Trả lời về các tweet của ông Trump, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 15/8 nhắc lại một phát biểu trước đó của tổng thống Mỹ, nhận xét "Hồng Kông thuộc về Trung Quốc, họ phải tự mình giải quyết vấn đề, không cần đến góp ý".
"Sự vụ về Hồng Kông hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc," bà Hoa nói. "Chúng tôi mong rằng phía Mỹ nói được làm được."
Bà Hoa Xuân Oánh kêu gọi Washington cùng với Bắc Kinh "thực hiện nhận thức chung mà lãnh đạo hai nước đạt được tại Osaka, thông qua đối thoại hiệp thương - trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau - để tìm ra giải pháp mà hai nước cùng chấp nhận" trong vấn đề tranh chấp thương mại.
Bà cũng cho biết các trao đổi cấp cao giữa Mỹ-Trung, bao gồm gặp mặt, điện đàm, thư hàm,... giữa các nguyên thủ vẫn được duy trì.
Phản ứng của chính phủ Trung Quốc được cho là nhằm vào phát biểu trên Twitter của ông Trump vào chiều tối ngày 14/8 (giờ miền Đông): "Hàng triệu việc làm đang tuột khỏi Trung Quốc vào tay các nước không bị [Mỹ] áp thuế. Hàng nghìn công ty đang rời khỏi [Trung Quốc]. Tất nhiên là Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận. Hãy để họ hành động nhân đạo với Hồng Kông trước đã!".
"Tôi không nghi ngờ chút nào rằng nếu chủ tịch Tập muốn giải quyết nhanh chóng và nhân đạo vấn đề Hồng Kông thì ông ấy sẽ làm được," Trump viết trong dòng tweet sau đó, gợi ý tổ chức một "cuộc gặp riêng" với chủ tịch Trung Quốc.
Trong dòng tweet vào sáng ngày 15, tổng thống Trump tiếp tục nêu gợi ý chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ trực tiếp với người biểu tình ở Hồng Kông để dàn xếp căng thẳng.
Thay đổi trong thái độ của ông chủ Nhà Trắng về vấn đề Hồng Kông được đưa ra giữa bối cảnh một đoạn video được công bố cho thấy hàng ngàn cảnh sát vũ trang Trung Quốc cùng dàn xe bọc thép hùng hậu diễu hành ngày 15 tại sân vận động Xuân Kiển ở thành phố Thâm Quyến - địa điểm được cho là "chỉ mất 10 phút" để di chuyển tới Hồng Kông.
Từ hôm thứ Hai, 12/8, các đoạn video do nhà nước Trung Quốc đăng tải đã ghi nhận hàng đoàn phương tiện bán quân sự tập trung về Thâm Quyến.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming (Ảnh: Reuters)
Cấp dưới kiến nghị ông Trump cứng rắn trong vấn đề Hồng Kông
Nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Trump - bao gồm cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và các quan chức Hội đồng an ninh quốc gia - đã kiến nghị tổng thống có lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề Hồng Kông.
Ông John Bolton ngày 14/8 cảnh báo, Trung Quốc "cần phải hết sức thận trọng với những bước đi tiếp theo", và đề cập đến sự kiện mà các cơ quan truyền thông đảng Cộng sản Trung Quốc gọi là "sóng gió chính trị năm 1989" tại thủ đô Bắc Kinh.
"Sẽ là một sai lầm lớn nếu tạo ra một ký ức như thế tại Hồng Kông," ông Bolton nói với đài VOA (Mỹ).
Cho đến nay, phản ứng của ông Trump về căng thẳng ở Hồng Kông chủ yếu là trung lập - CNN dẫn lời các quan chức Mỹ, một phần bởi ông lo ngại vấn đề này tác động tiêu cực đến lộ trình đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Tuy nhiên, tổng thống bắt đầu có dấu hiệu kiên quyết hơn sau khi thái độ trước đó của ông gây thất vọng cho các nghị sĩ Cộng hòa ở Quốc hội.
Bộ ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng ngày 14, bày tỏ "quan ngại sâu sắc trước các báo cáo về động thái của lực lượng bán quân sự Trung Quốc gần biên giới với Hồng Kông", đồng thời kêu gọi Bắc Kinh hành động kiềm chế và giữ vững cam kết trong Tuyên bố Trung-Anh về việc bảo đảm Hồng Kông có được quyền tự trị cao.
Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming ngày 15 cảnh báo chính phủ trung ương nước này "sẽ không khoanh nay ngồi nhìn" tình hình ở Hồng Kông diễn biến xấu đi.
"Chúng tôi có đầy đủ giải pháp và sức mạnh trong khuôn khổ Luật cơ bản để nhanh chóng dập tắt mọi bất ổn," Reuters dẫn lời ông Liu. "Những hành động [của người biểu tình Hồng Kông] là nghiêm trọng và là tấn công bạo lực, và đã có dấu hiệu của chủ nghĩa khủng bố."
Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc diễu hành trong một sân vận động của thành phố Thâm Quyến