Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đông Đô được thành lập từ năm 2000, hoạt động chủ yếu là cung cấp các loại giàn giáo, phụ kiện coppha cho việc thi công các công trình xây dựng.
Năm 2018, Đông Đô đã thành lập và đưa vào sản xuất giai đoạn 1 nhà máy sản xuất coppha Vision tại Long An. Với việc cho ra đời tấm coppha nhựa Eco, Đông Đô đã tận dụng nguyên liệu nhựa tái chế làm nguyên liệu sản xuất cũng như việc thu hồi tái chế sản phẩm sau khi sử dụng, giảm việc đốn hạ cây xanh làm nguyên liệu sản xuất.
Với giai đoạn 1 hiện nay, mỗi ngày, Đông Đô có thể xử lý được khoảng từ 20 - 25 tấn nhựa và hoạt động liên tục 24/24h. Tương ứng với mỗi tháng công ty xử lý được khoảng từ 600 - 750 tấn, với mỗi tấm nhựa có trọng lượng trung bình khoảng 30 kg, một tháng, Đông Đô có thể đưa ra thị trường được khoảng chừng 25.000 - 30.000 tấm nhựa.
Theo ông Dũng, những sản phẩm ván ép gỗ có nhược điểm là khai thác từ nguồn tự nhiên bị hạn chế, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khoảng cách địa lý khiến cho chi phí sản xuất sẽ càng ngày càng tăng do nguyên liệu sẽ càng ngày càng cạn kiệt. Do đó, ông muốn tìm ra một loại vật liệu có thể thay thế được những vật liệu truyền thống mà có nguồn nguyên liệu dồi dào và dễ kiểm soát.
Bên cạnh đó, rác thải nhựa là vấn đề mà xã hội đang quan tâm, đặc biệt là những loại nhựa dùng một lần. Trong khi đó, nhựa là một loại nguyên liệu dễ chế biến để tạo ra những hình thù đặc trưng hay những công dụng cần thiết. Vì vậy, Đông Đô đã cho nghiên cứu sản xuất từ nguyên liệu bằng gỗ chuyển sang bằng nhựa.
NHỮNG KHÓ KHĂN BAN ĐẦU
Giám đốc Đông Đô chia sẻ, thời gian đầu, việc chuyển sang sử dụng vật liệu rác thải nhựa cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Ví dụ như khi bắt đầu một sản phẩm mới, với nguyên liệu đầu vào mới, thời gian đầu chắc chắn giá thành sẽ không thể thấp được. Tuy nhiên, Đông Đô nhận thức được nguồn nguyên liệu rác thải nhựa càng ngày càng gia tăng sẽ kéo giá thành giảm xuống, trong khi đó, giá thành của nguyên liệu gỗ sẽ càng ngày càng tăng.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, với sự đầu tư về nghiên cứu, công nghệ, Đông Đô có thể tạo ra được sản phẩm có lượng nguyên liệu sử dụng tối ưu để kéo giá thành sản xuất xuống. Những năm đầu, giá thành cao nhưng hiện tại, giá thành tấm nhựa eco của Đông Đô đã giảm được khoảng 40%. Ông Dũng cho biết, mục tiêu của công ty trong giai đoạn này chưa phải là lợi nhuận mà là số lượng sản phẩm bán ra thị trường nhiều nhất, giúp cho nhà máy có thể chạy hết công suất trong giai đoạn một và chuẩn bị mở rộng ra giai đoạn hai với sản lượng tăng gấp nhiều lần.
Ngoài ra, Công ty thuyết phục khách hàng bằng những ưu điểm của sản phẩm, có thể giá thành ban đầu cao hơn, tuy nhiên, chi phí cho mỗi lần sử dụng sẽ thấp hơn tại vì thời gian sử dụng lâu dài hơn. Không chỉ thế, khi cạnh tranh giữa các công ty xây dựng đang ngày càng gia tăng, về kỹ thuật thì gần như ngang nhau, đòi hỏi phải cạnh tranh bằng sự khác biệt, về ý nghĩa về môi trường, ý nghĩa về xã hội.
Vì vậy, khi mà giá thành sản phẩm cao, Đông Đô không thể thuyết phục những người tiêu dùng trực tiếp như người dân, công ty sẽ tiếp xúc từ nhà thầu, nhà đầu tư đặt những bước đầu để có điều kiện duy trì sản xuất và hạ giá thành.
Đồng thời, ông Dũng chia sẻ, một trong những rào cản lớn nhất là ý chí ban đầu của người chủ doanh nghiệp. Như Đông Đô, mặc dù ai cũng biết là làm từ rác mà ra được sản phẩm thì sẽ phải có lợi nhuận nhưng mà việc thuyết phục được những người cộng sự là một điều khó khăn. Điều này đòi hỏi là ý chí ban đầu của người lãnh đạo phải vững vàng, tiếp đến là phải tạo ra được một sản phẩm phù hợp và chọn lựa được một tệp khách hàng mình có thể nhắm đến và khả năng mở rộng của sản phẩm của mình.
Ông Dũng vẫn xác định tệp khách hàng của Đông Đô là những cửa hàng vật liệu xây dựng. Quan điểm của công ty là phải tiếp cận được càng nhiều người tiêu dùng càng tốt và để tiếp cận được người tiêu dùng bắt buộc phải thông qua một hệ thống phân phối đó là các cửa hàng vật liệu xây dựng.
ĐIỂM ĐẶC BIỆT CỦA ĐÔNG ĐÔ
Cũng có rất nhiều doanh nghiệp khác đang tham gia vào câu chuyện "biến rác thành vàng" giống như Đông Đô, tuy nhiên, ông Dũng chia sẻ, điểm đặc biệt của Đông Đô khiến cho công ty không chịu sự cạnh tranh nhiều đó là quan niệm và cách xây dựng quy trình khác biệt.
Cách xây dựng của Đông Đô hơi khác so với những công ty khác, các công ty khác thường sẽ mua hạt nhựa đã được tái sinh rồi về để sử dụng. Còn Đông Đô sẽ tổ chức hệ thống thu gom từ những vựa ve chai, đặt hàng của họ, loại gì, sản lượng bao nhiêu và cho xe đến thu gom về.
Như vậy, Đông Đô sở hữu một quy trình chế biến từ sản phẩm bỏ đi như chai, lọ, ống nước, … và có thể kéo dài vòng đời sử dụng của nhựa bỏ đi cũ. Ví dụ như bạn sử dụng một chai nước thì thời hạn sử dụng của cái vỏ chai sẽ kết thúc ngay khi hết hạn sử dụng của nước ở trong chai, hoặc là sau khi bạn uống xong.
Tuy nhiên, cái vỏ chai đó lại được Đông Đô đưa vào thành nguyên liệu đầu vào để sản xuất ra tấm ván nhựa và thời hạn sử dụng cam kết không dưới 30 năm. Có nghĩa, Đông Đô có khả năng kéo dài vòng đời bỏ đi của một cái sản phẩm.
Về ý nghĩa xã hôi, khi mà các bạn sử dụng 1.000 tấm nhựa eco chắc chắn bạn sẽ giảm đi 1.000 tấm ván được làm từ gỗ rừng tự nhiên, tương đương khoảng 60 khối gỗ sau khi sử dụng rồi lại thành rác thải không tận dụng được. Trong khi đó, nếu cùng một khối lượng như vậy, Đông Đô có thể cùng với xã hội làm giảm đi 30 tấn rác thải nhựa.
MỤC TIÊU TƯƠNG LAI
Hiện nay, Đông Đô xác định nhu cầu của thị trường về sản phẩm tấm nhựa làm từ nhựa phái sinh đang rất lớn vì nó có thể thay thế được rất nhiều sản phẩm khác. Vì vậy, trước mắt công ty sẽ tập trung vào sản xuất tấm nhựa eco cho ra chất lượng tốt nhất và giá thành rẻ nhất để có thể đưa ra thị trường với số lượng lớn nhất.
Nhà máy Đông Đô hiện nay đang hoạt động 24 tiếng một ngày, nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu của thị trường. Đông Đô chọn phục vụ thị trường trong nước trước để đảm bảo có thời gian điều chỉnh, tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để khi bước chân ra xuất khẩu đảm bảo "đi là thắng".
Ông Dũng chia sẻ, kế hoạch của Đông Đô là không chỉ xuất khẩu ra nước ngoài mà còn mở rộng nhà máy hoạt động ở nước ngoài, đặc biệt là những nước phát triển.
Ông Dũng cũng chia sẻ thêm, kế hoạch trong tương lai gần của Đông Đô là nâng công suất lên khoảng 200 đến 250 tấn rác thải nhựa một ngày và tùy theo tình hình chúng tôi sẽ mở rộng thêm.
"Chúng ta đã dùng từ "rác thải nhựa" và khi mà bạn có thể biến rác thải thành một sản phẩm hữu ích thì lợi nhuận của bạn không nhỏ. Nhưng mà từ mong muốn đó lên ý tưởng và từ ý tưởng thành sản phẩm rồi từ sản phẩm mình phải nhắm đến đối tượng khách hàng rồi thuyết phục người ta sử dụng. Đó là quá quá trình gian nan, chắc chắn không dễ." - Ông Dũng nói