Bị săn trộm, tê giác 'thu ngắn' sừng để sống sót?

Hoàng Thi |

Các nhà nghiên cứu cho biết sừng tê giác ngày càng ngắn hơn, đây có thể là hệ quả sau hơn một thế kỷ bị bọn săn trộm tìm kiếm.

Bị săn trộm, tê giác thu ngắn sừng để sống sót? - Ảnh 1.

Sừng tê giác ngắn lại sau khoảng thời gian dài bị săn trộm - Ảnh: THE GUARDIAN

Oscar Wilson - tác giả chính của nghiên cứu, từ Đại học Helsinki (Phần Lan) - cho biết nhóm nghiên cứu đã phân tích kho ảnh lưu trữ của nhiều loài tê giác trên thế giới, phần lớn trong thế kỷ qua.

Nhóm tính toán tỉ số giữa chiều dài của sừng và chiều dài cơ thể của tê giác. Các kết quả sau đó được quy về giá trị biến đổi trung bình.

Tư liệu được lấy từ Trung tâm nghiên cứu tê giác thuộc Utrecht (Hà Lan). Một số bức ảnh tê giác trong khảo sát xuất hiện từ tận thế kỷ thứ 15.

Kết quả, nhóm nhận thấy sau một khoảng thời gian, sừng tê giác sẽ ngắn lại. Tất cả các loài tê giác trong khảo sát, bao gồm tê giác đen, tê giác trắng và tê giác Sumatra, đều ghi nhận tỉ lệ sừng so với cơ thể ngắn hơn đáng kể sau một thế kỷ.

Oscar Wilson lý giải áp lực săn bắn của con người đã tác động đến quá trình chọn lọc tự nhiên của tê giác. Những loài tê giác có sừng dài hơn luôn được những tay săn trộm ưu tiên tìm kiếm, do vậy những con có sừng ngắn sẽ có tỉ lệ sống sót cao hơn ngoài tự nhiên.

Khi sinh sản, những con tê giác sừng ngắn lại di truyền đặc điểm này vào hệ gene cho thế hệ tiếp theo. Điều này làm cho sừng của tê giác ngày càng nhỏ.

Bị săn trộm, tê giác thu ngắn sừng để sống sót? - Ảnh 3.

Các chuyên gia bảo tồn cưa sừng tê giác để giúp chúng tránh bị bọn săn trộm bắt hoặc giết - Ảnh: THE GUARDIAN

Theo Oscar Wilson, tê giác dùng sừng để kiếm ăn và tự vệ, vì thế sừng ngắn lại sẽ làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt của chúng.

Nhìn rộng ra, điều này cũng cho thấy tác động mạnh mẽ của con người đến không chỉ nơi ở mà còn hình thái của nhiều loài động vật. Tình trạng ngà hay sừng ngày càng ngắn cũng xảy ra tương tự với voi hay cừu hoang dã.

Hiện sừng tê giác vẫn là một trong những "món hàng" bị săn trộm nhiều nhất. Nhiều người tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, cho rằng sừng tê giác có thể dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh nên sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn ra mua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại