Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. (Ảnh ghép có sử dụng nguồn của TTXVN)
Thanh An: Chỉ đạo mới đây nhất của ông về việc yêu cầu không được ứng xử thô bạo với người dân đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Ông bất ngờ không thưa Bí thư?
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh: Không có gì bất ngờ cả. Bất kể một chỉ đạo nào từ người lãnh đạo địa phương đều tác động đến nhân dân và nhận được sự quan tâm, bàn tán của dư luận.
Chỉ có điều, vì sao tôi phải lưu ý đội ngũ nhân sự thực thi công vụ ở Đồng Nai điều đó?
Rất đơn giản, tôi cần người dân Đồng Nai sống và làm việc theo pháp luật. Các công chức khi thực thi công vụ đầu tiên phải tôn trọng người dân. Tiếp nữa là làm việc đúng pháp luật. Có thể lúc này lúc khác công việc quá nhiều, áp lực quá lớn khiến người công chức, viên chức không giữ được bình tĩnh dẫn đến cảm xúc chi phối. Tất cả những lúc căng thẳng đó đòi hỏi chúng ta phải dựa vào pháp luật để ứng xử, xử lý công việc cho thỏa đáng.
Với những cá nhân hay tổ chức có thái độ chống đối, không hợp tác thì người thực thi công vụ chỉ cần áp luật vào để giải quyết. Cần thiết có thể áp chế tài xử phạt hành chính ngay tại hiện trường cơ mà. Người cán bộ trong bộ máy công quyền chỉ vì bức xúc với thái độ của người dân mà xử lý không thỏa đáng dẫn đến vượt qua khuôn khổ pháp luật, vi phạm pháp luật là không được rồi.
Cho nên trong cuộc giao ban sáng nay, tôi vừa phải nhắc nhở và cũng đồng thời cảnh báo bất kỳ ai ở vị trí nào, thực hiện công việc gì nếu vi phạm đương nhiên sẽ bị xử lý trước pháp luật.
Thanh An: Đối diện với trường hợp người dân không hợp tác thì cán bộ thực thi công vụ phải làm gì thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh: Trong trường hợp người dân e ngại nơi lấy mẫu đông người, giải pháp xử lý đâu có khó khăn nhỉ? Nhân viên y tế có thể đến tận nhà lấy mẫu. Làm việc đó dễ và nhanh hơn rất nhiều so với việc cứng nhắc phá cửa, xâm phạm gia cư, sử dụng bạo lực buộc người dân ra ngoài lấy mẫu chứ!
Đời sống của nhân dân trong giãn cách đã quá khổ rồi. Bà con quá bức xúc với dịch bệnh rồi thì khi giải quyết công việc, mình phải ứng xử làm sao cho thực lòng, tôn trọng nhân dân. Không bó tay trước khó khăn nhưng cách làm thì vừa phải mềm mỏng vừa phải hiệu quả. Căng thẳng với người dân là không nên. Người cán bộ lúc nào cũng có trách nhiệm giải thích cho người dân thật rõ ràng những mặt đúng và sai, lợi và hại, nên và không nên.
Đơn cử chuyện tối 27/9, đồng chí Nguyên (ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ tịch UBND TP Biên Hòa) khi hay tin một hộ gia đình đi bộ về Tây Ninh bị kiệt sức trên cầu Hóa An đã ra tận nơi trao đồ ăn, lo chỗ ở tạm, test Covid-19 và tạo điều kiện giúp đỡ ngay trong đêm. Vậy là rất tốt. Ứng xử với dân như vậy mới là cán bộ. Tôi rất khen đồng chí!
Chỉ những hành động như vậy người dân mới đồng tình với cán bộ.
Thanh An: Điều gì khiến ông lo lắng về tình hình dịch bệnh ở Đồng Nai lúc này thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh: Điểm tôi lo lắng nhất ở Đồng Nai thời điểm này là vắc xin còn thiếu quá.
Trong hai vũ khí chống dịch, giải pháp 5K, Đồng Nai đã cố gắng tổ chức thực hiện một cách khoa học nhất rồi.
Về mặt con người, đội ngũ nhân lực của tỉnh cũng đã quen việc, hiểu việc và có khát khao hoàn thành tốt công việc rồi. Bây giờ chúng tôi chỉ cùng nhau chung sức làm thôi chứ không lo gì cả.
Tuy nhiên, vắc xin - mũi giáp công có vai trò quyết định trong việc giúp Đồng Nai sớm khống chế dịch và quay trở lại với cuộc sống bình thường mới thì đang quá thiếu thốn.
Ngay như ở huyện Xuân Lộc, dù đang thuộc "vùng xanh" và đã lên kế hoạch mở cửa dự kiến từ ngày 1/10 tới tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin lại rất thấp. Cả huyện mới chỉ khoảng 34% dân số được tiêm. Thậm chí, tỷ lệ tiêm vắc xin cho công nhân còn thấp hơn trung bình của huyện - chỉ khoảng 23%. Các "vùng xanh" khác của tỉnh tình trạng cũng tương tự.
Thanh An: Trong bối cảnh vắc xin đang thiếu thì cộng đồng doanh nghiệp Đồng Nai có hy vọng gì về việc sớm trở lại tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh: Chúng tôi đã tổ chức để các doanh nghiệp thuộc "vùng xanh" được quay trở lại tổ chức sản xuất, kinh doanh một cách an toàn. Đồng Nai đồng ý về mặt chủ trương cho doanh nghiệp tự quyết định lựa chọn mô hình sản xuất.
Chỉ cần doanh nghiệp đề xuất phương án tổ chức sản xuất an toàn thì tỉnh sẽ ủng hộ. Phía UBND tỉnh đã bố trí cán bộ làm việc với doanh nghiệp trong việc xây dựng, hoàn thiện mô hình sản xuất an toàn. Doanh nghiệp cần gì, cán bộ phải tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp luôn ở đó.
Thực tế doanh nghiệp Đồng Nai đã trực tiếp gửi đề xuất, kiến nghị với Bí thư khá nhiều. Khi nắm bắt được nguyện vọng và ý tưởng của doanh nghiệp, tôi đã yêu cầu đầu mối của các sở, ngành chức năng phải hỗ trợ doanh nghiệp hiện thực hóa giải pháp đó.
Tuy nhiên, đến giờ phút này Đồng Nai vẫn là địa phương ít "vùng xanh" lắm. Mới có mười mấy phần trăm thôi. Cho nên mọi nỗ lực của chính quyền, BCĐ phòng chống dịch trong việc bảo vệ và mở rộng "vùng xanh" là hết sức quan trọng.
Thanh An: Xin cảm ơn ông!