An Trinh Bảo, pháo đài cổ xây ở vùng núi huyện Vĩnh An, tỉnh Phúc Kiến từ năm 1885, là kiến trúc dân sự đồ sộ nhất tỉnh Phúc Kiến. Pháo đài do gia đình địa chủ xây với mục đích chống cướp, nhưng hơn trăm năm qua, chưa từng có người. Tòa nhà nằm trên diện tích 10.000 m2, 2/3 tường thành dựng bằng đá với phần nền dày hơn 4 mét.
Kết cấu An Trinh Bảo. (Ảnh: Baidu)
Bên trong tòa nhà gồm 360 gian phòng, 12 phòng bếp, 5 giếng nước, có thể phục vụ cùng lúc 1.000 người sinh sống. Tường thành cao hơn 10 mét, sử dụng gần 10.000 tấn đá, nằm trên đầm lầy nhưng không hề sụt lún. Bí quyết ở phần móng được đắp bằng gỗ thông đã phơi khô và ngâm qua nước. Gỗ thông sau khi phơi và ngâm, trở nên rắn chắc, tác dụng chống mối mọt.
Nền móng An Trinh Bảo được xếp 18 tầng gỗ thông, nén chặt đất đá, khiến đất trong đầm lầy trở nên rắn chắc. Một điều nữa khiến tòa lâu đài nổi tiếng là nằm ở giữa vùng đồi núi khí hậu nóng ẩm, không có người ở nhưng không có mạng nhện, trong khi mạng nhện xuất hiện khắp nơi ở các ngôi nhà xung quanh.
Hai bức tranh tiên đồng đuổi nhện và bắt dơi trong An Trinh Bảo. (Ảnh: Sohu)
Người dân địa phương cho rằng hai bức tranh tọa trấn trong lâu đài chính là nguyên nhân khiến tòa nhà không có nhện. Một bức là tiên đồng cầm chổi quét mạng nhện. Bức kia là tiên đồng vẫy lá chuối hút hết dơi vào hồ lô.
Tình cờ, mỗi năm vào mùa hè và mùa thu, đều có rất nhiều dơi bay vào An Trinh Bảo. Dơi sẽ ăn hết các loại côn trùng có cánh như ruồi, muỗi... khiến nhện không có thức ăn nên không thể phát triển.