Nguồn: NASA
50 NĂM QUA, CON NGƯỜI ĐÃ KHÔNG ĐI QUÁ VÀI TRĂM KM PHÍA TRÊN TRÁI ĐẤT.
Giờ đây, kế hoạch quay trở lại Mặt Trăng (cách Trái Đất 384.000 km) của NASA đang bước đến những giai đoạn quyết định, đặt nền tảng cho sự thành công vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
NASA sắp triển khai một cuộc hành trình mà cơ quan này đã không thực hiện trong nửa thế kỷ: ĐƯA NGƯỜI TÁI ĐỔ BỘ MẶT TRĂNG. Để đạt được điều đó, họ cần một hệ thống tiên tiến nhất từ trước đến nay: Một tên lửa siêu nặng được gọi là Hệ thống Phóng Không gian (SLS) và một tàu vũ trụ có người lái tên là Orion.
Cùng với nhau, SLS và Orion đã tạo nên Chương trình Artemis - một chương trình tái đổ bộ Mặt Trăng thế kỷ 21 mà NASA nung nấu thực hiện cho kỳ được vào năm 2025 nhằm đưa một phi hành gia nữ đầu tiên cùng một phi hành gia da màu đầu tiên trong lịch sử lên Mặt Trăng; đồng thời đưa nhân loại tiến xa hơn vào không gian sâu thẳm hơn bao giờ hết.
Trước khi chính thức lên đường tới Mặt Trăng, SLS sẽ không thực hiện các chuyến bay thử nghiệm; và mỗi tên lửa SLS sẽ chỉ bay một lần.
Theo kế hoạch, NASA dự kiến thực hiện Chương trình Artemis theo 3 giai đoạn, tất cả đều sử dụng Hệ thống Phóng Không gian (SLS) - loại tên lửa mạnh nhất mà cơ quan này từng chế tạo trong lịch sử - vượt xa tên lửa huyền thoại Saturn V dưới thời Apollo.
Sứ mệnh Artemis I dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 8/2022: Khi đó, SLS sẽ phóng tàu vũ trụ Orion (khi đó chưa mang theo phi hành đoàn) lên quỹ đạo Mặt Trăng, sứ mệnh của Orion sẽ kéo dài từ 4 đến 6 tuần. Dự kiến, Orion sẽ lập kỷ lục là tàu vũ trụ dành cho phi hành gia ở lâu trong không gian nhất.
Sứ mệnh Artemis II sẽ được thực hiện vào năm 2023, sau thành công của Artemis I. SLS sẽ phóng Orion khi đó có người lái lên Mặt Trăng bay xung quanh vệ tinh tự nhiên này trước khi quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ 39.428 km/giờ cùng mức nhiệt 2.760 độ C. Kỷ lục sẽ được lập trong sứ mệnh này đó là: Phi hành gia NASA sẽ thực hiện chuyến du hành vũ trụ có người lái xa nhất trong lịch sử.
Sứ mệnh Artemis III lên kế hoạch thực hiện vào năm 2025. Khi đó, Mỹ sẽ tái lập kỷ lục mà chưa quốc gia nào trên thế giới làm được trước đây: Đưa người đổ bộ Mặt Trăng trong thế kỷ 21, sau thành công vang dội của Chương trình Apollo thế kỷ 20. Nếu sứ mệnh thành công, Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên trong lịch sử đưa 1 nữ phi hành gia và 1 nam phi hành gia da màu đặt chân lên Mặt Trăng. Trong sứ mệnh thứ 3 này, tàu vũ trụ Orion sẽ hạ cánh tối đa 4 thành viên phi hành đoàn Artemis lên Mặt Trăng, cách Trái đất 1.000 lần so với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Nó sẽ đánh dấu cột mốc lần đầu tiên con người đặt chân đến đó kể từ năm 1972 (cũng do Mỹ thực hiện).
'NỮ THẦN' CỦA MỸ TRONG KHÔNG GIAN
Thế kỷ 20, người Mỹ lên Mặt Trăng và trở về - Sang thế kỷ 21, người Mỹ lên Mặt Trăng và ở lại!
Nếu như trong thế kỷ 20, NASA lấy tên "Apollo" - Con trai của thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp, vị nam thần ánh sáng thường đeo cung bạc (bắn xa muôn dặm) và mang đàn lia - để đặt tên cho Chương trình Apollo đưa con người lần đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên Mặt Trăng...
... thì trong thế kỷ 21 này, NASA lấy tên Nữ thần Artemis (chị gái song sinh của Apollo), một nữ thần Mặt Trăng xinh đẹp thường mang cung bạc và đeo ống tên vàng, để đặt tên cho Chương trình Artemis với mục tiêu đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng trong thế kỷ mới.
Nữ thần Artemis (chị gái song sinh của Apollo) - nữ thần Mặt Trăng xinh đẹp thường mang cung bạc và đeo ống tên vàng - được NASA chọn để đặt tên cho Chương trình Artemis. Ảnh: Alinari/Art Resource, New York
Sự đổi mới của NASA thể hiện ngay trong cách cơ quan này chọn lựa hai cái tên Apollo và Artemis - thuộc nhóm 12 vị thần chính trong điện thờ của người Hy Lạp, cai trị trên đỉnh Olympus.
Nếu như Nam thần Apollo trong chương trình Mặt Trăng thế kỷ 20 của NASA dẫn lối cho các nam phi hành gia đặt chân lên Mặt Trăng [tất cả 12 người đã đi bộ trên Mặt Trăng trong Chương trình Apollo của NASA từ năm 1969 đến năm 1972 đều là nam giới] - thì Nữ thần Artemis trong chương trình Mặt Trăng thế kỷ 21 sẽ dẫn lối cho một nữ phi hành gia đổ bộ Mặt Trăng - điều mà chưa quốc gia nào từng làm trong lịch sử!
Lần đổ bộ này, đối với NASA mà nói thể hiện không chỉ sự sáng tạo trong kỹ thuật/công nghệ mà còn thể hiện tư duy đổi mới trong thế kỷ mới cùng một quyết tâm chưa từng có trong lịch sử nhân loại!
Quay về ngày 4/2/2021, đánh dấu thời điểm 100 ngày đầu tiên lên làm Tổng thống Mỹ của ông Biden, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Tổng thống Joe Biden sẽ thực hiện Chương trình Artemis để đưa con người lên Mặt Trăng trong những năm tới". Chương trình Artemis bắt đầu dưới thời Donald Trump - Người tiền nhiệm của ông Biden, Space thông tin.
Trước đó, vào tháng 12/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký "Chỉ thị chính sách không gian 1", định hướng lại cho NASA đưa người đổ bộ Mặt Trăng vào năm 2024. NASA đã triển khai Chương trình Artemis trong cùng năm và chương trình này đã được chính quyền Joe Biden mới tán thành. Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, một chính quyền mới của Mỹ tiếp tục với các chính sách bay vào vũ trụ dành cho con người vào không gian sâu của chính quyền trước đó.
Siêu tên lửa mang tên Hệ thống Phóng vào Không gian (SLS) của NASA trong cấu hình Block 1 của nó bên trong Tòa nhà Lắp ráp Phương tiện tại Trung tâm Không gian Kennedy của NASA ở bang Florida, Mỹ. Nguồn: NASA
Theverge bình luận, như vậy Chương trình Moon-to-Mars (Từ Mặt Trăng đến Sao Hỏa) của chính quyền Trump đã tránh được số phận 'hẩm hiu' giống nhiều chương trình không gian của các đời tổng thống trong quá khứ: Bị hủy bỏ dưới sự lãnh đạo mới.
Điều này cho thấy quyết tâm của người Mỹ trong hành trình chinh phục Mặt Trăng thế kỷ 21, thể hiện khát khao lớn: Thế kỷ 20, người Mỹ lên Mặt Trăng và trở về - Sang thế kỷ 21, người Mỹ lên Mặt Trăng và ở lại!
Vào tháng 2/2020, chính cựu tổng thống Trump đã yêu cầu Quốc Hội Mỹ tăng ngân sách lên 25,2 tỷ USD cho NASA trong năm tài chính 2021 để cơ quan này đẩy mạnh tiến độ của Chương trình Artemis. "Đây là khoản ngân sách thế kỷ 21 xứng đáng với những chuyến thám hiểm không gian của thế kỷ 21 và là một trong những khoản ngân sách mạnh nhất trong lịch sử NASA" - Giám đốc NASA (khi đó) Jim Bridenstine cho biết trên CNBC.
CHƯƠNG TRÌNH THẾ KỶ: QUA 2 ĐỜI TỔNG THỐNG
Năm 2021, Văn phòng Tổng thanh tra NASA (OIG) công bố bản báo cáo dài 73 trang sau nhiều năm thu thập dữ liệu, trong đó có đoạn: Chi tiêu của NASA cho Chương trình Artemis - nhằm thiết lập sự hiện diện bền vững của con người trên và xung quanh Mặt Trăng vào cuối thập kỷ này - dự kiến sẽ đạt tổng cộng 93 tỷ USD vào năm 2025, Space thông tin hồi tháng 11/2021.
Để so sánh, Mỹ đã chi 28 tỷ USD cho Chương trình Apollo của NASA từ năm 1960 đến năm 1973, theo dữ liệu của Hiệp hội Hành tinh (tổ chức phi lợi nhuận của chính phủ Mỹ). Khoản kinh phí đó tương đương khoảng 280 tỷ USD tính theo đồng USD ngày nay.
CNBC dẫn lời Tổng thanh tra NASA Paul Martin cho biết trong cuộc họp của Tiểu ban Hạ viện về Vũ trụ và Hàng không rằng mỗi sứ mệnh của Artemis sẽ có chi phí khoảng 4,1 tỷ USD cho một lần phóng.
Cũng chính chính quyền Trump đã đẩy nhanh tiến độ lên Mặt Trăng từ năm 2028 (mà NASA đã đề ra lúc đầu) xuống còn năm 2024. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, giai đoạn 3 của Artemis được Giám đốc NASA Bill Nelson thông báo là sẽ thực hiện vào năm 2025.
Chưa dừng ở đó, Chương trình Artemis còn thể hiện cho thế giới thấy 'sự đoàn kết' của người Mỹ khi một cơ quan của chính phủ Mỹ (NASA) bắt tay với rất nhiều công ty/tập đoàn tư nhân không gian Mỹ để chung tay xây dựng Artemis thành công.
Boeing là nhà thầu chính xây dựng siêu tên lửa SLS, trong khi Tập đoàn Lockheed Martin là nhà thầu phát triển tàu vũ trụ Orion. Chưa hết, NASA đã chọn SpaceX để tập đoàn này phát triển Hệ thống Hạ cánh Con người (HLS) nhằm đưa phi hành gia người Mỹ lên bề mặt Mặt Trăng.
Hình minh họa thiết kế tàu đổ bộ HLS Starship của SpaceX sẽ chở các phi hành gia NASA đặt chân lên Mặt Trăng theo Chương trình Artemis. Nguồn: SpaceX
Tất cả những điều này cho thấy, các đời tổng thống Mỹ từ Donald Trump đến Joe Biden hay các nhà thầu tư nhân Mỹ đều nung nấu khát khao chinh phục Mặt Trăng một lần nữa trong thế kỷ 21 - Nhằm giữ vững vị thế 'số 1 trên Mặt Trăng" mà thời cố Tổng thống J.F. Kennedy đã từng làm được hồi thế kỷ 20.
Với 'Nữ thần Tự Do mới' - Artemis - trong không gian, người Mỹ đang đổ rất nhiều tiền bạc, khối óc và công sức nhằm tiếp tục duy trì vị thế của Mỹ với tư cách là nước dẫn đầu thế giới thám hiểm không gian.
Bình luận về Chương trình Mặt Trăng thế kỷ mới, CBS News trích tuyên bố của Nhà Trắng cho biết: "Mỹ đang dẫn đầu thế giới trong kỷ nguyên khám phá không gian mới. Chương trình Artemis thành công sẽ tái khẳng định vị thế đó. Trong tương lai, thông qua việc học cách sống và làm việc trên Mặt Trăng, Mỹ và các đối tác quốc tế sẽ phát triển kinh nghiệm, công nghệ và hệ thống mà chúng ta sẽ cần để nhằm mục tiêu cuối cùng đưa con người lên sao Hỏa và sâu hơn nữa. Những nỗ lực này sẽ tiếp tục duy trì vị thế của Mỹ với tư cách là nước dẫn đầu thế giới thám hiểm không gian".
Nếu sứ mệnh Artemis III diễn ra theo đúng lịch trình (đổ bộ Mặt Trăng năm 2025), thì 53 năm sau ngày bộ đôi phi hành gia Gene Cernan (1934 - 2017) và Harrison Schmitt (1935) thực hiện sứ mệnh Apollo cuối cùng năm 1972 (Apollo 17) khi đặt chân lên Mặt Trăng, các phi hành gia NASA thế kỷ 21 sẽ tái lập thành tựu đó với một tâm thế mới, nhiệm vụ mới: Đưa con người hiện diện bền vừng trên Mặt Trăng!
Bài viết sử dụng nguồn: NASA, CBS, CNBC, Space, The Verge