Những người này đa phần có gốc gác ở Hazaras, Afghanistan, được tuyển mộ từ những cộng đồng người nhập cư nghèo đói ở Iran, để rồi lập ra lữ đoàn đánh thuê Fatemioun, chịu sự quản lý của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tham chiến tại Syria.
IRGC chẳng mấy quan tâm đến an nguy của lữ đoàn này, và thường xuyên đẩy lính Fatemioun vào những chốn "dầu sôi lửa bỏng" của chiến trường Syria trong suốt 5 năm nội chiến. Hệ quả là không mấy ai sống sót trở về.
Nhưng một số đã may mắn thoát khỏi lửa đạn, và hòa vào dòng người nhập cư tới châu Âu.
Tại một thị trấn nhỏ ở Đức, phóng viên BBC đã gặp "Amir" (tên giả - PV), một lính đánh thuê người Afghan mới ở tuổi đôi mươi.
Cha mẹ Amir là người nhập cư sống tại Isfahan, Iran. Và cũng giống như gần 3 triệu người gốc Afghan hiện đang sinh sống tại Iran, Amir chỉ được coi là công dân hạng hai.
Amir thời còn trong hàng ngũ Fatemioun. Ảnh: BBC
Bấy giờ, vì không có giấy tờ hay quyền cư trú hợp pháp, Amir không thể đi học hay đi làm. Nỗi lo bị bắt giữ và rồi trục xuất luôn hiện hữu mỗi ngày. Việc đi lại cũng vô cùng khó khăn, và Amir thậm chí còn không thể mua nổi một chiếc SIM điện thoại.
Nhưng rồi một ngày, Amir nhận được một lời đề nghị có thể khiến cuộc sống của anh thay đổi hoàn toàn.
"Một vài người Afghan có quan hệ với IRGC tìm đến tôi và các bạn của tôi tại thánh đường. Họ kêu gọi chúng tôi tới Syria để cùng bảo vệ thánh địa Shia khỏi tay IS.
Họ nói rằng nếu làm vậy chúng tôi sẽ có hộ chiếu, và cuộc sống sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Chúng tôi sẽ được như người Iran, được mua xe, mua nhà..." - Amir kể lại.
Trước lời đề nghị quá "hấp dẫn" vào thời điểm ấy, Amir đã chấp thuận, và anh gia nhập hàng ngũ lữ đoàn Fatemioun.
Những tháng ngày ám ảnh
Amir kể lại, anh được huấn luyện một cách tương đối chóng vánh, với chỉ vỏn vẹn 2 tuần học kĩ năng di chuyển và sử dụng vũ khí cơ bản. Đợt huấn luyện cũng diễn ra bí mật.
"Khi chúng tôi tới căn cứ tại Qarchark ở Tehran, họ tịch thu tất cả điện thoại di động. Và sau 2 tuần huấn luyện, chúng tôi được chở tới sân bay trong những chiếc xe buýt được bao bọc bởi lớp cửa kính đen" - Amir tiết lộ.
Dù không có hộ chiếu, nhóm lính đánh thuê này được máy bay chuyên dụng chuyển trực tiếp đến các điểm nóng tại Syria. Mọi thứ đã được IRGC chuẩn bị từ đầu đến cuối.
"Khi chúng tôi đến nơi, đập vào mắt là những lỗ thủng do đạn để lại, và đống đổ nát từ các trận pháo kích. Đó là khu vực giao tranh. Những gì tôi đã chứng kiến ở đó đến nay vẫn ám ảnh tôi. Tôi không thể ngủ ngon, và luôn tức giận vô cớ" - Amir kể.
Những tấm áp-phích kêu gọi gia nhập Fatemioun.
"Nổ tung thành từng mảnh"
Lần theo những mảnh đất in dấu chân người di cư tại châu Âu, phóng viên BBC đã gặp được nhiều lính đánh thuê gốc Afghan khác, và họ đều kể lại những câu chuyện tương tự như Amir.
Tại trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos, Hy Lạp, một "cựu binh" tuổi vị thành niên đã kể lại những ngày tháng kinh hoàng khi anh và các đồng đội trong lữ đoàn Fatemioun được giao nhiệm vụ tiên phong, với vai trò của những con tốt mà IRGC vẫn coi là "mất cũng chả sao".
"Có lúc chúng tôi không có đồ ăn, thức uống, phải chịu cảnh đói khát giữa sa mạc. Chúng tôi là bộ binh hạng nhẹ, nhưng phải di chuyển tới 20-30 km liên tục để đối mặt và giao chiến với kẻ địch...
Một đêm nọ, chúng tôi bị bao vây trong một khu vườn. Địch dùng súng phóng lựu RPG bắn vào vị trí của chúng tôi, và tôi đã chứng kiến cảnh một người đồng đội nổ tung thành từng mảnh, ngay trước mắt mình...
Nhiều đêm sau, trong đầu tôi luôn hiện lên hình ảnh người đồng đội. Tôi tự lẩm bẩm trong đầu: 'Chúa ơi, chuyện gì xảy ra với cậu ấy vậy!' Tôi thực sự rất sợ hãi" - anh kể lại.
Đám tang các tay súng gốc Afghan trẻ tuổi đánh thuê tại Syria vẫn diễn ra thường xuyên tại Iran. Ảnh: BBC
"Bắt phải chiến đấu"
Tại cảng Mytilene, phóng viên BBC đã gặp một nhóm người gốc Afghan trẻ tuổi. Họ cho biết đều đã từng là lính đánh thuê thuộc lữ đoàn Fatemioun.
"Họ ép chúng tôi phải chiến đấu. Tôi không hài lòng về điều đó, nhưng họ nói rằng vì tôi là người Afghan đã bị bắt mà không có giấy tờ hợp pháp, nên sẽ trục xuất hoặc tống tôi vào tù. Tôi bị giữ tại trại giam Asgar Abad trước khi tới Syria tham chiến" - một người trong nhóm kể lại.
Anh nói rằng anh đã chiến đấu tại Syria trong 12 tháng, đảm nhiệm vai trò lái xe tăng và sau đó là xạ thủ. IRGC điều động anh tới khắp các điểm nóng tại Syria, từ Damascus tới Palmyra. Nhưng khi anh xong nhiệm vụ và trở về Iran, thì IRGC lại bội ước.
"Họ đưa tôi một tờ chứng minh nhỏ màu xanh lá cây, nhưng đây chỉ là giấy tạm trú 30 ngày. Tôi không thể thi giấy phép lái xe với giấy tạm trú này, và thậm chí không mua nổi một chiếc SIM điện thoại.
Tôi than phiền với IRGC, và họ nói tôi phải quay trở lại Syria tham chiến một lần nữa. Nhưng tôi không muốn. Tôi đã chạy trốn" - anh kể lại.
Bao nhiêu người đã "chết vì Assad"?
Hiện nay, chưa có con số thống kê chính thức về số lượng lính đánh thuê gốc Afghan mà Iran đã điều sang Syria, cũng như số thương vong.
Theo ước tính mới nhất của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), IRGC đã tuyển mộ 10.000 lính đánh thuê gốc Afghan.
Trước thông tin của BBC, bộ Ngoại giao Iran phủ nhận việc nước này điều lính đánh thuê gốc Afghan tới Syria. Họ nói rằng tất cả các tay súng này tới Syria để "tử vì đạo" một cách tình nguyện.
Nhưng cứ mỗi tuần ở Iran, lại có những đám tang theo phong cách quân đội để tưởng nhớ binh sĩ lữ đoàn Fatemioun tử trận tại Syria.
Và với tình hình Aleppo nóng như hiện nay, có lẽ số lượng lính Fatemioun phải sang Syria để "chết vì Assad" sẽ còn gia tăng.