Biến động thị trường: Đồ chơi Tết Trung thu 'đổ bộ' thị trường online…vẫn ế

Thu Hương |

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Rằm Trung thu, nhưng do dịch Covid-19 nên tất cả gian hàng kinh doanh đồ chơi Trung thu đều phải đóng cửa. Trước những khó khăn trên, các tiểu thương đã chuyển hướng sang bán online trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội nhưng vẫn…ế

Giá rẻ vẫn ưu đãi từ 5 - 10%

Khảo sát của phóng viên tại các sàn TMĐT như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee cho thấy, hiện trên các gian hàng đều đồng loạt chào bán đồ chơi Trung thu với giá khá rẻ. Cụ thể, mùa Trung Thu năm trước đèn ông sao loại nhỏ có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/chiếc nay chỉ còn 5.000 đồng/chiếc; loại lớn có giá dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc nay chỉ còn trên dưới 30.000 đồng/chiếc; đèn lồng truyền thống năm trước giá từ 100.000 đồng/chiếc nay chỉ còn trên dưới 50.000 đồng/chiếc.

Chị Minh Ngọc, chủ kinh doanh đồ chơi trên sàn Shopee chia sẻ, những ngày đầu tháng 8 âm lịch, tôi rao bán đèn ông sao với giá 25.000 đồng nhưng hầu như không có khách đặt mua. Để kích cầu, tôi đã giảm xuống còn 13.000 đồng/chiếc, thậm chí đến cả những chiếc đèn lồng giấy có giá 3.000 - 4.000 đồng/chiếc, nếu mua số lượng lớn còn được ưu đãi giảm giá từ 5-10%. Thực tế cho thấy, mặc dù giá bán các loại đồ chơi Trung thu khá rẻ nhưng sức mua giảm mạnh hầu hết mỗi bài đăng bán đồ chơi trên Facebook hay sàn TMĐT có lượt tương tác rất ít, lượng mua thấp.

Biến động thị trường: Đồ chơi Tết Trung thu đổ bộ thị trường online…vẫn ế - Ảnh 1.

Đồ chơi Trung thu bán trên sàn TMĐT Shopee

 

Lý giải nguyên nhân khiến sức tiêu thụ mặt hàng đồ chơi Trung thu giảm sút, các tiểu thương bán online trên sàn TMĐT, mạng xã hội có chung ý kiến, do việc giao hàng gặp nhiều khó khăn nên việc các mặt hàng đồ chơi được mua bán cũng không nhiều. Mặt khác, dịch Covid-19 khiến thu nhập giảm sút nên các gia đình tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, cắt giảm mua sắm những món đồ không quá cần thiết. Đặc biệt, năm nay nhiều hoạt động vui chơi Tết Trung thu không được tổ chức cũng khiến sức tiêu thụ các mặt hàng đồ chơi sụt giảm.

Cảnh báo mối nguy cho sức khoẻ của trẻ

Hiện trên các sàn TMĐT, người mua cũng dễ dàng bắt gặp các món đồ chơi "nhái" theo sản phẩm của các thương hiệu như: Babie, Airhocs, Baby Alive, Aqua Dabra, Advengers, Banana…với mức giá rẻ hơn rất nhiều lần. Cụ thể, các loại đồ chơi phổ biến cho bé trai như siêu nhân, ô tô có giá từ 70.000 đồng. Bộ lắp ghép hình lego từ 150.000 đồng. Robot có giá từ 100.000 đồng. Đồ chơi cho bé gái như bộ đồ nấu ăn, bộ đồ bác sỹ, bộ trang điểm… có giá chỉ từ 80.000-120.000 đồng.  Tuy nhiên, những sản phẩm này đều không rõ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất liệu.

Trước hiện tượng mặt hàng đồ chơi Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán trên các sàn TMĐT, mạng xã hội các chuyên gia sức khoẻ, cảnh báo những món đồ chơi này rất có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của trẻ em khi tiếp xúc trực tiếp. Bác sỹ Nguyễn Thị Hữu, Khoa nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, nhiều loại đồ chơi không rõ nguồn gốc thường được làm từ nhựa kém chất lượng, kim loại pha chì, rất độc hại khi dùng. “Các cháu nhỏ thường có thói quen ngậm đồ chơi, nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, có thể gây nên các căn bệnh về đường ruột, viêm phổi” - bác sỹ Hữu nói.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người tiêu dùng không nên ham mua đồ chơi giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ cho trẻ em. Khi chọn đồ chơi cho con trẻ, phụ huynh nên lưu ý tới nhãn mác, xuất xứ, thành phần của sản phẩm. Đối với những sản phẩm được làm bằng nhựa, cần phải kiểm tra xem nó có chứa các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân... gây hại cho trẻ hay không. Nên chọn các thương hiệu đồ chơi uy tín, chất lượng. Trong trường hợp sau khi tiếp xúc với các loại đồ chơi, trẻ có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, mẩn ngứa,....phụ huynh cần ngừng cho con chơi những món đồ đó, đưa  đến các cơ sở y tế khám nếu không có dấu hiệu không thuyên giảm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại