Sau hơn 11 năm biệt phái về Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành, Nghệ An , thầy Ngô Công Hòa vừa xin được quay về làm hiệu phó một trường trên địa bàn. “Thời gian làm việc ở phòng GD&ĐT nhiều hơn, lượng công việc cũng nhiều hơn nhưng mức thu nhập lại giảm so với khi công tác ở trường, tôi thấy hơi thiệt thòi”, thầy Hòa lý giải lý do xin quay lại trường.
Từ năm 2012, để bố trí đủ công chức cho các phòng GD&ĐT, UBND tỉnh Nghệ An thực hiện chủ trương đưa cán bộ, giáo viên tại các trường về phòng công tác. Các phòng GD&ĐT đã lựa chọn các phó hiệu trưởng, hiệu trưởng, giáo viên giỏi ở các trường về phòng làm chuyên viên.
Tuy nhiên, đến năm 2018, Sở Tài chính Nghệ An có văn bản cho rằng, việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi này không đúng quy định. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND cấp huyện, thị dừng chi trả phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề đối với giáo viên được điều động, biệt phái công tác tại các Phòng GD&ĐT. Sau đó hầu hết các huyện, thị ở Nghệ An vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp ưu đãi cho những viên chức biệt phái về Phòng GD&ĐT.
Ngày 12/1/2023, UBND tỉnh Nghệ An ban hành văn bản về kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc biệt phái, hưởng chế độ phụ cấp giáo viên biệt phái. Qua rà soát, tổng số giáo viên biệt phái hưởng phụ cấp trong 2 năm (2021 - 2022) tại 19 huyện, thị là 281 người. Tổng số tiền các loại phụ cấp đã chi trả không đúng quy định trong 2 năm là hơn 10 tỷ đồng.
Giáo viên biệt phái đồng loạt xin quay lại trường khiến nhiều phòng GD&ĐT thiếu nhân lực nghiêm trọng. Ông Lê Thanh An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho hay, phòng có 6 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng biệt phái về làm chuyên viên thì nay cả 6 người đã xin quay về trường làm giáo viên. Nhân lực giảm hơn nửa khiến nhiều công việc bị tồn đọng. Hiện phòng chỉ còn 4 người, gồm 2 chuyên viên và 2 lãnh đạo.
Mới đây, Sở GD&ĐT Nghệ An gửi văn bản lên UBND tỉnh Nghệ An cho rằng viên chức biệt phái ở phòng GD&ĐT là nhà giáo, có tham gia giảng dạy nhưng không được chi trả chế độ phụ cấp nhà giáo là không đúng quy định. Việc cắt các chế độ sẽ ảnh hưởng đến vị trí việc làm, do họ đang là nhà giáo nên ảnh hưởng đến chế độ thăng hạng chức danh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ tiền lương mới năm 2024.
Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, viên chức sự nghiệp ở các phòng GD&ĐT được biệt phái là những cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ ở các đơn vị trường học. Nếu họ không có chế độ phụ cấp nào thì gây ra sự bất bình đẳng về chế độ trong đội ngũ công chức, viên chức, khiến các phòng GD&ĐT thiếu người làm việc, ảnh hưởng trong việc quản lý hướng dẫn chuyên môn.
Do thiếu người làm việc nên từ đầu năm học đến nay, tại một số phòng GD&ĐT đã xảy ra tình trạng chậm triển khai các hoạt động chuyên môn, các báo cáo thông tin giữa phòng GD&ĐT với Sở GD&ĐT để gửi các cấp có liên quan bị chậm trễ, không kịp thời.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, việc chi trả sai, buộc phải thu hồi theo quy định của Nhà nước. “Căn cứ theo kết luận của Thanh tra, cái gì chi trả không đúng quy định thì phải thu hồi. Còn lại việc thực hiện biệt phái hay không biệt phái thì phải có phương án. Những trường hợp không giảng dạy, không đứng lớp sẽ không được hưởng chế độ phụ cấp”, ông Long khẳng định.