Bị một nước EU ra đòn "phong tỏa" vùng đất chiến lược: Nga tổn thất như thế nào?

An An |

Kaliningrad là vùng đất hải ngoại có ý nghĩa chiến lược quan trọng của Nga bên bờ biển Baltic.

Bản đồ hiển thị vị trí của Kaliningrad. Ảnh: Euronews

Bản đồ hiển thị vị trí của Kaliningrad. Ảnh: Euronews

Mới đây, Lithuania thông báo hạn chế vận chuyển một số hàng hóa thuộc danh sách trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) từ Nga qua lãnh thổ nước này đến Kaliningrad - vùng đất hải ngoại của Nga.

Ước tính gần 50% tổng lượng hàng hóa vận chuyển giữa Kaliningrad và các khu vực khác của Nga nằm trong diện cấm, bao gồm vật liệu xây dựng, kim loại và các mặt hàng quan trọng khác. Quy định này có hiệu lực từ 18/6.

EU phủ nhận phong tỏa hoàn toàn Kaliningrad

Hãng thông tấn Lithuania Baltic đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis ngày 20/6 cho biết, lệnh cấm vận chuyển hàng hóa tới vùng đất Kaliningrad của Nga qua Lithuania không phải là quyết định đơn phương của Lithuania, mà dựa trên các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.

Lithuania hiện là thành viên của EU.

Ông cho biết các biện pháp được đưa ra hôm 18/6 được thực hiện sau khi "tham khảo ý kiến ​​của Ủy ban châu Âu (EC) và thực hiện theo hướng dẫn của ủy ban này".

Theo Euronews, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU ủng hộ lập trường của Lithuania, khẳng định nước này không hành động đơn phương và chỉ đang áp dụng các lệnh trừng phạt của EU.

"Theo các lệnh trừng phạt của EU, có các hạn chế xuất nhập khẩu được áp dụng với một số hàng hóa nhất định", ông Josep Borrell nói. "Lithuania chỉ thực hiện các hướng dẫn do Ủy ban cung cấp... Nếu một số hàng hóa [Nga] quá cảnh qua lãnh thổ EU thì sẽ bị cấm".

Quan chức EU kiên quyết phủ nhận việc "phong tỏa hoàn toàn" đang được áp dụng giữa Kaliningrad với lục địa Nga và nói thêm rằng việc vận chuyển hành khách và hàng hóa không bị trừng phạt vẫn diễn ra bình thường.

Bị một nước EU ra đòn phong tỏa vùng đất chiến lược: Nga tổn thất như thế nào? - Ảnh 1.

Đường màu đỏ trong hình từ trái sang phải: Kaliningrad, Vilnius (thủ đô của Lithuania) và Smolensk (thành phố của Nga).

Điện Kremlinh cảnh báo

Trước lệnh cấm, Thống đốc địa phương vùng Kaliningrad Anton Alikhanov kêu gọi người dân địa phương không nên hoảng loạn mua sắm tích trữ và đảm bảo rằng hai tàu hàng vẫn đang chở hàng giữa Kaliningrad và Saint Petersburg, đồng thời bảy tàu nữa dự kiến ​​sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay.

"Các bến phà của chúng ta sẽ đón nhận tất cả hàng hóa", thống đốc nói.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 20/6 ra thông cáo nói rằng Lithuania cấm vận chuyển hầu hết các loại hàng hóa đến Kaliningrad bằng đường sắt qua lãnh thổ Lithuania mà không thông báo trước cho Nga và phía Nga yêu cầu dỡ bỏ các hạn chế này ngay lập tức.

Phía Nga cho rằng động thái này vi phạm các nghĩa vụ pháp lý quốc tế, đặc biệt là tuyên bố chung do Nga và EU ký về vấn đề quá cảnh giữa vùng Kaliningrad và các vùng lãnh thổ khác của Liên bang Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi động thái này là một "hành động thù địch công khai" và trừ khi Lithuania dỡ bỏ các hạn chế ngay lập tức nếu không Nga có quyền "bảo vệ lợi ích quốc gia của mình".

Cùng ngày, Thư ký Báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov cáo buộc động thái của Lithuania là chưa từng có tiền lệ và bất hợp pháp, đồng thời Nga coi đây là một phần trong hành động phong tỏa Nga.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Lithuania đã gửi công hàm ngoại giao tới Đại biện lâm thời của Nga ở nước này, giải thích các biện pháp trừng phạt của EU đối với việc vận chuyển một số hàng hóa giữa lục địa Nga và Kaliningrad, đồng thời nhấn mạnh rằng hành khách và hàng hóa không phải chịu các lệnh trừng phạt của EU vẫn có thể đi qua lãnh thổ nước này như thường lệ.

Kaliningrad là gì?

Nằm giữa Ba Lan và Lithuania, Kaliningrad là một thành phố cảng và là một thương cảng quan trọng trên Biển Baltic trong hàng trăm năm qua.

Nó vốn là một phần của Liên bang Xô viết trước đây và sau này trở thành lãnh thổ của Nga kể từ sau Thế chiến II. Ngày nay, Kaliningrad là nơi sinh sống của gần nửa triệu người.

Mặc dù Kaliningrad là một phần của Nga nhưng nó không có biên giới trên bộ hoặc trên biển với Nga và nhận tất cả các nguồn cung cấp từ Nga qua đường sắt và đường ống dẫn khí đốt qua Lithuania.

Vùng đất này có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với sự hiện diện quân sự của Nga ở Biển Baltic. Đây là nơi đặt trụ sở của hạm đội biển Baltic của Nga.

Bị một nước EU ra đòn phong tỏa vùng đất chiến lược: Nga tổn thất như thế nào? - Ảnh 2.

Kaliningrad, Nga.

Ngoài ra, vị trí ở trung tâm châu Âu giúp Nga dễ dàng vận chuyển hàng hóa của mình đến bất kỳ đâu trong khối EU. Tuy nhiên do bị ngăn cách về mặt địa lý với đất liền Nga nên quyền nhập cảnh hoặc xuất cảnh từ Nga phải tuân theo luật pháp quốc tế. Do đó, theo hãng tin RT (Nga), một số nhà phân tích cho rằng động thái ngăn chặn hàng hóa Nga đi qua Lithuania ở một mức độ nào đó, có thể được coi là một 'hành động tiêu cực' - một nguyên nhân dẫn đến việc tuyên chiến.

Lệnh cấm ảnh hưởng như thế nào đến Nga?

Tại sao Lithuania chặn quá cảnh? Theo các quan chức Lithuania, quyết định này được đưa ra sau khi được sự chấp thuận của Ủy ban châu Âu (EC). Nhiều nước, bao gồm cả các nước thành viên EU, đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga để đáp trả các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Trong đó, EU đã cấm một số hàng hóa của Nga vào khối này. Động thái của Lithuania được cho là nhằm thực thi những lệnh cấm đó.

Tất cả các lô hàng có bị chặn không? Không, chỉ những hàng hóa bị Brussels trừng phạt mới bị từ chối đi qua. Trong số đó có dầu thô và các sản phẩm liên quan đến dầu thô, than đá, kim loại, vật liệu xây dựng, công nghệ tiên tiến, đồ thủy tinh, một số loại thực phẩm, phân bón, rượu v.v.... Thống đốc khu vực Anton Alikhanov cho biết, theo quy định của lệnh cấm, khoảng 50% lượng hàng đến Kaliningrad sẽ bị chặn.

Lệnh cấm có gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khu vực? Không hoàn toàn, vì tuyến đường qua Biển Baltic vẫn còn mở cho Nga sử dụng. Theo các quan chức ở Kaliningrad cũng như những người đứng đầu các chuỗi bán lẻ, khu vực này đang dự trữ đầy đủ vật tư thực phẩm và nguồn cung cấp sẽ không bị ảnh hưởng trong vòng từ 3 đến 6 tháng. Một phần đáng kể thịt, sữa và cá được sản xuất trong khu vực và theo người đứng đầu cảng chính của khu vực Elena Zaitseva, Kaliningrad thậm chí còn xuất khẩu một số ngô, lúa mì và hạt cải dầu trong những năm gần đây.

Có gián đoạn đối với ngành du lịch/hành khách không? Tạm thời không bị gián đoạn. Mặc dù các chuyến tàu chở khách từ lục địa Nga đến Kaliningrad qua Lithuania đã bị đình chỉ từ đầu tháng 4 nhưng bốn hãng hàng không lớn của Nga vẫn duy trì các chuyến bay từ Moscow đến Kaliningrad. Phà biển cũng có sẵn, trong khi có thông tin cho hay, giới chức Nga hiện đang nỗ lực để khởi động các tuyến đường biển chở khách qua Baltic.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại