Làm sao để không tái lấn chiếm
Sáng 14/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với Quận Bắc Từ Liêm.
Báo cáo về tình hình ra quân "đòi" vỉa hè cho người đi bộ, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, trước khi triển khai đã có điều tra cơ bản về các trường hợp kinh doanh trên các tuyến phố.
Quận Bắc Từ Liêm có 119 tuyến đường, phố, trong đó có 39 tuyến có vỉa hè, có 5.167 hộ kinh doanh. Trong số này có 664 hộ vi phạm về trật tự giao thông, trật tự đô thị gồm 243 hộ vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trong kinh doanh đồ ăn uống.
Còn lại là vi phạm trong kinh doanh hoa quả, quần áo, biển hiệu quảng cáo, bục bệ lấn chiếm vỉa hè. Đáng chú ý, ông Tùng cho biết, trong số 19 điểm trông giữ xe chỉ có 5 điểm có giấy phép, còn 14 điểm trông giữ không có giấy phép.
"Sau ra quân đã có chuyển biến tích cực, đa số các hộ kinh doanh đã tự giác", ông Tùng nói.
Ngay sau khi ông Tùng phát biểu, Bí thư Hoàng Trung Hải đã đặt câu hỏi về việc lực lượng công an xác định phương pháp nào để lần này không còn tái diễn lấn chiếm hè phố?.
Trả lời câu hỏi này, ông Tùng nêu rõ, với cách làm rất bài bản, hợp tình, hợp lý, trong thực hiện lần này, người dân có ý thức tự giác hơn nhiều.
"Để thành công thì đầu tiên, dân phải tự giác. Muốn người dân tự giác phải vận động, tuyên truyền rồi mới xử lý. Quận xác định sau tuyên truyền sẽ kiên quyết xử phạt. Phạt lần một, lần hai và đến lần ba là rút giấy phép kinh doanh", ông Tùng nói thêm.
Còn ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, vỉa hè, lòng đường những ngày qua đã thông thoáng hơn nhiều.
"Trong xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì số nhỏ bị ảnh hưởng nhưng số đông được lợi và thành phố đẹp hơn. Vì thế, số ít những người kinh doanh ở vỉa hè, người trông giữ xe nên ủng hộ", ông Dục nói.
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.
Nêu thêm ý kiến để trả lời câu hỏi của Bí thư Thành uỷ, làm sao để không bị tái lấn chiếm?, ông Dục cho biết, để giải quyết được, chìa khoá thành công là chính quyền phải kiên quyết ngay từ đầu, phân công rõ trách nhiệm, đúng địa chỉ.
"Để thành công, phải duy trì cơ chế kiểm tra, xử lý. Không cần phải xây dựng thêm chế tài nào nữa bởi Nghị định 155 của Chính phủ đã cho phép phạt từ 500.000 đồng trở lên với hành vi vứt rác ra đường.
Kinh doanh vứt rác ra đường mà không thu dọn có thể xử phạt 3-5 triệu. Như vậy, chế tài có rồi, chỉ còn thực hiện", ông Dục cho hay.
Ngoài các lực lượng của phường, quận, ông Dục cũng cho biết thành phố có 5 đoàn trực tiếp đi kiểm tra về trật tự đô thị, trật tự công cộng.
"Đội ngũ của phường, quận phải thường xuyên kiểm tra, xử lý. Còn 5 đoàn kiểm tra của thành phố sẽ kiểm tra phát hiện thêm và giám sát chéo việc thực hiện của từng nơi", ông Dục thông tin.
Xử lý nghiêm trường hợp cố tình tái lấn chiếm
Nhấn mạnh cách làm trong lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, chủ trương của thành phố "là phải làm bài bản, có tình, có lý".
Theo Bí thư, lần này đã thực hiện đầy đủ các bước, từ vận động, tuyên truyền đến đưa ra lộ trình tự khắc phục. Từng tuyến phố cũng đã kẻ vạch vôi cho phép để phương tiện, phần ngoài vạch vôi là không được phép lấn chiếm.
"Người dân tự giác rồi nhưng từ cấp phường, quận, các lực lượng đều phải tăng cường kiểm tra mới giữ được trật tự.
Với những trường hợp không chấp hành, cố tình tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường phải xử lý mạnh tay. Cố tình tái phạm có thể rút giấy phép không cho kinh doanh, và với các hộ kinh doanh không đảm bảo vệ sinh môi trường, xả rác bừa bãi cũng cần xem xét rút giấy phép kinh doanh", ông Hải lưu ý.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, bảo đảm vỉa hè cho người đi bộ đã làm tốt rồi, nhưng phải thực hiện công tác kiểm tra chéo lẫn nhau, giữa phường này với phường kia, giữa quận với phường.
"Chính bằng cách đấy chúng ta mới duy trì được. Chúng ta đã bị nhiều lần chúng ta làm nhưng sau đó quay trở lại. Vậy thì làm thế nào để chúng ta duy trì được lần này.
Chúng ta đã làm tốt việc vận động người dân, người dân tự giác chấp hành theo đúng quy định của pháp luật, tức là vì lợi ích của số đông, thì chúng ta phải duy trì được nội dung này.
Xử phạt là việc cần thiết phải làm nhưng công tác vận động, tăng cường kiểm tra giám sát là công tác không thể bỏ.
Tôi đề nghị, các đoàn kiểm tra của thành phố phải tăng cường kiểm tra chéo giữa các quận với nhau để tránh trường hợp phường làm tốt cũng như phường không làm tốt, quận làm tốt cũng như quận làm không tốt, thì không ai muốn làm hết…", Bí thư chỉ rõ.
Đồng thời, ông chỉ rõ, nếu không tạo ra phong trào chấp hành pháp luật chung của toàn thành phố là thất bại, người ta sẽ nói đến không dám làm.
Cho nên vai trò từ chính quyền, công an của thành phố đến các quận, phường phải làm đồng bộ, kiên quyết và các cơ quan báo chí cần vào cuộc nêu những trường hợp xấu để thành phố biết.
"Các đồng chí biết cuối cùng chỉ có cái ghế nhựa và cái vạch vôi nhưng các đồng chí vừa đi cái có khi người ta đá ghế nhựa ra, không thấy nói gì lại đá nữa ra, không thấy nói gì lại ngồi xuống thế là thành của họ.
Cái đó rất khó, tôi biết thế chứ không đơn giản nhưng nhắc đi nhắc lại, có hình thức xử phạt rồi tổ dân phố vào cuộc phê bình trong các cuộc họp…
Có nhiều cách chúng ta làm, chứ còn cứ xuôi lòng bỏ đi thì không bao giờ làm được...", ông Hải nhấn mạnh thêm.