Vốn điều lệ của Sabeco hiện là 6.412 tỷ đồng tương ứng 641 triệu cổ phần.
Theo nguồn tin từ ban lãnh đạo Sabeco, công ty chính thức niêm yết trên sàn ngày 6/12, sớm hơn so với dự kiến ban đầu. Giá tham chiếu phiên chào sàn là 110.000 đồng/cổ phiếu.
Với mức giá tham chiếu trên, Sabeco được định giá 70.000 tỷ đồng (3,15 tỷ USD). Với mức vốn hóa này, ngay sau khi niêm yết, Sabeco sẽ góp mặt trong câu lạc bộ doanh nhiệp niêm yết tỷ USD.
Theo ước tính, vốn hóa của Sabeco lớn thứ 5 trên sàn chứng khoán sau Vinamilk, Vietcombank, PV Gas, Vingroup.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, đang làm thủ tục đấu thầu chọn tư vấn để thực hiện thoái vốn Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương. Việc niêm yết cổ phiếu của tổng công ty vào thời điểm này khá thuận lợi, đặc biệt trong bối cảnh Sabeco vừa hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh trong năm nay.
Báo cáo tài chính quý 3 vừa công bố, luỹ kế 9 tháng, Sabeco đạt doanh thu 21.822 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.658 tỷ đồng - tăng 24,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu bia đóng phần lớn trong cơ cấu doanh thu của Sabeco đạt 18.821 tỷ đồng. Ngoài ra, Sabeco còn có nguồn thu lớn từ bao bì, rượu, nước giải khát, cồn...
Tính đến 30/9/2016, lượng tiền của Sabeco lên tới gần 10.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên, dưới 3 tháng. Trong 9 tháng công ty thu về 344 tỷ đồng tiền lãi tiền gửi.
Ngoài giá trị thương hiệu, hệ thống phân phối phủ khắp cả nước, sản lượng tiêu thụ số 1 tại Việt Nam, hãng bia này còn nắm quyền quản lý nhiều bất động sản giá trị, nằm ở những vị trí đắc địa tại Tp.HCM: 4.000 m2 tại số 46 Vân Đồn, lô đất hơn 17.000 m2 và 7.700 m2 tại số 187 - 474 Nguyễn Chí Thanh (quận 10), hơn 2.200 m2 tại Phan Huy Ích…
Trước đó, Sabeco đã trình Bộ Công Thương về phương án chia cổ tức với tỷ lệ 50% bằng tiền mặt. Công ty cũng hoàn thành nghĩa vụ chi trả hơn 2.800 tỷ đồng truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Tổng cục Thuế Tp.HCM.