“Sáng tạo đổi mới trong doanh nghiệp không phải là những thứ to tát như người ta thường nghĩ, đôi khi nó thật giản đơn”, Jaime Amsel, CEO Poiesys Ltd – chuyên gia hàng đầu Israel về đổi mới bắt đầu bài diễn thuyết về sáng tạo tại sự kiện “Văn hóa đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp” mới đây.
Dẫn ra câu chuyện may mặc ở quê hương ông những năm 1924 của thế kỷ trước, ông cho biết lúc đó, các công ty dệt may của Israel rất phát đạt, họ có khách hàng lớn là quân đội, những đơn hàng cao ngất, lợi nhuận cao, không phải lo cạnh tranh.
“Hồi những năm 80, họ bảo nhau, công ty của chúng ta không bao giờ chết cả”, ông Amsel nói.
Nhưng thời hoàng kim rồi cũng qua. Năm 2009, cuộc khủng hoảng xảy đến do sự cạnh tranh khốc kiệt từ các quốc gia lân cận có giá thành rẻ hơn, sáng tạo hơn. Kết quả: 14.000 công nhân thất nghiệp, 90% ngành công nghiệp Israel bị xoá bỏ.
Dù vậy, vẫn có một số công ty đứng vững và thành công, Bagir Group là một trong số đó. Ông Amsel cho biết, Bagir chỉ tập trung vào làm áo vest dành cho các quý ông và họ luôn luôn tìm cách cải tiến nó, cung cấp cho thị trường những chiếc áo với tính năng vượt trội nhất không thể tìm thấy ở đâu khác.
Một trong những đổi mới đó là chiếc áo vest có thể giặt bằng máy giặt, vốn là điều chưa có trước đây.
“Thông thường, áo vest chúng ta đều phải mang ra cửa hàng giặt ủi. Tuy nhiên, Bagir đã khắc phục điều này”, Amsel nói.
Áo vest của Bagir còn ấn tượng bởi những chiếc túi đặc biệt. Ví dụ, đối với áo của doanh nhân, chiếc túi ẩn trong này có thể để vừa tai nghe, iPad, giúp họ có thể nghe nhạc, đọc bản tin mà không ai có thể nhận ra vì cách thiết kế độc đáo.
“Có những chiếc túi áo có khả năng chống bức xạ từ điện thoại. Có túi làm bằng vải lanh để kính không bị xước. Có những bộ suit chuyên dụng cho bảo vệ để họ để súng mà không lộ ra ngoài, chỉ một bộ suit thôi nhưng có nhiều thứ ta có thể làm được”, chuyên gia người Israel nhận xét.
Một ví dụ khác được vị chuyên gia này kể ra là sáng tạo rất nhỏ nhưng mạng lại lợi ích cực lớn cho những doanh nghiệp kinh doanh địa ốc.
“Ở những nhà vệ sinh công cộng trong cao ốc hoặc sân bay, bạn có bao giờ thắc mắc tại sao bồn tiểu nam giới có in hình con ruồi bên trong không?”, Amsel đặt câu hỏi.
Theo ông, nó xuất phát từ hai nhu cầu: các toà nhà muốn các bồn cầu được sạch sẽ, tiết kiệm được thời gian lau rửa, chi phí nhân công, còn đàn ông, họ cần mục tiêu.
“Con ruồi đó là mục tiêu của họ. Và khi đi vệ sinh, họ nhắm vào mục tiêu đó. Nhờ vậy các nhà vệ sinh tránh được hiện tượng vương vãi. Sáng tạo này dựa trên khoa học hành vi của con người. Miếng decal rất rẻ tiền, chi phí chẳng đáng bao nhiêu, nhưng hiệu quả thu được lại rất lớn!”, ông Amsel giải thích.
Người ta cứ nói về sáng tạo, đổi mới như những gì to lớn như kiểu ngồi nghĩ ra một vài ý tưởng trên trời rồi đâm đầu thực hiện, nhưng câu chuyện của chuyên gia người Israel đã chứng minh điều ngược lại.
Sáng tạo có thể đi từ những thứ nhỏ nhất, từ những thứ cấp thiết cho doanh nghiệp. Điều quan trọng là phải làm sao cho nó diễn ra từng ngày, từng giờ, được từng cá nhân của công ty chăm chút và để mắt đến.
Đương nhiên sẽ có những điều to tát làm thay đổi cả thế giới, nhưng ở bình diện chung, thành công đến từ rất nhiều sáng tạo nhỏ sau đó mới có thể bùng lên một kết quả đáng ngạc nhiên.