Dan Henry bắt đầu công việc giao bánh pizza từ năm 16 tuổi. Chán ngấy cảnh phải “lê bước qua những con đường tuyết lạnh giá và leo 6 tầng cầu thang chỉ để nhận 2 đô la tiền tip”, cậu đã quyết định “phải tìm những con đường khác”. Sau đó, cậu đã dành ra 2 năm để học mọi thứ có thể trước khi bắt đầu công việc kinh doanh qua mạng.
“Tôi đọc rất nhiều câu chuyện về những người thành công. Một trong số đó là câu chuyện về cậu bé 18 tuổi bắt đầu một trang web bán ghế văn phòng qua mạng và kiếm được 1 triệu USD. Tôi rất thích câu chuyện đó và tôi muốn mình cũng trở thành một trong những người như vậy” – Henry chia sẻ.
Để bắt đầu sự nghiệp của mình, Henry tập thói quen gọi điện thoại tiếp cận với các khách hàng tiềm năng là những người thành công và đề nghị được đưa họ đi ăn trưa.
“Tôi quyết định sẽ tìm kiếm những tấm gương thành công – những người đang làm rất tốt trong lĩnh vực của mình. Họ có thể không quá tuyệt vời nhưng là những người cởi mở, dễ tiếp cận để có thể chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của họ cho tôi”, chàng trai trẻ cho biết.
“Tôi tiết kiệm tiền từ công việc giao pizza và đề nghị mời những người thành công hoặc triệu phú đi ăn trưa để đặt câu hỏi với họ. Tôi cố gắng lắng nghe rất nhiều người nói, bắt đầu kết nối các vấn đề và tìm ra bí quyết cho riêng mình” – Henry tiết lộ.
Mỗi tháng, Henry có từ một đến hai cuộc hẹn ăn trưa với những người thành công và sau 2 năm, anh đã tìm ra “công thức” cho thành công của chính mình. Hơn 1 năm sau khi ra mắt blog cá nhân tư vấn về thuốc lá điện tử, chàng trai trẻ kiếm được 30.000 USD lợi nhuận mỗi tháng.
Tuy nhiên, khi Google thay đổi thuật toán và công việc kinh doanh của Henry có nguy cơ chững lại, anh đã ngay lập tức chuyển từ hình thức kinh doanh online sang truyền thống thông qua các kênh quảng cáo trên Facebook và tiếp tục thu lợi nhuận.
Đến nay khi đã đạt được mức thu nhập 6 con số mỗi năm, chàng trai trẻ bắt đầu giúp đỡ những người khác đạt được giấc mơ của họ thông qua các khóa học và đào tạo cá nhân.
Dưới đây là bài học mà Dan Henry đã tổng kết lại được sau khi đi ăn trưa với những người thành công:
Những vấn đề nhỏ không thể tạo ra rắc rối lớn
Những vấn đề mà các doanh nhân thường tốn thời gian lo lắng đôi khi lại không phải là vấn đề. Logo, website công ty xấu: Chẳng có ai quan tâm đâu. Bạn biết hay không biết nói tiếng Anh: Cũng chẳng ai để ý đâu.
Có một khách hàng từng nói với tôi rằng: “Tôi không thích cách anh sử dụng tiếng lóng” nhưng 2 ngày sau đó, họ vẫn chuyển 997 USD vào tài khoản của tôi. Tôi rút ra bài học rằng những rắc rối nhỏ đôi khi không phải là vấn đề, bạn kiếm được tiền nhờ năng lực thật sự của bạn chứ không phải logo hay trang web công ty.
Bạn cần phải có cá tính riêng
Đừng lúc nào cũng tỏ ra quá chuyên nghiệp bởi đôi khi nó thật buồn tẻ. Trong một thế giới mà ai cũng tỏ ra chuyên nghiệp thì sự chân thật của bạn lại là một thế mạnh. Lần cuối cùng trả lời phỏng vấn với đài CBS, tôi đã mặc một chiếc áo thun in hình Batman. Tôi thấy thoải mái nhất khi được là chính mình.
Đừng bao giờ đi thuê ngoài
Outsource (thuê ngoài) là một điều vô nghĩa. Tất cả mọi thứ thuê ngoài đều rất tầm thường.
Càng thành công, bạn càng phải đánh đổi
Đây là bài học xương máu mà tôi đã rút ra trong quá trình kinh doanh của mình. Khi bạn bắt đầu kiếm được nhiều tiền, bạn sẽ có nhiều thứ để mất hơn lúc không có gì. Ban đầu việc kinh doanh online của tôi dựa chủ yếu vào SEO và tôi kiếm được khoảng 30.000 USD/tháng. Nhưng khi Google thay đổi thuật toán không khác gì con tàu đi trật đường ray, tôi đã mất tất cả.
Tôi chỉ còn lại một ít trong tài khoản ngân hàng nhưng đã mất niềm tin vào kinh doanh qua internet đầy rủi ro.
Tôi mở một vài câu lạc bộ đêm, chuyển hướng sang các ngành kinh doanh khác nhưng tôi nhận ra rằng đó đều không phải điểm tựa vững chắc của tôi. Tôi bán câu lạc bộ và bắt đầu kết nối lại với các khách hàng thông qua Facebook và lấy lại những gì đã mất.