Vùng biên căng thẳng nhất thế giới
Woo Jong-il có thể nhìn thấy Triều Tiên từ mảnh sân phía trước nhà mình.
Ông vẫn còn nhớ khoảnh khắc những viên đạn lạc bay giữa không trung khiến hàng trăm gia đình nằm dọc theo biên giới sợ hãi.
Những ngày này, người nông dân Hàn Quốc 72 tuổi đã chuẩn bị cho mình hai hầm ngầm bằng bê tông kiên cố, phòng trường hợp một cuộc tấn công.
Woo Jong-il trong căn hầm nằm dưới ngôi nhà của mình ở Tanhyeon, biên giới với Triều Tiên.
Chỉ vài bước chân, Woo có thể chạy ra khỏi phòng khách và nhanh chóng trú ẩn bên dưới lô cốt được giấu kín trong nhà, nơi chỉ có một bóng đèn duy nhất xua tan sự lạnh lẽo.
Nếu có đủ năm phút đi bộ qua cánh đồng lúa, Woo sẽ đến một căn hầm lớn hơn được xây bên trong một quả đồi.
Nhưng trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên, thậm chí cả hai căn hầm ẩn náu cũng không khiến cho Woo cảm thấy yên tâm.
"Tôi không cảm thấy an toàn bởi đây là tiền tuyến", Woo cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại nhà riêng, nơi cách Thủ đô Seoul một giờ lái xe về phía Bắc.
"Chúng tôi đang ở nơi nguy hiểm nhất, nơi thần kinh luôn căng như dây đàn. Toàn bộ vũ khí được dồn về đây và tiền tuyến sẽ sụp đổ khi chiến tranh bùng nổ", ông nói.
Đằng sau những lời khẩu chiến căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên và sự tranh giành lợi ích địa chính trị ở khu vực Đông Bắc Á là hàng trăm ngàn người dân sống dọc theo khu phi quân sự (DMZ) đang cảm thấy hoang mang.
Họ không biết trước ngày mai sẽ mang đến cho mình điều gì ở vùng biên giới nhiều rủi ro nhất thế giới này.
Bất cứ động thái nào được Bình Nhưỡng khởi động, những người dân nơi đây sẽ là nạn nhân gánh chịu đầu tiên, theo The Guardian.
Đến những thôn làng rải rác quanh biên giới hai miền liên Triều, người ta sẽ được nhìn thấy quang cảnh vùng quê kỳ lạ, nơi tiền đồn quân sự nhiều hơn cửa hàng xăng dầu và binh sĩ vũ trang đầy đủ luôn bận rộn với nhiệm vụ nhắc nhở người dân tránh xa khu vực gài mìn.
Woo lên 5 tuổi khi cuộc chiến tranh Triều Tiên bắt đầu vào năm 1950 và hơn 70 năm sau đó, bất kỳ tiếng động lớn nào phát ra cũng khiến ông vẫn giật mình tưởng tiếng súng còn vang vọng.
Ám ảnh chiến tranh thường là điều rất nhiều người lính không thể thoát khỏi. Tuy nhiên, Woo không phải là một quân nhân. Ông là người lớn lên tại ranh giới khốc liệt nhất trong cuộc chiến hai nước.
Woo Jong-il chỉ vị trí căn hầm thứ hai của ông giờ đây đã bị cây cối che phủ.
Hỏa lực hai miền Triều Tiên còn tiếp diễn mãi cho đến năm 1970, khi Woo quyết định cần phải xây dựng hầm trú ẩn dưới ngôi nhà của mình.
Căn hầm đầu tiên khá nhỏ, nhưng nếu cố gắng sắp xếp, nó có thể chứa được khoảng 10 người. Tất nhiên nó không thể hiện đại, tiện nghi giống như trong các bộ phim của Hollywood.
Các căn hầm thứ hai được xây dựng sau đó 3 năm nhưng đã sớm rơi vào tình trạng xuống cấp.
Chúng đều được Woo xây dựng hoàn toàn thủ công trong giai đoạn máy móc chưa được phát triển như hiện tại.
Dù lo lắng trước tình hình thời gian qua, Woo chưa bao giờ nghĩ đến việc rời khỏi mảnh đất mà 13 thế hệ gia đình ông đã gắn bó suốt bao năm qua. Ông thậm chí còn đồng tình với cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Tôi thích những gì Trump đang làm, nhưng nếu chiến tranh bùng nổ, nó sẽ giết chết rất nhiều người dân Hàn Quốc", người đàn ông 72 tuổi nói. "Đối với Mỹ, chỉ những người lính mới đến đây, đất nước của họ được an toàn. Thường dân chúng tôi mới chết".
"Đây là một nơi tốt để sống"
Ở phía bên kia cuộc tranh luận về cách chấm dứt cuộc xung đột bảy thập kỷ giữa hai miền liên Triều là Lee Min-bok, người nói rằng sẽ giúp Triều Tiên thay đổi từ bên trong, chứ không phải sử dụng sức mạnh quân sự.
Lee Min-bok đứng cạnh chiếc xe tải theo ông nhiều năm làm công việc gửi những quả bóng "tuyên truyền" cho Triều Tiên.
Không giống như Woo, nhà khoa học này muốn sống càng gần biên giới Triều Tiên càng tốt, dù ông là người đào thoát khỏi quốc gia này vào năm 1995.
Nó trở thành điều cần thiết phục vụ cho công việc mà ông muốn gắn bó cả đời mình: Gửi thông tin cho người dân Triều Tiên thông qua các quả bóng bay.
Khi những cơn gió mạnh bắt đầu thổi về phương Bắc, Lee cùng với vợ lại lên đường, trên chiếc xe tải 5 tấn chở đầy bóng bay và túi xách đựng tờ rơi, DVD, tiền và Kinh thánh.
Ông lái xe đến khu vực gần biên giới nhất có thể, thổi căng những quả bóng khổng lồ và bắt đầu gửi đi thông điệp của mình bay qua khu phi quân sự.
Công việc của Lee luôn là mối quan tâm của người dân địa phương. Nhiều người chỉ trích hành động vô bổ của ông, vì sợ rằng nó sẽ làm cho thị trấn của họ trở thành mục tiêu tấn công của Bình Nhưỡng.
Năm 2011, một người đàn ông đã bị bắt vì âm mưu ám sát Lee bằng một phi tiêu tẩm độc.
Trong khi đó, Triều Tiên nhiều lần dùng súng phòng không bắn tan những quả bóng lơ lửng bay từ biên giới phía Nam tiến vào đất nước họ.
Giờ đây, một đội ngũ gồm sáu cảnh sát mặc thường phục luôn đi theo sát Lee ở bất cứ nơi đâu.
"Tôi muốn đến càng sát khu phi quân sự càng tốt", Lee nói. "Hành động đó thực sự nguy hiểm với tôi và Chính phủ cũng lo ngại điều này".
Các nhà chức trách Hàn Quốc vẫn nỗ lực gửi thông tin tuyên truyền qua biên giới Triều Tiên trong nhiều năm qua, trong khi Bình Nhưỡng cố gắng cản trở.
"Cuộc chiến" cũng mở rộng trên làn sóng phát thanh truyền hình, khi cư dân của thị trấn biên giới đủ gần để bắt các kênh sóng của Hàn Quốc với các chương trình văn hóa, giáo dục.
Cơn mưa ở Haean, Hàn Quốc, địa điểm nằm sát biên giới với Triều Tiên.
Thông điệp "Bạn chỉ sống một lần, bạn không thể sống một cách vô ích. Hãy đến với Hàn Quốc, tận hưởng tự do và biến ước mơ trở thành sự thật" luôn là câu kết gửi đến người dân Triều Tiên sau mỗi lần phát sóng.
Ngược lại, hiệu quả tuyên truyền từ phía Triều Tiên lại khá thấp. Dân làng ở Haean nói, họ không quan tâm và thậm chí không thể hiểu những gì các tuyên truyền viên Triều Tiên đang nói.
Có một thung lũng với khoảng 1500 người cư ngụ nằm trong khu phi quân sự. Đây đã từng là địa điểm giao tranh ác liệt trong chiến tranh Triều Tiên.
Khu vực người dân sinh sống, trang trại, vườn cây ăn trái vẫn đầy bom mìn rải rác. Du khách đến đây được khuyến cáo nên đi lại cẩn thận.
Năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc phát hiện một đường hầm dài nhiều km của quân đội Triều Tiên, với đầy đủ điện và một hệ thống đường sắt nhỏ.
Nếu chiến tranh xảy ra, đây sẽ là con đường giúp hàng ngàn binh sĩ Triều Tiên vượt biên giới mà không bị phát hiện. Sau đó, nó đã bị bít lại và trở thành một địa điểm tham quan nổi tiếng.
Bất chấp sự hiện diện quân sự và đầy rẫy sự nguy hiểm ở nơi căng thẳng nhất trên Trái đất, người dân địa phương không quá bất an trước những tuyên bố của chính quyền Kim Jong-un.
"Đây là nơi an toàn nhất", Lee Soo-nae nói với phóng viên khi đang ngồi bán rượu sâm bên đường. "Nếu xung đột nổ ra, Triều Tiên sẽ thổi bay Seoul hay Busan, người dân ở đó sẽ chết. Nhưng ở đây họ chỉ bắn nhau thôi"
"Đây là một nơi tốt để sống", bà nói thêm.