Bị tai nạn cứa cổ cần lập tức làm điều này để giữ mạng sống

Vyka |

Nếu gặp người bị nạn bị thương ở cổ, chảy máu nhiều, bạn hãy làm ngay điều này để cứu giúp họ bởi nếu được sơ cứu đúng cách, tỉ lệ sống sót sẽ cao hơn.

Vài ngày qua, vụ tai nạn thương tâm của bé trai 9 tuổi va vào mái tôn của xe xích lô khiến cháu bị cứa cổ dẫn đến tử vong khiến nhiều người xót xa.

Bị tai nạn cứa cổ cần lập tức làm điều này để giữ mạng sống - Ảnh 1.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: otofun

Và hôm nay, lại thêm một người phụ nữ nữa bị thiệt mạng do bị tấm tôn tuột khỏi xe chở hàng cứa vào cổ. Dẫu biết rằng, một vết thương dài ở cổ sẽ gây mất máu nhiều và nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu được sơ cứu cầm máu ban đầu đúng cách, rất có thể nạn nhân sẽ "vượt cửa Tử để trở về".

Cần nhớ rằng, ở một số tình huống, cầm máu là một cấp cứu rất quan trọng và cần thiết để cứu sống tính mạng nạn nhân, hạn chế những biến chứng và di chứng sau này.

Do đó, bạn hãy trang bị kiến thức cầm máu để có thể xử lý kịp thời khi có điều không may xảy ra với bản thân hay người xung quanh.

1. Nhận biết vị trí, tính chất chảy máu của vết thương

- Chảy máu mao mạch:

Mao mạch là hệ thống nhỏ li ti chằng chịt đưa máu đi nuôi các mô trong cơ thể. Mao mạch phụ thuộc vào 2 mạch lớn là động mạch và tĩnh mạch.

Nếu bạn thấy vết thương chảy máu chậm, tràn ra từ từ sau đó tự động đông lại trong vài phút thì có nghĩa là vết thương chỉ gây tổn thương ở mao mạch.

- Chảy máu tĩnh mạch: 

Đó là thấy máu có màu đỏ sẫm, chảy từ từ, hình thành máu đông bịt các tĩnh mạch bị tổn thương lại.

Tuy nhiên, nếu thấy chảy máu ồ ạt thì có nghĩa là đang chảy máu tĩnh mạch cảnh, tĩnh mạch chủ, cần phải cấp cứu ngay kẻo nguy hiểm.

Bị tai nạn cứa cổ cần lập tức làm điều này để giữ mạng sống - Ảnh 2.

Hình ảnh giải phẫu phần cổ. Cổ chứa rất nhiều tĩnh mạch, động mạch nên vô cùng nguy hiểm khi bị nạn.

- Chảy máu động mạch:

Động mạch là mạch máu chính đưa máu từ tim đi nuôi cơ thể. Chảy máu động mạch là khi thấy máu phun thành tia và theo nhịp đập của tim nhanh hay chậm.

Áp lực máu ở động mạch lớn, nên cần tiến hành cầm máu vết thương nhanh nhất và khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

2. Cách cầm máu vết thương cơ bản:

Với vết thương mao mạch, máu chảy từ từ và sẽ tự động đông máu trong vài phút thì bạn chỉ cần tiến hành những biện pháp cầm máu đơn giản như dùng bông, gạc chặn lại.

Với vết thương ở động mạch hoặc tĩnh mạch, cần phải cầm máu ngay lập tức. Tĩnh mạch gồm có tĩnh mạch cảnh và tĩnh mạch đốt sống. Chức năng của tĩnh mạch là đưa luồng máu kém dưỡng khí về tim.

Nếu bị thương ở tĩnh mạch, bạn có thể sử dụng băng quấn vòng tương đối chặt, đè ép mạnh vào bộ phận bị thương, tạo điều kiện cho việc hình thành cục máu đông để tự cầm máu.

Bị tai nạn cứa cổ cần lập tức làm điều này để giữ mạng sống - Ảnh 3.

Bạn có thể sử dụng băng quấn vòng tương đối chặt, ép mạnh vào bộ phận bị thương để cầm máu.

Vết thương ở động mạch là loại chảy máu nguy hiểm nhất bởi nó có thể gây mất một lượng máu rất lớn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Do động mạch chính có nhiệm vụ co giãn để hỗ trợ việc bơm máu nên để cầm máu cần phải có một luồng áp lực mạnh.

Nên nhớ, hai bên cổ có hai hệ thống động mạch cảnh, một mạch máu rất lớn nuôi vùng đầu, cổ và nhu mô não. Đây là hệ thống động mạch lớn và quan trọng của cơ thể do đó, khi bị cứa cổ, lượng máu có thể bị mất tới 1.000ml. Lúc này, nạn nhân có thể bị mất máu cấp gây choáng vì huyết áp tụt nhanh, dễ ngất xỉu.

Người thực hiện sơ cứu phải thật bình tĩnh lấy tay bịt chặt vết thương bằng gạc, vải sạch, khăn tay sạch hoặc bất cứ vật liệu sạch nhất nào có thể dùng.

Cùng với đó, bạn phải đè chặt lên vết thương để tạo lực đè. Việc bịt chặt lấy vết thương là nhằm để cố gắng duy trì oxy và huyết áp lên não ở mức bình thường nhất có thể.

Đồng thời, gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa đến trạm y tế gần nhất để cầm máu và khử trùng vết thương.

Bị tai nạn cứa cổ cần lập tức làm điều này để giữ mạng sống - Ảnh 4.

Lấy tay bịt chặt vết thương bằng vải.

Chú ý rằng, lúc cầm máu, bạn không được bỏ tay ra khỏi vết thương, duy trì tạo lực đè lên vết thương ít nhất là cho đến khi xe cứu thương đến để hạn chế máu chảy. Không mở ra xem máu đã ngừng chảy hay chưa và thêm bông băng nếu cần thiết.

Cố gắng giúp nạn nhân bình tĩnh, nằm nguyên vị trí, nhưng không nên để nạn nhân nói chuyện, tránh gây chảy máu thêm.

Bị tai nạn cứa cổ cần lập tức làm điều này để giữ mạng sống - Ảnh 5.

Lúc cầm máu, bạn không được bỏ tay ra khỏi vết thương, duy trì tạo lực đè lên vết thương ít nhất là cho đến khi xe cứu thương đến.

Bạn hãy nhớ, các thao tác này cố gắng tiến hành thật nhanh, ngay trong vòng 5 phút để tránh mất máu cho nạn nhân, sẽ có thể dẫn đến co giật, tử vong do mất máu quá nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại