Bị trách "để đồng nghiệp đơn thương độc mã" GĐBV Việt Nam - Thụy Điển nói gì?

Phương Thúy |

Trước thông tin ban lãnh đạo bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh để bác sĩ "đơn thương độc mã" trước người nhà bệnh nhân khi có tai biến xảy ra, Giám đốc Bệnh viện đã lên tiếng về sự việc này.

Bác sĩ không đơn độc

Ngày 13/7/2017, cụ Nguyễn Thị H. quê Quảng Yên, Quảng Ninh vào Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí sau khi bị ngã, bác sĩ chẩn đoán gãy cổ xương đùi và phải phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân có dấu hiệu tụt huyết áp và tình hình xấu hơn. Dù được cấp cứu hồi sức rất tốt nhưng bệnh nhân H. đã tử vong vào 4h sáng 13/7/2017.

Sau khi bệnh nhân H. tử vong, người nhà của bà cụ đã vào Bệnh viện để gặp bác sĩ, lăng mạ bác sĩ và quay lại clip đưa lên mạng xã hội. Ngay sau đó, clip được chia sẻ trên mạng Youtobe và gây bức xúc cho các bác sĩ trong ngành y.

Người bị người nhà lăng mạ là bác sĩ Thiện – anh chỉ biết ngồi im mặc kệ người thân của bệnh nhân mạt sát, la mắng mình.

Nhiều câu hỏi được đặt ra sau khi xem clip là ban giám đốc Bệnh viện đâu mà không hỗ trợ bác sĩ để bác sĩ Thiện “đơn thương độc mã” hứng chịu bức xúc của người nhà bệnh nhân?

Trao đổi với chúng tôi, TS. BS Trần Viết Tiệp – Giám đốc Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh cho biết, sự việc của bệnh nhân H. xảy ra là những biến chứng sau phẫu thuật gãy cổ xương đùi, đây là một sự cố y khoa rất nặng và có thể gặp trong các phẫu thuật vùng xương chậu, khớp háng và tiểu khung.

Sau khi sự việc xảy ra vào lúc đầu giờ sáng và người nhà của bệnh nhân kéo vào bệnh viện. Họ bức xúc, không tin vào nguyên nhân tử vong của cụ dù bác sĩ đã giải thích. Họ cho rằng, sau mổ bà cụ vẫn tốt nên họ nghĩ bác sĩ đã khiến bệnh nhân tử vong.

Ngay lúc bệnh nhân có diễn biến nặng, trực lãnh đạo bệnh viện đã có mặt để chia sẻ động viên gia đình người bệnh và tiếp tục tổ chức cấp cứu người bệnh để bác sĩ Thiện được mấy phút nghỉ ngơi vì BS. Thiện đã theo dõi và cấp cứu người bệnh liên tục từ chiều tới suốt đêm.

Khi BS. Thiện đi vào phòng làm việc ngồi nghỉ thì người nhà bệnh nhân kéo theo vào tận phòng làm việc để lăng mạ, đổ lỗi cho bác sĩ và họ quay lại clip đưa lên mạng xã hội.

Bác sĩ Thiện lúc ấy đã rất mệt mỏi và buồn nên anh đã ngồi im lặng, đau buồn trước sự ra đi của cụ cũng như thái độ bức xúc của gia đình người bệnh.

Phía sau clip mọi người chia sẻ đều trách Ban giám đốc bệnh viện đã để bác sĩ “đơn thương độc mã”, cho rằng Ban giám đốc bệnh viện tránh né. Tuy nhiên, TS. Tiệp nhấn mạnh “chúng tôi luôn bên cạnh, cùng sẻ chia với các cán bộ viên chức, trong đó có bác sĩ Thiện”.

Sự việc xảy ra vào sáng sớm và sau đó chính TS Tiệp đã ngồi lại với khoa Hồi sức để trò chuyện nghe tâm tư của bác sĩ, điều dưỡng sau tai biến đó. Mọi người chia sẻ thật sự gần gũi và chân tình.

TS Tiệp cho rằng ông đã công tác tại Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí 33 năm trong đó có 25 năm làm lâm sàng nên công việc cấp cứu người bệnh của các bác sĩ, điều dưỡng ông rất hiểu.

Tuy nhiên, ông Tiệp thừa nhận có nhiều bác sĩ chưa được rèn luyện tốt kỹ năng ứng xử khi giao tiếp với người bệnh nên có thể trong quá trình phục vụ người bệnh còn có những tình huống ứng xử chưa tốt và ít có kinh nghiệm trong những tình huống như thế này.

Để hiểu anh em bác sĩ của mình hơn, TS Tiệp nhiều khi còn “mày tao chí tớ” để mọi người có thể bộc lộ hết tâm tư, nguyện vọng của mình nên không có bác sĩ, điều dưỡng nào cảm thấy cô đơn hay đơn thương độc mã.

Người nhà bệnh nhân đã chia sẻ

TS. Tiệp cho biết, sự việc của bệnh nhân H tử vong, người nhà bệnh nhân bức xúc không tin vào nguyên nhân tắc động mạch phổi như bác sĩ đã nói. Sau đó ban lãnh đạo bệnh viện đã gặp gia đình và mời công an vào khám nghiệm tử thi.

Đến 12h trưa, khi cơ quan công an công bố kết quả khám nghiệm tử thi phát hiện có nhồi máu phổi, động mạch phổi có cục máu đông.

Người nhà bệnh nhân đã hiểu ra và biết rằng chẩn của bác sĩ không sai. Họ tự động rút clip đó trên mạng xã hội dù các bác sĩ, bệnh viện không yêu cầu.

Đến nay, sự việc của bệnh nhân H. người nhà, con cháu cụ đã hiểu và họ không có ý kiến gì. Họ cũng chia sẻ với bác sĩ hơn.

Về phía bệnh viện, TS. Tiệp cho biết ban giám đốc bệnh viện lấy ý kiến của cán bộ, công nhân viên chức của bệnh viện và mọi người đều hết sức chia sẻ thấu tình đồng nghiệp và tình thầy thuốc – Người bệnh.

Nói về phẫu thuật gãy cổ xương đùi, TS Tiệp cho biết, bệnh viện đã thực hiện nhiều ca và thậm chí có ca bệnh nhân 93 tuổi và bệnh nhân rất hài lòng.

Khi bị gãy cổ xương đùi, nếu không phẫu thuật thì cuộc sống của bệnh nhân cũng như người chăm sóc vô cùng vất vả.

Trường hợp biến chứng sau mổ dù bác sĩ có biết trước nhưng không thể nắm hết được diễn biến của nó và đây là lần đầu tiên bệnh viện gặp trường hợp như của cụ H.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại