Có những bài học không bao giờ lường trước
Chị Lê Hoàng Minh Phương (Phương Titi). Ảnh: NVCC.
Chị Lê Hoàng Minh Phương (Phương TiTi) có người giúp việc tên H. mà vợ chồng chị vô cùng tin tưởng, cũng như qua đánh giá theo chị là làm việc rất tốt, rất hợp với cậu con trai. Dù chỉ mới làm được 6 tháng, gia đình chị Phương đã hỗ trợ cô H. nhanh chóng trả các khoản nợ riêng 4 - 5 lần bằng hình thức ứng lương, mượn tiền lên tới 30 triệu đồng với suy nghĩ "do cô H. chia sẻ về hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tính cách thường ngày của cô cũng biết cách ứng xử nên vợ chồng mình không có gì khác ngoài việc muốn cô nhẹ gánh với các khoản nợ liên tục bị thúc giục để trả".
Nhưng chuyện sẽ không có gì để nói khi chị Phương được người chủ cũ của cô H. chia sẻ về hoàn cảnh gia đình của cô H. không giống với điều chị biết trước đó. Đồng thời qua tìm hiểu, chị Phương biết được cô H. mượn tiền cả bảo vệ, nhân viên lễ tân lẫn hàng xóm trong khu chung cư. "Có một thời gian cô H. hay biến mất một lúc mà không rõ đi đâu thì vô tình được người bạn phát hiện cô H. âm thầm bế con trai của mình bắt xe ôm ra đường nhưng trước đó lại nói chỉ xuống tòa nhà để chơi. Bạn của mình đã chụp lại bức ảnh đó gửi qua tin nhắn và mình thật sự kinh ngạc lẫn sợ hãi khi không biết con mình đi đâu" - chị Phương cho biết.
Sau nhiều vụ việc, cộng thêm do đang căng thẳng trong việc làm ăn nên chị Phương đã thông báo cô H. nghỉ làm, dù lúc này vẫn còn đang nợ 30 triệu đồng và đôi bông tai bằng vàng của gia đình cho mượn. Khi cô H. rời đi, chị Phương còn hỗ trợ thêm 2 triệu đồng tiền mặt để cô H. đi xe và ăn uống dọc đường. Tuy nhiên mọi chuyện càng bất ngờ hơn khi cô H. đã rời đi, gia đình chị Phương mới phát hiện hai chiếc nhẫn vàng (1 nhẫn cầu hôn, 1 nhẫn cưới) của mình đã biến mất.
Ảnh người giúp việc tra tấn chú chó Poodle do anh B. chia sẻ. Ảnh: NVCC.
Hay mới đây là câu chuyện của anh B. sống tại Hà Nội đã vô tình phát hiện người giúp việc ở nhà âm thầm tra tấn chú chó Poodle của mình cho đến chết sau khi kiểm tra hệ thống camera và chứng kiến toàn bộ diễn biến câu chuyện.
Kinh nghiệm với người chuẩn bị nghỉ và khi muốn tìm một người giúp việc mới
Tìm người qua người quen, môi giới hay mạng xã hội?
Hiện nay chị Phương đã qua 15 lần thay đổi người giúp việc nên với chị các "kênh" trên đều đã thử qua và chị nhận thấy phương thức nào cũng như nhau. Người quen giới thiệu không có nghĩa là uy tín/phù hợp hơn. Riêng việc tìm người trong nhà/họ hàng càng không phù hợp vì sẽ phát sinh nhiều rắc rối không đáng có. Về các dịch vụ môi giới cũng khó có thể tin tưởng tuyệt đối. Tất cả đều cần có thời gian kiểm chứng thực tế.
Dù người làm sau đó không phù hợp với công việc vẫn phải trả lương cho họ tương xứng theo số ngày làm việc thực tế, các gia đình nên có sự tính toán trước và trao đổi một cách thẳng thắn.
Hiện chị Phương tìm người chủ yếu trên các group/hội nhóm mạng xã hội về tìm việc làm. Hãy ghi thật chi tiết yêu cầu của mỗi gia đình dù sau đó có không ít người vào bình luận nói rằng quá đòi hỏi, khó quá thì tự làm đi,... Nhưng nhờ vậy mà mình có thể biết được những người này họ không phù hợp với gia đình mình, đỡ mất thêm thời gian. Sau khi có người cảm thấy phù hợp và họ muốn ứng tuyển, nên có ít nhất một đến vài lần video call, gặp mặt trực tiếp để trao đổi, qua đó có thể nhìn thấy rõ tính cách của nhau, chia sẻ kỹ hơn về gia đình của người thuê và cần biết lý do vì sao người làm nghỉ công việc cũ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels
Bớt sự trông đợi, khuyết điểm nào không ảnh hưởng thì bỏ qua
Thay vào đó nên tập trung vào các tiêu chí có cơ sở để chọn lọc dựa trên khối lượng công việc và thói quen sinh hoạt của mỗi gia đình. Ví dụ: Độ tuổi, thể trạng/sức khỏe,... Với các gia đình có con nhỏ cần tìm nanny có thể tìm hiểu kỹ hơn về cách hoặc kiến thức chăm sóc trẻ. Nếu cảm thấy không phù hợp thì cần biết họ có đồng ý với sự thay đổi theo gia đình hay không. Tính cách trung thực, sống tình cảm và sự cẩn thận, yêu trẻ con là những thứ luôn phải biết thật cụ thể.
Hơn hết hãy bớt sự trông đợi hoặc soi quá kỹ vào các khuyết điểm không hoàn toàn ảnh hưởng tới chất lượng công việc.
Dùng các công cụ giám sát từ xa nhưng liệu có nên chia sẻ tuyệt đối?
Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát trong gia đình hiện không phải là điều xa lạ. Có hộ đặt từ một, thậm chí là nhiều hơn để đề phòng vấn đề an ninh khi xảy ra thì đây cũng là công cụ để có thể quan sát các diễn biến trong gia đình mình.
Tuy nhiên có một câu hỏi nhiều người đặt ra là "nên hay không chia sẻ hệ thống camera cho người giúp việc một cách tuyệt đối?" Chị T. chia sẻ quan điểm: "Mình luôn thông báo trước với người giúp việc mới rằng trong nhà lắp rất nhiều camera, đây là điều tuyệt đối không nên giấu và nếu họ đồng ý, không cảm thấy ngại với việc này thì xem như đã vượt qua một điều kiện quan trọng. Tuy nhiên mình sẽ không cho người giúp việc đăng nhập vào hệ thống quản lý online nhưng mình cũng biết có vài gia đình làm điều này thì hẳn phải là có lý do riêng hoặc sự tin tưởng ở nhau đã có cơ sở hoặc thời gian kiểm chứng".
Tự bảo vệ tài sản là việc làm không thừa
Cứ để đồ trong nhà thì không cần bảo quản hay giám sát là suy nghĩ của không ít người. Nhưng ông bà xưa vẫn có câu "đồng tiền đi liền khúc ruột" thì đừng nên tạo cơ hội cho bất cứ ai có thể nảy sinh lòng tham. "Mình không phải không tin tưởng người trong nhà, nhưng tiền bạc, tài sản của mình thì mình phải tự ý thức giữ nó trước cái đã" - chị T. cho biết.