Chiều 13/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức họp báo thông tin kết quả Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025.
Người dân được khám sức khoẻ định kỳ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết sau cuộc làm việc với tập thể Bộ Chính trị về phê duyệt văn kiện và phương hướng nhân sự Đại hội, Đảng bộ thành phố đã tiếp thu và có những chỉ đạo sát sao trong nhiều vấn đề.
Ví dụ, Bộ Chính trị nêu ngoài chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế nên có thêm chỉ tiêu liên quan đến vấn đề xã hội và các vấn đề quốc kế dân sinh. Đảng bộ Hà Nội đã tiếp thu, đưa vào Báo cáo chính trị một nội dung về chăm sóc sức khỏe người dân, đặt mục tiêu mỗi năm khám sức khỏe cho công dân thủ đô ít nhất một lần.
Về tuổi thọ, thành phố xác định tuổi thọ người dân Hà Nội hiện cao hơn bình quân cả nước 1,5 tuổi, thành phố đặt mục tiêu đến 2025, tuổi thọ trung bình ở thành phố là 76-76,5 tuổi - cao hơn tuổi thọ cả nước 2 tuổi, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội và các Phó Bí thư Thành uỷ khoá XVII họp báo thông tin về Đại hội
“Ngoài ra, Đảng bộ Hà Nội nhấn mạnh nhiệm kỳ này tạo bằng chuyển biến căn bản về công tác xây dựng Đảng và những vấn đề dân sinh bức xúc, nhất là về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, an ninh nguồn nước, quản lý trật tự xây dựng…”, ông Huệ nói.
Đặc biệt, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố xác định giải pháp về khai thác tài nguyên chất xám và nguồn lực trí thức.
Trước câu hỏi của báo chí liên quan đến việc sắp xếp nhân sự trong khóa mới, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết việc sắp xếp Trưởng Ban Dân vận và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cần phải có quá trình.
Trước đó, tại phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy và bà Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Dân vận được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy.
“Việc sắp xếp cán bộ trong thời gian tới phải phát huy được năng lực, sở trường của từng người. Nhưng dứt khoát phải có một đồng chí làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và một Phó Bí thư làm công tác xây dựng Đảng”, Bí thư Hà Nội nói.
Theo ông Huệ, trong báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ Hà Nội khoá XVI đã nhận thức rõ các khuyết điểm trong công tác cán bộ. Do đó, tại nhiệm kỳ này, BCH Đảng bộ thành phố nêu rõ việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát của Đảng.
“Công tác này không chỉ gói gọn trong hoạt động của Ủy ban kiểm tra các cấp, mà cấp ủy và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, đồng thời tăng cường thêm vai trò giám sát của quần chúng nhân dân, các đoàn thể chính trị và toàn thể xã hội, tăng cường xử lý đơn thư, tố cáo, giải quyết bức xúc của nhân dân” - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Giảm dần xe máy cũ; dừng sử dụng than tổ ong
Về những vấn đề còn bức xúc của thành phố, ông Huệ cho biết: Lãnh đạo thành phố rất cầu thị, nhưng với thành phố có tốc độ đô thị hóa đặc biệt như Hà Nội thì tốc độ phát triển hạ tầng không thể theo kịp tốc độ phát triển sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề.
“Cái quan trọng là có ý thức cầu thị và có trách nhiệm giải quyết những vấn đề đó”, ông Huệ nhấn mạnh.
Dẫn chứng vấn đề về ô nhiễm không khí, Bí thư Hà Nội cho rằng, ít nhất phải có 67 trạm quan trắc thì mới đo được chất lượng không khí. Cùng với đó, phải chấm dứt hoạt động của bếp than tổ ong, có thời gian tiến tới chấm dứt việc đốt rơm rạ…
Các xe máy cũ cũng đề nghị ban hành tiêu chuẩn khí thải, xe máy, ôtô không đủ điều kiện lưu hành theo tiêu chuẩn phải thu. Thứ nào dùng được thì có thể mua, đổi...
“Chúng ta phải giảm lượng xe máy dần dần. Cùng với đó, phải tăng ngay năng lực của giao thông công cộng. Năng lực của giao thông công cộng hiện mới được 19%. Những chuyện đó là quá trình bền bỉ, lâu dài, chúng ta phải cương quyết làm”, ông Huệ nói.
Đặc biệt, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh nhiệm kỳ tới Hà Nội sẽ phấn đấu nâng cao thu nhập của của người dân với mục tiêu đến năm 2025 đạt từ 8.300 - 8.500 USD/người/năm.
“Quan trọng nhất trong đó là người dân Thủ đô phải được hưởng đầy đủ thành quả của quá trình xây dựng, phát triển thành phố”, ông nói.
Tại họp báo, tân Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biế,t tình hình mưa lũ miền Trung rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân miền Trung nên Hà Nội vừa quyết định trích 7 tỷ đồng ủng hộ 5 tỉnh miền Trung bị lũ lụt.
“Ngay chiều nay các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội đã quyên góp được hơn 312 triệu đồng ủng hộ nhân dân miền Trung”, ông Phong cho biết thêm.