"Đằng sau hào quang của việc chế tạo hai quả bom và phóng vệ tinh, nhiều người đã hy sinh đau đớn. Phần lớn những hy sinh đó là không cần thiết", nhà vật lý Wei Shijie, 76 tuổi, người từng làm việc tại cơ sở nghiên cứu thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc trong những năm 1960 ngậm ngùi kể lại.
Cừu ăn cỏ 1 năm đã rụng răng
Nhìn đàn cừu gặm cỏ trên vùng thảo nguyên yên bình nằm ở rìa thị trấn Xihai (tỉnh Thanh Hải, vùng cao nguyên Tây Tạng), ông Su Duoguan biết rằng, mình không còn nhiều thời gian để nuôi lớn chúng.
Vòng đời của những con cừu ở đây luôn ngắn hơn bình thường. Sau 1 năm, răng chúng đều sẽ dần biến thành màu đen xì rồi rụng đi, không thể ăn nổi cỏ nữa.
"Dọc suối này, con cừu nào cũng như vậy cả," người đàn ông vừa nói vừa chỉ vào dòng nước nhỏ nối với một hồ nước nhân tạo. "Tình trạng này xảy ra từ rất lâu rồi".
Zhang Binting, một người chăn cừu khác, giải thích: "Tôi đã mang cừu của mình tới gặp bác sĩ thú y. Ông ấy nói, răng của chúng đen đi là vì phóng xạ".
Nơi đàn cừu của ông Su và ông Zhang đang ăn cỏ mỗi ngày cách một cơ sở nghiên cứu hạt nhân cũ chỉ nửa quả đồi.
Căn lều của người Tây Tạng được dựng lên tại khu vực từng được Trung Quốc sử dụng cho mục đích hạt nhân.
Tòa nhà này là một phần của Nhà máy 221, hay còn gọi là Học viện số Chín – nơi nghiên cứu, thử nghiệm hạt nhân đầu tiên do Trung Quốc xây dựng vào những năm 1960. Dù toàn bộ cơ sở này đã bị đóng cửa từ năm 1987 thì tới nay, Thanh Hải vẫn gắn liền với tên gọi "Thành phố Nguyên tử" của Trung Quốc và cũng chưa thể thoát khỏi "di chứng" do thời kỳ hạt nhân ấy gây ra.
Báo cáo của Phong trào Quốc tế vì Tây Tạng (ICT) năm 1996 tiết lộ, chất thải hạt nhân từ Nhà máy 221 được xử lý rất cẩu thả. Có thời điểm chúng còn được xả thẳng ra sông hồ hoặc vứt ở những bãi rác lộ thiên.
Theo ước tính trong cuốn "Toxic Tibet Under Nuclear China" (tạm dịch: Tây Tạng bị đầu độc dưới thời thử nghiệm Nguyên tử ở Trung Quốc), những hóa chất độc hại của Nhà máy 221 - dù chôn xuống đất - vẫn có thể tồn tại tới 200.000 năm, thấm vào đất, vào nguồn nước uống, gây ô nhiễm chuỗi thức ăn của các loài động vật.
Trong một bài báo đăng tải năm 2010, tờ Globe and Mail (Canada) cho hay, rất nhiều nông dân địa phương đã chết vì ung thư và các bệnh khác liên quan tới phóng xạ.
Nói là "chết", không nói cũng có thể chết
Đầu não của Nhà máy 221 nằm sâu gần 10m dưới lòng đất, được bảo vệ bởi bức tường bằng chì, dày 1m6, cánh cửa bằng thép nặng 3 tấn. Muốn vào được trung tâm chỉ huy, các sĩ quan và nhà khoa học buộc phải đi qua phòng khử độc.
Một trong những căn phòng tại khu vực này vẫn còn bản danh sách các quy định nghiêm ngặt, được đóng khung, treo ngay ngắn.
"Điều không cần biết, đừng bao giờ hỏi. Điều không cần hiểu, đừng bao giờ nghe. Dù có nghe thấy gì, cũng không được tiết lộ. Không được công khai những gì đã nhìn thấy, nghe thấy tại đây", tấm biển ghi.
Gia đình của Pengcuo Zhuoma đã từng phụ trách cung cấp thịt và sữa cho những nhà khoa học trong Nhà máy 221. Ông vẫn còn nhớ: "Khu này từng là điểm bí mật, phải có thẻ mới được vào. Bạn không được nói gì về nó".
Bảo tàng Nhà máy 221, nơi tái hiện cuộc sống ở “Thành phố Nguyên tử”. Người nước ngoài không được phép vào thăm quan nơi này.
Vào thời kỳ "đông đúc" nhất, có tới khoảng 30.000 nhà khoa học, công nhân, binh sĩ bảo vệ làm việc tại các cơ sở của Nhà máy 221. Tất cả họ đều không được "hé răng" nửa lời về những gì đang làm.
Nhưng ngay cả khi giữ im lặng tuyệt đối thì mạng sống của họ cũng chẳng thể được đảm bảo. Một số cựu binh từng làm việc tại Nhà máy 221 cho biết, công nhân thời đó không được bảo vệ đầy đủ để chống lại phóng xạ và không được chăm sóc hiệu quả khi bị ung thư.
Một bức ảnh tại Bảo tàng nhà máy 221 ở Thanh Hải chụp lại cảnh các công nhân không mặc đồ bảo hộ đang hào hứng trộn hóa chất trong một cái thùng. Trong một bức khác, 2 người đàn ông đang đứng cạnh một cái chậu, tay cầm một chiếc bình màu trắng.
"Theo tôi được biết, vì không có tủ lạnh, họ buộc phải làm mát khối hóa chất bằng cách ngâm vào chậu nước. Có lần một vụ tai nạn đã xảy ra và cảnh tượng rất thảm khốc," hướng dẫn viên bảo tàng thuật lại.
Có một phòng khám đặc biệt dành cho công nhân. Các bác sĩ tại đó được phép đi cùng nếu bệnh nhân được chuyển tới nơi khác để điều trị "bệnh nghề nghiệp". Nhưng có lẽ, họ đi cùng là để giám sát nhiều hơn là chăm sóc.
Chỉ cần có niềm tin
Theo tờ New York Times, hàng nghìn người Tây Tạng và Mông Cổ tại Kim Ngân Đài đã phải di dời để lấy đất xây dựng những cơ sở bí mật này. Bảo tàng Nhà máy 221 cho biết các cư dân đã nhận được hàng nghìn con cừu và tự nguyện chuyển đi.
Trong cuốn hồi ký phát hành năm 2012, ông Shusheng (80 tuổi, cựu cảnh sát Thanh Hải) lại viết, giới chức địa phương đã bắt giam gần 700 người chăn gia súc quanh Kim Ngân Đài với một số tội danh nhất định. Hơn 9.000 người bị trục xuất và chỉ có 1 ngày để thu dọn, mỗi nhà chỉ được phép mang theo vài con bò.
Người dân sống tại Thanh Hải dường như không mấy lo lắng trước những lời cảnh báo về hiểm họa phóng xạ.
Họ không biết lý do của tất cả những chuyện này là gì. Các nhà khoa học, binh sĩ, công nhân, khi được đưa tới đây, cũng không biết điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước. Nhưng đó chẳng phải là vấn đề.
Nhà văn Liao Tianli - người đến Kim Ngân Đài 1 - 2 lần mỗi năm và đã phỏng vấn nhiều nhà khoa học từng làm việc tại Nhà máy 221 - cho biết: "Vào thời điểm đó, điều kiện xã hội và vị thế quốc tế của Trung Quốc giống như Triều Tiên hiện tại. Với nhiều người, họ làm việc đơn thuần là vì tinh thần 'Làm theo lời chỉ bảo của Chủ tịch Mao'".
Cuộc sống trên vùng cao nguyên Tây Tạng này giờ đây đã trở lại nhộn nhịp tới mức khó tin. Người dân tỏ ra thờ ơ với tất cả những cảnh báo về nguy cơ do ô nhiễm phóng xạ. Họ tất nhiên có lý do của mình: Họ tin vào lời đảm bảo của chính quyền rằng không có mối nguy hại nào cả.
Ông Cao Cheng Biao - giám đốc Bảo tàng Nhà máy 221 - khẳng định với phóng viên tờ Globe and Mail: "Anh thấy đấy, cỏ đang mọc rất tươi tốt, người dân và động vật sống quanh đây có gặp vấn đề gì đâu. Các chất ô nhiễm phóng xạ được chôn rất sâu dưới lòng đất rồi".
Vậy là, những đứa trẻ vẫn ngày ngày chơi đùa tại dòng suối nơi đàn cừu được chăn thả. Những con cừu khi rụng hết răng sẽ được chủ bán cho lò mổ, còn thịt được tiêu thụ ở đâu, họ không quan tâm. Người dân địa phương dựng lều ở cách các nhà máy bị bỏ hoang chừng vài mét.
Đồng cỏ quanh Kim Ngân Đàm, nơi được cho là đã chôn một lượng lớn chất thải hạt nhân, cũng trở thành điểm du lịch nổi tiếng, thu hút khách du lịch tới cắm trại và trải nghiệm "đêm ngàn sao" tại vùng cao nguyên ở độ cao 3.000m so với mực nước biển./.