Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Giữa Biển Đông. Từ 13 - 14/7, trên dải hội tụ nhiệt đới có khả năng hình thành vùng áp thấp (có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới), ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) sau đó ảnh hưởng tới khu vực vịnh Bắc Bộ và vùng biển Trung Bộ.
Từ khoảng 14 - 16/7, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng.
Vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm phía Tây quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2 - 4m, biển động mạnh.
Khu vực Giữa Biển Đông và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2,5m.
Theo cơ quan khí tượng, từ nay đến đầu tháng 8, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và có thể ảnh hưởng đến khu vực đất liền. Trên phạm vi toàn quốc sẽ có nhiều ngày mưa rào và dông, trong đó có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng kéo dài khoảng 2 và 4 ngày.
Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Mưa dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Thời tiết xấu, bà con khai thác trên biển lưu ý nên chằng buộc dây thừng dọc dân tàu để đi lại an toàn hơn; chuẩn bị sẵn phao cứu sinh; tổ chức đội hình khai thác trên biển theo tổ đội để kịp thời hỗ trợ nhau khi gặp sự cố.
Để chủ động ứng phó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển và mưa lớn diện rộng.
Các tỉnh, thành phố thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.