1,85 tỷ năm trước, một vụ va chạm sao chổi khổng lồ đã gây nên thảm họa khủng khiếp bậc nhất đối với hành tinh chúng ta: Nó khiến bề mặt Trái Đất biến dạng, gây biến đổi hoàn toàn khí hậu.
Tất cả những gì còn sót lại đến ngày nay là một miệng hố có tên Sudbury Basin khổng lồ ở Canada, lớn thứ hai trên thế giới (xếp sau Vredefort Dome) với kích thước: Dài khoảng 62km, rộng 30km và sâu 15km!
Khu vực Sudbury Basin. Ảnh: Wired.
Trong một nghiên cứu mới nhất của nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, vụ sao chổi đâm vào Trái Đất cách đây gần 2 tỷ năm đã "kích thích" núi lửa hoạt động mạnh hơn theo thời gian, khiến lớp Trái Đất biến dạng từ đó gây ra các vụ phun trào vật chất nóng trong lòng Trái Đất, tạo nên "vùng đất chết" trên hành tinh của chúng ta.
Các nhà địa chất học thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên Trinity (Ireland), những người dẫn đầu nghiên cứu, cho hay họ đang nghiên cứu khu vực dấu tích từng xảy ra vụ va chạm sao chổi khổng lồ tại Ontario, Canada.
Bằng cách phân tích địa hóa khu vực Sudbury Basin, các nhà khoa học nhận thấy, vụ nổ lớn tới mức, mọi vật chất tạo nên sao chổi lao vào Trái Đất cách đây 1,85 tỷ năm đã "bốc hơi không dấu vết" ngay khi va chạm với bề mặt hành tinh chúng ta.
"... Rất có thể chính sao chổi mang những vật chất dễ bay hơi ở ngoài vũ trụ đến Trái Đất trẻ." Ảnh: Internet.
Giáo sư địa chất và khoáng vật học Balz Kamber, thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên Trinity, cho biết: "Phát hiện này cung cấp cho chúng ta dữ liệu cho thấy sao chổi là nguyên nhân gây nên các miệng hố lớn trên Trái Đất thủa sơ khai. Hơn nữa, rất có thể chính sao chổi mang những vật chất dễ bay hơi ở ngoài vũ trụ đến Trái Đất trẻ."
Tàn dư của vụ va chạm là những miếng đá núi lửa chứa niken, đồng, bạch kim, palladium, vàng, và các kim loại khác.
Hiện nay, "vùng đất chết" Sudbury Basin ngày nào đã trở thành một trong những mỏ nickel và quặng đồng lớn nhất thế giới đang được con người khai thác ở khu vực ngoài rìa.
Dịch từ: Dailymail