Nguyễn Viết Thành được biết tới với vai trò người sáng lập Big Toe - nhóm nhảy HipHop sớm và quy mô nhất cho đến tận thời điểm này. Ngoài ra anh còn là người sáng lập hệ thống chuyên đào tạo vũ đạo cho thanh thiếu niên trên cả nước.
Mới đây, biên đạo Nguyễn Viết Thành được mời làm giám khảo vòng Phong trào của cuộc thi Dalat Best Dance Crew 2023. Anh đã dành nhiều tâm huyết cho cuộc thi, thậm chí đi tới từng huyện của Lâm Đồng để hướng dẫn các thí sinh tập luyện, dựng bài…
Nguyễn Viết Thành cho hay, hành trình này đã khiến anh trải qua rất nhiều cảm xúc, có thêm năng lượng để tiếp tục theo đuổi đam mê với nghệ thuật vũ đạo và việc đào tạo vũ công lứa tuổi thanh thiếu niên.
Biên đạo Nguyễn Viết Thành là người sáng lập Big Toe - nhóm nhảy HipHop sớm và quy mô nhất cho đến tận thời điểm này
"Có nhiều người nghĩ rằng nhảy múa thì không thể giàu được, nhưng tôi thì không"
Nhiều người cho rằng nhảy múa thì không thể làm giàu được, anh nghĩ sao về ý kiến này?
Có nhiều người nghĩ rằng nhảy múa thì không thể giàu được, nhưng tôi thì không. Tôi nghĩ khi tập trung phát triển công việc mà mình yêu thích và thực sự dành tâm huyết cho nó, thì chúng ta hoàn toàn có thể phá vỡ nhiều giới hạn, cho dù đó là về thu nhập hay về thời gian cống hiến.
Người ta cho rằng dancer chỉ có thể biểu diễn đến năm 30 tuổi, sau đó sẽ phải giải nghệ và đi làm một công việc nào đó mà họ không có chuyên môn. Điều này sẽ khiến các dancer cứ nghèo mãi.
Nhưng bản thân tôi và nhiều anh em khác trong nghề đang chứng minh rằng, quan điểm đó là không đúng. Sau nhiều năm tháng tập luyện, biểu diễn, chúng tôi tích lũy được kha khá kinh nghiệm, kỹ năng, hiểu biết và khi không phù hợp để biểu diễn nữa chúng tôi có thể tiếp tục sống với đam mê bằng cách chuyển sang dạy nhảy, truyền đạt lại cho các thế hệ sau.
Còn mức độ giàu có thì tôi nghĩ nó phụ thuộc vào tư duy của từng người. Bản thân tôi cảm thấy cuộc sống hiện tại của mình tốt hơn rất nhiều so với trước đó. Tôi cũng xây dựng được hệ thống ProG Accademy để có thể nhảy múa cả ngày cùng các học viên, được phục vụ và hỗ trợ nhiều tài năng trẻ tỏa sáng trong lĩnh vực vũ đạo.
Nguyễn Viết Thành hiện đang là giám khảo vòng Phong trào của cuộc thi Dalat Best Dance Crew 2023
Nhưng số những người sống được bằng vũ đạo không nhiều. Vì thế nhiều người cho rằng học nhảy chỉ để thỏa mãn đam mê, sở thích chứ không thực sự có tương lai?
Có rất nhiều phụ huynh của học viên nói với tôi nghề nhảy chẳng đi đến đâu, chẳng sống được hay làm được gì to tát vì ráo mồ hôi là hết tiền. Thực ra, tất cả những nhận định đó là ý kiến cá nhân của những người không có đam mê với vũ đạo, chưa trải nghiệm đủ lâu với nghề này để biết được nó có thể đi xa đến đâu và đem lại được những gì.
Bản thân tôi cũng từng có lúc bế tắc và có suy nghĩ như vậy. Nhưng chính suy nghĩ đó đã khiến tôi mất hết năng lượng, chẳng làm được việc gì cả. Sau đó, tôi đã phải sắp xếp lại suy nghĩ của mình. Tôi hiểu rằng cả đời này tôi chỉ có một đam mê là nhảy, chỉ giỏi đúng một việc là nhảy. Vậy thì nếu đi làm việc khác tôi cũng không thể làm tốt được vì tôi không thấy vui, không tìm thấy hạnh phúc trong công việc đó.
Từ đó tôi quyết định nghiêm túc theo đuổi công việc mà mình đam mê, làm ra những thứ thực sự có ý nghĩa bằng đam mê đó. Ngoài ra, tôi cũng hỗ trợ những người có cùng đam mê với mình. Vậy là tôi có thể kiếm sống được bằng chính đam mê của mình.
"Những clip nhảy múa trên TikTok không đem lại giá trị thực"
Dù có làm giảng viên dạy vũ đạo thì cũng sẽ bị hạn chế về thể lực, tuổi tác…?
Thật ra giỏi về nhảy múa không có nghĩa là chúng ta phải hùng hục thực hiện những động tác khó nhất, nặng nhất để khoe khả năng hay thể hiện độ dẻo dai đâu. Vì nhảy múa có khi cần thể lực, nhưng cũng có rất nhiều lúc cần đến tư duy và sự bền bỉ.
Ví dụ như khi dựng một vở nhảy, điều đòi hỏi ở người biên đạo không chỉ là đứng ra thị phạm nhảy như thế nào, mà cần tập trung phần lớn cho việc thiết kế bài, dựng hình ảnh, ý tưởng trang phục sao cho nó "nghệ" và thu hút. Hoặc như khi giúp một em nhỏ tự tin thể hiện trên sân khấu, điều chúng tôi cần khi đó là sự am hiểu về tâm lý trẻ em, cần năng lực thuyết phục, dẫn dắt để các em tự tin.
Nguyễn Viết Thành đi tới từng huyện của Lâm Đồng để hướng dẫn các thí sinh tập luyện, dựng bài…
Để đứng vững bằng nghề nhảy dường như rất khó, trong khi hiện nay rất nhiều TikToker có thể nổi tiếng sau một đêm chỉ với vài clip nhảy múa. Anh nghĩ sao về hiện tượng này?
Tôi biết có rất nhiều người biết cách dùng công nghệ để hỗ trợ cho mình. Đôi khi các bạn ấy chỉ cần lắc lư cái đầu, làm vài động tác tay rồi nhờ công nghệ chỉnh sửa là thành một clip nhảy múa trông rất đẹp mắt và dễ dàng thu hút được nhiều lượt like, nhiều bình luận.
Thế nhưng tôi cũng chứng kiến rất nhiều người nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng bước ra sân khấu lại không biết nhảy ra sao, vung tay như thế nào. Với xã hội 4.0 hiện nay, sử dụng công nghệ là điều thiết yếu nhưng nếu không có hiểu biết và kỹ năng cơ bản thì những hiệu ứng và sự nổi tiếng mà công nghệ đem lại sẽ không thể tồn tại lâu bền được.
Tôi đồng ý rằng những clip bắt trend nhảy múa trên TikTok đem lại những khoảnh khắc vui vẻ cho cả người xem lẫn người nhảy. Nhưng giá trị của những clip ấy chỉ dừng lại ở mức độ xem và nhảy cho vui trên phạm vi ở màn hình điện thoại mà thôi.
Thử đem những động tác đó biểu diễn trên sân khấu trong một bản nhạc kéo dài từ 3-5 phút xem, liệu cả người xem lẫn người nhảy còn còn thấy nó "vui" và hấp dẫn nữa hay không? Đó sẽ là lúc mọi người thấy được giá trị của những năm tháng các dancer tập luyện miệt mài, có căn bản, có kỹ năng thực sự.
Bất cứ ngành nghề nào cũng vậy thôi, chúng ta cần có những giá trị thực đem lại cho xã hội thì mới có thể đi đường dài được.