỏng hành động tấn công quân sự.
Phát biểu trong chuyến thăm Belarus, ông Shoigu cũng cảnh báo rằng kế hoạch của Ba Lan cho đồn trú thường trực một sư đoàn quân đội Mỹ sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực và kích hoạt phản ứng của Nga. Ông Shoigu nói Mátxcơva sẽ phải thực hiện các biện pháp trả đũa để vô hiệu hóa những mối đe dọa quân sự có thể xảy ra.
Cuộc tập trận của NATO ở Na Uy có sự tham gia của 50.000 quân, 65 chiến hạm, 250 máy bay và 10.000 phương tiện, với kịch bản giả định liên quan đến việc khôi phục chủ quyền của Na Uy sau khi bị một kẻ xâm lược giả tưởng tấn công.