Bí mật giữa Nga và Israel về vấn đề Iran ở Syria

Ngọc Thạch |

Có thể tồn tại bí mật giữa Nga và Israel cho phép lực lượng Israel tấn công các lực lượng Iran và để gây sức ép buộc Iran rút khỏi Syria.

Tình hình Syria trở nên căng thẳng khi Israel tăng cường quân sự ở cao nguyên Golan và tấn công vào một số mục tiêu ở Sryria, mà nước này cho là có sự hiện diện quân sự của Iran.

Theo các chuyên gia, căng thẳng khó leo thang bởi tồn tại một thỏa thuận bí mật giữa Nga và Israel liên quan tới quân đội Iran ở Syria. Tuy nhiên, các cuộc tấn công qua lại giữa hai bên là khó tránh khỏi.

Hợp tác Iran, Nga và Syria trong nhiều năm qua bắt đầu đơm hoa kết trái. Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad được củng cố và lớn mạnh trước lực lượng đối lập thì quan hệ Iran và Nga có thể phải đối mặt với nguy cơ mới liên quan tới Israel.

Bởi Israel luôn lo ngại, sự hiện diện của Iran ở Syria là mối đe dọa về an ninh đồng thời cảnh báo sẽ tấn công bất kỳ mục tiêu quân sự nào của Iran ở Syria.

Cùng thời điểm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố "tất cả các quốc gia và lực lượng phiến quân, trừ Nga, đều phải rút khỏi Syria". Điều này đồng nghĩa với việc Iran cũng phải rút quân khỏi Syria. Tuy nhiên, Tehran đã cực lực phản đối và khẳng định nước này không có lí do gì phải rút quân khỏi Syria, nếu như Damascus vẫn cần đến họ.

Điều này đã gây ra một số suy đoán về sự tồn tại của một thỏa thuận bí mật giữa Nga và Israel cho phép lực lượng Israel tấn công các lực lượng Iran và để gây sức ép buộc Iran rút khỏi Syria. Đặc biệt Nga đã không bình luận về các cuộc tấn công của Israel và không phản đối việc quân đội Syria phản công.

Trong 2 tháng qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hai lần tới Moscow để gặp Tổng thống Putin và các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên đang được tăng cường.

Đáng chú ý là sau mỗi chuyến thăm của ông Netanyahu trở về Tel Aviv, lực lượng không quân Israel đã phát động các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran và Hezbollah ở Syria với lý do đáp trả các vụ tấn công Israel từ Syria.

Theo phương tiện truyền thông Israel, Nga và Israel đã thỏa thuận tất cả các lực lượng quân sự của Iran và Hezbollah tập trung ở phía nam của Syria còn lực lượng chính phủ Syria ở trong khu vực sát biên giới Golan. Điều này được cho là nhằm tránh bùng phát bất kỳ xung đột mới nào ở Syria.

Tuy nhiên phía Iran phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ lực lượng quân sự nước này ở Syria nói chung và ở phía nam. Tổng thống Bashar al-Assad đã xác nhận điều này và nói thêm rằng chỉ có sự hiện diện của một số cố vấn quân sự Iran giúp đỡ quân đội Syria.

Nội dung này vẫn còn nhiều tranh cãi và xung đột Israel - Iran ở biên giới cao nguyên Golan của Syria có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Thông tin này cũng được tờ "The Washington Post" khẳng định khi nói rằng có một "thỏa thuận" giữa Nga và Israel trong đó Israel kiểm soát ở phía nam của Syria theo thỏa thuận năm 1974 để đổi lấy Nga thuyết phục Iran không đóng quân ở biên giới Syria và cách Israel ở khoảng cách dưới 80 km đồng thời Nga không phản đối khi Israel tấn công các vị trí quân sự của Iran trong lãnh thổ Syria.

Theo các chuyên gia, dường như Nga không muốn mất đồng minh Israel vì Iran. Bằng chứng là việc Nga có thể đẩy lùi các cuộc tấn công của Israel gần đây vào các vị trí của Iran ở Syria nhưng họ đã không làm.

Mặt khác Nga không muốn chính quyền của Tổng thống Assad đối mặt với mối nguy hiểm mới sau tất cả những chiến thắng gần đây trong cuộc chiến chống khủng bố và củng cố lực lượng chính phủ.

Việc Nga trì hoãn chuyển giao S300 tới Syria cũng cho thấy khuynh hướng của Moscow không muốn tham gia vào cuộc xung đột Israel-Iran. Chính trị gia Mehrdad Ali Akbarzadeh cho rằng “Nga không muốn mạo hiểm với những thành tựu đạt được ở Syria, có tham vọng trong việc loại bỏ Iran khỏi Syria một cách tốt đẹp và cũng không mất mối quan hệ với phía Israel”.

Theo các chuyên gia, Syria là đồng minh thân cận của Iran và nước này đã hỗ trợ để Syria giành chiến thắng trước lực lượng đối lập thân Israel và Mỹ cũng như tạo dựng được vị trí ở Syria sẽ không dễ dàng rút khỏi đây.

Tuy nhiên, hiện tại, Tehran đang bị trừng phạt kinh tế và áp lực quốc tế cũng như công chúng Iran có những phản ứng.

Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các nhà lãnh đạo Iran, ngoài sự chấp thuận thỏa thuận hòa bình Israel-Nga không có nghĩa là chấm dứt vai trò của Iran ở Syria, nhưng chính điều đó sẽ chỉ là một nỗ lực ngắn hạn để tránh một cuộc xung đột vô ích./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại