Bí mật động trời đằng sau ngành công nghiệp làm đẹp: Nhiều mạng sống mất đi đổi lấy sự lấp lánh trong các hộp mỹ phẩm

Khánh Ly |

Mica là khoáng chất tạo ra sự lấp lánh trong các sản phẩm như phấn mắt hoặc son bóng. Nhưng có những bí mật xấu xí đằng sau mà người tiêu dùng không nhìn thấy.

Mica là một khoáng chất có thể được nghiền nhỏ để tạo ra bột lấp lánh. Các công ty mỹ phẩm đánh giá cao mica vì đặc tính của nó: siêu mịn, khúc xạ tạo hiệu ứng lấp lánh và có nhiều màu sắc tự nhiên khác nhau.

Mica có thể được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có Ấn Độ, nơi được biết đến là có nguồn Mica lớn nhất và nguyên chất nhất thế giới. Nhưng ở Ấn Độ, cái giá phải trả để có được khoáng chất này là quá đắt.

Theo điều tra của Undercover Asia, hàng nghìn người đang làm việc bất hợp pháp tại các mỏ mica tăm tối ở Ấn Độ, một khung cảnh trái ngược hoàn toàn với ánh đèn lấp lánh của các quầy mỹ phẩm.

Họ không có bất cứ thứ gì trong tay

Jharkhand, một bang phía đông bắc Ấn Độ, giàu tài nguyên khoáng sản. Đây là khu vực sản xuất than, đồng và mica hàng đầu của đất nước. Nhưng gần một nửa số người ở đây sống trong cảnh nghèo đói.

Basanti Mosamat, một góa phụ 40 tuổi, nhặt mica vụn để kiếm sống vì đó là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình bà. Hàng tuần, Mosamat cùng bố chồng và 5 người con đi bộ 10 km vào khu rừng giáp với làng để dựng trại. Họ sẽ dành vài ngày ở đó để sàng lọc mica.

Việc nhặt mica vụn của họ bắt đầu từ mờ sáng đến tối mịt. Họ không có dụng cụ bảo hộ nào khiến bàn tay bị trầy xước và thâm tím. Mỗi kg mica được bán với giá 7 rupee (0,095 USD). Ngày nào may mắn, họ sẽ kiếm được khoảng 150 rupee (2 USD).

Gia đình của bà Mosamat là một phần trong số 100 triệu người bản địa của Ấn Độ được gọi là Adivasis, những người sống bên lề xã hội. Họ không được tiếp cận đầy đủ về y tế, giáo dục, an ninh, việc làm và lương thực.

Bí mật động trời đằng sau ngành công nghiệp làm đẹp: Nhiều mạng sống mất đi đổi lấy sự lấp lánh trong các hộp mỹ phẩm - Ảnh 1.

Gia đình của Basanti Mosamat nhặt Mica. Ảnh: CNA

Nguy hiểm luôn trực chờ

Nghèo đói đã khiến nhiều người liều mình tìm đến các hang động và hầm mỏ bỏ hoang, nơi có nhiều mica hơn. Nhưng ở đó, họ không có đèn chiếu sáng hoặc biết bị bảo hộ an toàn. Thông thường, người dân tự dựa vào kiến thức của mình để định hình khu vực hầm mỏ.

Mukesh Bhulla, người đã đi vào các khu mỏ bỏ hoang từ khi còn là một cậu bé, vẫn còn ám ảnh: "Mọi người có thể bị trượt ngã ở bất cứ đâu, hoặc đá có thể rơi vào đầu".

Trong tháng đầu năm, có ít nhất 3 báo cáo về vụ sập hầm mỏ ghi nhận ở Koderma, bang Jharkhand. Người ta ước tính có từ 10-20 người chết trong những vụ sập hầm mỗi tháng ở vành đai mica phía đông bắc đất nước.

Tuy nhiên, đằng sau con số được báo cáo, có nhiều vụ tai nạn khác bị che đậy bởi lý do khai thác bất hợp pháp.

Không có lựa chọn khác, người dân phải làm gì?

Tuy nguy hiểm và bất hợp pháp, những người tìm kiếm mica không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục. Họ phải vật lộn kiếm sống qua ngày. Nếu không được tiếp cận với ngân hàng, họ phải chuyển sang vay nặng lãi không có giấy tờ với lãi suất tới 200% một năm.

Theo điều tra của nhà báo Peter Bengtsen, người đã theo dõi hoạt động buôn bán mica ở Jharkhand, một số người khai thác mica chỉ được phép bán cho những thương nhân đã cho họ vay, với mức giá do thương lái quyết định. Thỏa thuận sẽ kéo dài cho đến khi họ trả hết nợ.

Nhức nhối vấn đề lao động trẻ em

Mica trở thành vấn đề gây tranh cãi vào giữa những năm 2000, sau các cuộc điều tra về việc sử dụng lao động trẻ em.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, Ấn Độ có hơn 10 triệu trẻ em đang làm việc. Và với việc điều tra về ngành công nghiệp mica, hoàn cảnh của trẻ em đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế.

Những đứa trẻ phải đi khai thác mica để giúp đỡ cha mẹ chúng. Và với việc là những Adivasis sống bên lề xã hội, những đứa trẻ lớn lên gần mỏ mica chỉ có một lựa chọn đó là: chọn mica.

Vấn đề xung quang mica là một vấn đề mang tính hệ thống. Nó không phải một vấn đề nhỏ có thể dễ dàng sắp xếp mọi thứ.

Bí mật động trời đằng sau ngành công nghiệp làm đẹp: Nhiều mạng sống mất đi đổi lấy sự lấp lánh trong các hộp mỹ phẩm - Ảnh 2.

Mica tạo độ lấp lánh cho mỹ phẩm. Ảnh: CNA

Khó khăn trong kiểm chứng nguồn gốc

Để đáp lại mối quan tâm ngày càng gia tăng của dư luận, một số liên minh toàn cầu đã được thành lập. Một trong số đó có Sáng kiến Mica với các thành viên như Chanel, L'Oréal và Sephora. Sáng kiến Mica dự định sẽ xóa bỏ hoạt động khai thác mica sử dụng lao động trẻ em ở Jharkhand vào năm tới thông qua các quy định và thực tiễn tốt hơn.

Một số thương hiệu cũng đã cam kết tuân thủ nghiêm ngặt hơn trong chuỗi cung ứng của họ. Nhưng một số cũng thừa nhận khó khăn trong việc kiểm chứng nguồn gốc mica có sử dụng lao động trẻ em hay không.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2019, Ấn Độ đã xuất khẩu bột mica trị giá hơn 37 triệu USD. Với số lượng mua bán lớn như vậy, rất khó để theo dõi chính xác nguồn gốc mica của một thương hiệu đến từ đâu.

Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc đã trở thành một vấn đề quan trọng đối với một số nhà sản xuất. Yue Jin Tay, giám đốc phát triển kinh doanh của Circulor, một công ty tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm sử dụng blockchain để xác minh nguồn gốc của hàng hóa và khoáng sản trong chuỗi cung ứng cho biết: "Mica là một nguyên liệu thô khá rẻ để sản xuất".

Đôi khi, việc đảm bảo nguồn gốc của mica không có ý nghĩa kinh tế so với với các nguyên liệu thô khác như vàng hoặc coban.

Công nghệ có thể là một phần giải pháp, nhưng quan trọng là việc việc đảm bảo nguồn gốc phải được đưa vào luật. Do đó, người tiêu dùng cũng phải chấp nhận chi phí sản phẩm tăng lên.

Chờ đợi một sự công nhận

Trở lại Jharkhand, nhu cầu đối với mica vẫn chưa giảm và chính quyền bang đang thúc đẩy khai thác mỏ trở thành một trong những sáng kiến ​​tăng trưởng kinh tế.

Ngày càng có nhiều cuộc biểu tình trong cộng đồng nhằm kêu gọi hợp pháp hóa khai thác mica vụn. Các nhà lập pháp cho biết cần có một giải pháp để cứu cả người và rừng.

Mica từng được phân loại là sản phẩm từ rừng, nhưng Đạo luật về Rừng đã quy định việc khai thác mica trở thành một hoạt động không thuộc rừng. Người bản địa Ấn Độ đang hy vọng rằng nếu mica là lựa chọn duy nhất của họ, chính quyền nên hợp pháp hóa việc khai thác để họ có thể làm việc an toàn hơn.

Cựu chủ sở hữu mỏ Deepak Kumar Singh đồng ý rằng vụn mica cơ bản là phần còn sót lại của các hoạt động khai thác. Nó không gây hại đến rừng, nhưng cho đến nay, nó vẫn chưa được hợp pháp hóa.

Nếu như không có hành động thực tế nào được thực thi thì những gia đình như bà Mosamat vẫn sẽ phải tiếp tục nhặt mica kiếm sống trong bất an.

Theo CNA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại