Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ thẳng "quy luật tồn tại" của công trình sai phép, không phép

Nguyễn Phan |

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra quy luật tồn tại của những công trình không phép, sai phép trên địa bàn TP. Đó là lý do vì sao chính quyền dù nhận diện được nhưng mãi không khắc phục được.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP do UBND TP tổ chức sáng 30-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề ngay: "Tại sao thấy sai nhưng làm mãi không khắc phục được?"

Rõ ràng là cán bộ buông cho dân làm sai

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân kể vừa rồi Thành ủy TP có đề nghị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra thử một số quận - huyện về TTXĐ, trong đó có Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh. Bí thư Thành ủy TP đã nêu một số ví dụ để thấy chính quyền quản chặt đến đâu, buông đến đâu và có thể tiếp tục như thế được không.

Đầu tiên là một hộ dân ở Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đăng ký xây dựng nhà 2 tầng, diện tích 168 m2, chủ đầu tư thay đổi kiến trúc chia thành 125 căn nhà với diện tích hơn 1.180 m2. Một trường hợp khác cũng ở Bình Chánh, năm 2015 giấy phép xây dựng xin xây 3 căn nhưng đến năm 2017 thành 19 căn.

Rồi một công ty thương mại hợp khối công trình nhà ở thành chung cư hơn 200 hộ dân với 645 nhân khẩu đang ở. "Một người làm cả chung cư cho hàng trăm hộ dân ở thì rõ ràng là chúng ta buông chứ không phải là không biết" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trăn trở.

Có lợi nên cứ tồn tại mãi

Từ đó, Bí thư Thành ủy TP khẳng định công trình không phép, sai phép vẫn tồn tại là có quy luật. "Quy luật đây chính là việc tồn tại đó có lợi cho một số đối tượng cụ thể. Khi có lợi thì muốn duy trì" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ông chỉ ra về mặt hình thức, "cò" là trường hợp góp phần duy trì cái này. Hai là người dân, tuy người dân biết nhà xây dựng như vậy là trái phép nhưng họ chấp nhận mua lại để có nhà ở nên họ không phản đối bởi họ cũng có lợi. 

Ba là cán bộ công chức nếu không xử lý theo luật pháp, vẫn thấy có lợi nên vẫn làm, vẫn tiếp tục sai phạm.

"Do đó, chúng ta phải tính làm sao để những người vi phạm pháp luật sẽ bị bất lợi chứ không phải có lợi. Làm thế nào để những người không làm tốt nhiệm vụ sẽ bị xử lý, làm sao cứ vi phạm pháp luật là không thể tồn tại được" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.

Cách làm theo ông Nguyễn Thiện Nhân là khi người dân có nhu cầu nhà ở thì phải rà soát lại quy hoạch, đất, rà soát lại các vấn đề chia tách đất của dân để giúp người có điều kiện tạo lập nhà ở hợp pháp. 

Hai là cần có sơ kết, tổng kết lại mô hình nhà trọ cho thuê, đáp ứng nhu cầu nhà ở trước mắt của người dân. Ba là chương trình nhà ở dài hạn 5 năm cho 1 triệu dân tăng. Nếu dân mua nhà không giấy tờ thì sau này thiệt hại rất nhiều, chuyển nhượng cũng khó, làm hộ khẩu cũng khó…

Với cách tiếp cận vấn đề như vậy, Bí thư Thành ủy TP đã đưa ra một số đầu việc, yêu cầu các đơn vị thực hiện từ nay đến tháng 6-2020.

Đó là công trình xây dựng không phép, sai phép phải được xử lý ngay chứ không thể kéo dài. TP có hơn 1.200 thanh tra xây dựng không thể lúc nào cũng có mặt 24/24 nhưng dân thì có thể vì chỗ nào cũng có dân ở cả. 

"Dân là người biết đầu tiên, dân đồng thuận thì người dân chính là người phát hiện. Phương châm là phát hiện xử lý ngay không phép, sai phép thông qua người dân, qua lực lượng chuyên trách và cơ chế phối hợp" - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Đối với cán bộ, công chức, đảng viên, Bí thư Thành ủy TP yêu cầu không được làm trái pháp luật, làm sai sẽ bị xử lý về mặt chính quyền, về mặt đảng. 

"Không cho phép vào làm nhà nước để có điều kiện làm chuyện bất hợp pháp" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và nhắc lại chuyện Công an Bình Chánh đang khởi tố vụ án đầu nậu kết nối với công chức cố tình làm sai gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải bị xử lý nghiêm.

Sẽ không cho xuất cảnh đối với cá nhân chưa chấp hành vi phạm hành chính

Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành, đơn vị và các địa phương tập trung đánh giá và nhận định đầy đủ về thực trạng công tác quản lý trật tự xây dựng, các khó khăn, giải quyết các vướng mắc để chấn chỉnh ngay công tác này trong thời gian tới với phương châm: "Phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu, không để xây dựng sai phạm hoàn thành".

photo-1

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Tư pháp đề xuất biện pháp không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng


Nổi bật trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu để xử mạnh công trình không phép, sai phép là Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các biện pháp, giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng như không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng;

chưa cho xuất cảnh đối với các cá nhân, đại diện theo pháp luật của các tổ chức khi đang có nghĩa vụ chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; xử lý hình sự đối với các vi phạm về trật tự xây dựng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại