Bí mật đen tối của Meta: Thuê ngoài hàng chục nghìn người kiểm duyệt nội dung độc hại khiến họ ám ảnh đến mất khả năng tái hòa nhập xã hội

Băng Băng |

“Một khi bạn đã thấy những gì chưa từng thấy trước đây thì bạn sẽ chẳng thể nào ngủ nổi đâu”, cô Kauna Ibrahim Malgwi, một cựu kiểm duyệt viên cho Meta hiện đang phải uống thuốc chống trầm cảm, thừa nhận.

Bí mật đen tối của Meta: Thuê ngoài hàng chục nghìn người kiểm duyệt nội dung độc hại khiến họ ám ảnh đến mất khả năng tái hòa nhập xã hội - Ảnh 1.

Tờ Financial Times (FT) cho biết Meta (Facebook) đang siết chặt kiểm soát nội dung nhằm thanh lọc những thông tin giả hoặc các tin độc hại. Thế nhưng nỗi ám ảnh khi phải xem quá nhiều những nội dung độc hại đang khiến lượng lớn kiểm duyệt viên hợp đồng kiện ngược Meta vì chính sách đãi ngộ không xứng đáng.

Ám ảnh

Anh Trevin Brownie, một kiểm duyệt viên tại Kenya của Meta cho biết, nghề của anh phải liên tục xem các video mới xuất hiện trên Facebook mỗi 55 giây, phân loại, gỡ bỏ các nội dung độc hại.

Vào ngày đầu tiên đi làm, bản thân anh Brownie đã phải nôn mửa sau khi xem video quay cảnh một người đàn ông tự sát trước mắt đứa con mới 3 tuổi của mình đăng trên Facebook.

Thế nhưng mọi chuyện mới chỉ là bắt đầu.

Bí mật đen tối của Meta: Thuê ngoài hàng chục nghìn người kiểm duyệt nội dung độc hại khiến họ ám ảnh đến mất khả năng tái hòa nhập xã hội - Ảnh 2.

Việc phải liên tiếp xem những nội dung độc hại này ảnh hưởng quá lớn đến tinh thần những người kiểm duyệt như anh Brownie.

“Sẽ đến một giới hạn nào đó, ví dụ như sau khi xem xong 100 video chặt đầu người thì bạn sẽ bắt đầu quen với sự rùng rợn này và lần tiếp theo phân loại, bạn sẽ bắt đầu hy vọng sẽ có video ghê rợn hơn. Nó cứ như kiểu bị nghiện vậy”, anh Brownie sợ hãi nói.

Bản thân anh Brownie là một trong số vài trăm kiểm duyệt viên ngoài 20 tuổi được thuê bởi Sama, một công ty môi giới thuê ngoài có trụ sở ở San Francisco chuyên tuyển dụng lao động ở Kenya để lọc nội dung bẩn cho Meta.

Hiện Brownie đang cùng một nhóm 184 kiểm duyệt viên đâm đơn kiện Sama lẫn Meta vì vi phạm nhân quyền khi không trợ cấp đúng mức cho những lao động này khi họ bị tổn thương về tinh thần.

Trước đó vào năm 2020, Meta đã phải thanh toán 52 triệu USD bồi thường cho một vụ kiện tương tự và thanh toán chi phí điều trị tâm thần cho những kiểm duyệt viên người Mỹ.

Một số vụ kiện tương tự hiện cũng đang được xúc tiến ở Ireland cùng nhiều nơi trên thế giới khi Meta không thể giải quyết được hiệu quả việc thanh lọc những nội dung xấu trên nền tảng Facebook của mình một cách an toàn.

Mất khả năng hòa nhập xã hội

Tờ FT cho biết cũng tương tự như công nhân các nhà máy hóa chất hay lao động hầm mỏ chịu tổn thương về sức khỏe, những kiểm duyệt viên cho Meta đã và đang chịu tổn hại rất lớn về tinh thần mà không được đền bù xứng đáng.

Việc Meta chịu áp lực lớn từ dư luận và chính quyền về tin giả và nội dung độc hại trên các nền tảng của mình đã khiến vô số thị trường, từ Myanmar, Ấn Độ cho đến Châu Âu phản đối kịch liệt.

Chính vì lẽ đó mà công ty mẹ của Facebook đã đổ hàng tỷ USD nhằm tuyển dụng 40.000 chuyên viên trên toàn cầu thông qua các doanh nghiệp môi giới thuê ngoài như Accenture, Cognizant hay Covalen để thanh lọc nội dung. Trong đó khoảng 15.000 người là kiểm duyệt viên có nhiệm vụ theo dõi, phân loại và lọc bỏ.

Nếu tính bên ngoài Mỹ thì Meta đã làm việc với các công ty đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Philippines, Ireland hay Ba Lan để tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ lọc nội dung.

Bí mật đen tối của Meta: Thuê ngoài hàng chục nghìn người kiểm duyệt nội dung độc hại khiến họ ám ảnh đến mất khả năng tái hòa nhập xã hội - Ảnh 3.

Điều trớ trêu là thay vì nói thẳng nhiệm vụ công việc, những công ty môi giới thuê ngoài như Sama lại quảng cáo tuyển dụng nhân viên để “phân loại và dán nhãn nội dung nhằm đào tạo cho phần mềm trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) phục vụ người dùng cho Meta và Tesla”.

Doanh nghiệp này đã tuyển dụng tại hàng loạt thị trường, lấy các lao động từ Burundi, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Phi và Uganda để tập trung tại cơ sở chính Nairobi-thủ đô của Kenya.

Thế nhưng nhận thức được rủi ro của công việc, Sama nhanh chóng đóng cửa dự án và rút lui khỏi ngành 4 năm sau đó, sa thải hàng loạt lao động mà chẳng có bất kỳ bồi thường nào.

Những lao động bị tổn thương về tinh thần trên nói với FT rằng họ gặp ám ảnh về tâm lý và thậm chí chẳng thể duy trì những mối quan hệ xã hội thông thường.

“Một khi bạn đã thấy những gì chưa từng thấy trước đây thì bạn sẽ chẳng thể nào ngủ nổi đâu”, cô Kauna Ibrahim Malgwi, một sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý làm việc cho Sama hiện đang phải uống thuốc chống trầm cảm, thừa nhận.

“Ngay cả đến cảnh sát khi điều tra các vụ bạo hành trẻ em cũng sẽ bị giới hạn nội dung tài liệu. Thế nhưng những kiểm duyệt viên tại Kenya không được đào tạo và cũng chẳng được điều trị gì sau khi đã chứng kiến vô số nội dung độc hại. Những người quản lý chỉ đơn giản bảo mọi người hãy hít thở sâu và chẳng hề chuyên nghiệp chút nào”, giám đốc Cori Crider của tổ chức phi lợi nhuận Foxglove nhận xét.

Bí mật đen tối

Anh Daniel Motaung, một kiểm duyệt viên Nam Phi đứng lên chống lại Sama và Meta cho biết mình đã bị “lừa” khi làm công việc không đúng với lời quảng cáo tuyển dụng và không nhận thức được những tổn thương do công việc gây ra. Mức lương quá “hời” mà phía Sama đề nghị cuối cùng lại trở thành cái bẫy.

Những kiểm duyệt viên tại Kenya được trả 60.000 Ks/tháng, tương đương 564 USD quy đổi theo tỷ giá năm 2020. Sau khi trừ đi thuế, bình quân các kiểm duyệt viên nhận được khoảng 2,2 USD mỗi giờ làm việc.

Công việc này đòi hỏi chia ca với 9 tiếng mỗi ca, chia đều sáng và tối. Trong đó người kiểm duyệt bị giới hạn 50-55 giây cho mỗi lần phân loại, dán nhãn một video nhằm gia tăng năng suất hết mức có thể.

Bí mật đen tối của Meta: Thuê ngoài hàng chục nghìn người kiểm duyệt nội dung độc hại khiến họ ám ảnh đến mất khả năng tái hòa nhập xã hội - Ảnh 4.

Để so sánh, mức lương này cao gấp 4 lần thu nhập tối thiểu tại Kenya và tương đương với mức lương của một giáo viên mới ra trường. Tuy nhiên nếu tính cả những tổn thương tinh thần thì không đáng.

“Mức lương này là vô nghĩa. Chỉ 2,2 USD/giờ để bạn phải liên tục xem những nội dung giết người, tra tấn và bạo hành trẻ em ư? Nếu thế thì mức giá này quá bèo bọt”, cô Crider từ Foxglove đánh giá.

Mặc dù Meta cho biết đã tăng cường sử dụng phần mềm AI để lọc thông tin với 98% nội dung độc hại trong những quý gần đây được gỡ bỏ bởi công nghệ này, thế nhưng hàng chục nghìn kiểm duyệt viên vẫn đang tồn tại khắp thế giới lại đang nói lên một câu chuyện hoàn toàn khác.

Tồi tệ hơn, những kiểm duyệt viên này không thể chia sẻ thông tin vì đã ký vào bản thỏa thuận, qua đó tránh được việc tiết lộ những nội dung nhạy cảm gây ảnh hưởng đến uy tín của Meta.

“Tôi chưa bao giờ có cơ hội chia sẻ câu chuyện của mình với bất kỳ ai khác, kể cả gia đình bởi phải luôn giữ bí mật đen tối này cho họ”, anh Frank Mugisha, một cựu kiểm duyệt viên người Uganda của Sama tiết lộ.

*Nguồn: FT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại