Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 31/5 cáo buộc: "Phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter thể hiện tư duy điển hình và tư tưởng bá quyền kiểu Mỹ".
"Dù nhân loại đang ở thế kỷ 21 nhưng một số người Mỹ vẫn giữ tâm lý Chiến tranh Lạnh...
Trung Quốc không muốn Chiến tranh Lạnh và cũng không muốn giành một vai trong "bộ phim bom tấn Hollywood" do một số người trong quân đội Mỹ tự biên tự diễn", bà Hoa nhấn mạnh.
Hoàn Cầu nhắc "bài học 1999"
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 31/5 đăng bài xã luận cho rằng việc Lầu Năm Góc đang rất muốn đối đầu và một số người Mỹ tin rằng chạy đua vũ trang sẽ giúp Mỹ dễ dàng chiếm thế thượng phong trước Trung Quốc càng khiến nước Mỹ không tìm được vai trò của chính mình trong mối quan hệ Trung - Mỹ đang ngày càng căng thẳng.
Bức ảnh chụp các công trình xây dựng trái phép mà Trung Quốc tiến hành trên đá Xubi của Việt Nam vào tháng 9/2015. (Nguồn: CSIS)
Hoàn Cầu gay gắt nhắc lại cáo buộc Mỹ đứng đằng sau vụ NATO ném bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư năm 1999 và khẳng định đây chính là thời điểm tạo bước ngoặt để Bắc Kinh thúc đẩy công cuộc xây dựng hệ thống quốc phòng Trung Quốc.
Trung Quốc lý sự, "cây gậy" quân sự mà Mỹ lăm le trong tay sẽ chẳng dọa nổi nước này bởi Biển Đông rất gần Trung Quốc.
Vì thế chưa cần nói đến việc quân đội Trung Quốc có thể lợi dụng ưu thế về số lượng và khoảng cách để vô hiệu hóa lợi thế về chất nước trang bị quân sự của Mỹ thì dựa vào tiềm lực quốc phòng, Trung Quốc vẫn có đủ tự tin để chống lại sự đe dọa bằng vũ lực của Mỹ trên Biển Đông.
Năm 1999, NATO thực hiện chiến dịch 78 ngày ném bom vào các khu vực quân sự của Nam Tư.
Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Belgrade cũng bị tấn công bởi cuộc không kích của NATO vào ngày 07/5/1999.
NATO đã gọi sự tấn công này là một sự "nhầm lẫn".
Sau sự kiện này, mối quan hệ giữa Trung Quốc với NATO và Mỹ đã trở nên căng thẳng một thời gian dài.
Trung Quốc cảnh cáo, chỉ cần Mỹ có hành động quân sự chống lại Bắc Kinh ở Biển Đông , nước này sẽ khiến Mỹ "tỉnh ngộ và phải trả giá đắt".
Ngay sau đó, Trung Quốc lại ngọt nhạt ngụy biện, nước này sẽ kiên trì lập trường giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình và duy trì hòa bình Biển Đông là nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia trong khu vực.
Phía Trung Quốc cũng khẳng định, Trung - Mỹ có nhiều lợi ích và thách thức chung tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
"Hai bên không nên có những động thái thách thức, xung đột lẫn nhau mà cần tôn trọng, hợp tác vì lợi ích của hai nước cũng như sự thịnh vượng chung của các nước trong khu vực và thế giới", bà Hoa Xuân Oánh cho hay.
"Lời đe dọa nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh"
Bức ảnh chụp các công trình xây dựng trái phép mà Trung Quốc tiến hành trên đá Xubi của Việt Nam vào tháng 9/2015. (Nguồn: CSIS)
Bắc Kinh tức tối bởi trước đó trong bài phát biểu tại Học viện Hải quân Mỹ, ông Ashton Carter đã cảnh báo Trung Quốc đang tự xây dựng "Vạn lý trường thành cô lập" do tiếp diễn những hành động quân sự khiêu khích trên Biển Đông, gây nguy hiểm tới an ninh khu vực.
Ông chủ Lầu Năm Góc cho rằng đây là một chiến dịch lâu dài cần sự kiên quyết, khéo léo và mạnh mẽ nên có thể mất nhiều năm.
Trung Quốc "giãy nảy" ví động thái chiến lược này của Mỹ đối với Trung Quốc chẳng khác gì cách Washington duy trì với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tờ báo "diều hâu" cáo buộc, quân đội Mỹ đang đưa tâm lý Chiến tranh Lạnh Mỹ - Xô trở thành định hướng cho quan hệ Trung - Mỹ và cục diện Biển Đông hiện tại.
Báo này còn lý luận rằng, chính quyền Trung Quốc chưa từng đưa ra phát ngôn có nội dung tương tự, chính quân đội Mỹ đang vô hình trung trở thành "lực lượng phá hoại" quan hệ toàn diện Trung - Mỹ.
Trung Quốc đề cao rằng bản chất quan hệ Trung - Mỹ sẽ quyết định bản chất quan hệ quốc tế của thế kỷ 21, vì thế "tâm lý đối kháng và thái độ chèn ép Trung Quốc chính là bằng chứng cho thấy quân đội Mỹ đang tự cắn xé nền hòa bình chung của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương".
Trung Quốc quy kết, nước Mỹ (hoặc quân đội Mỹ) không chỉ đưa tàu chiến và máy bay đến mà còn thể hiện ý đồ ngăn chặn sự trỗi dậu của Trung Quốc trên Biển Đông.
Do đó, Biển Đông bây giờ mới bước vào một thời kỳ căng thẳng chưa từng có và một số yếu tố không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ đã bị Washington lôi kéo.
Hoàn Cầu lấp liếm thực tế khi cho rằng những năm qua tuy tình hình Biển Đông có leo thang nhưng các bên liên quan đều không thực hiện động thái đe dọa quân sự lẫn nhau.
Trên thực tế, Trung Quốc đã bị phát hiện tiến hành quân sự hóa nhanh chóng ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, kể từ khi nước này tuyên bố "hoàn thành giai đoạn xây đảo nhân tạo (trái phép)".
Hoàn cầu huênh hoang rằng Trung Quốc là bên có thế lực quân sự mạnh nhất tại khu vực này nhưng cũng chưa từng tuyên bố quân sự hóa Biển Đông, và chỉ trích sự can thiệp của Mỹ mang tới những dấu hiệu "quân sự hóa".
Tờ này gọi phát biểu của Bộ trưởng Carter mới đây là lời đe dọa đáng sợ nhất đối với Trung Quốc kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.