Ngay phía trên tòa nhà Quốc hội Bolivia tại thủ đô La Paz có một chiếc đồng hồ lớn cực kỳ đặc biệt, thu hút mọi ánh nhìn của người qua lại. Các con số từ 1 đến 12 được sắp xếp ngược chiều so với thông thường, và hệ quả tất yếu là các kim cũng quay "ngược chiều kim đồng hồ".
Tại sao một vật dụng quen thuộc như chiếc đồng hồ lại được "biến tấu" ngược đời như vậy? Và việc đặt nó ngay tại tòa nhà biểu tượng của cả đất nước có ý nghĩa gì?
Đồng hồ phương Nam: Ẩn chứa thông điệp thú vị
Bộ trưởng Ngoại giao David Choquehuanca của Bolivia đã đặt tên cho sáng kiến "trái khoáy" này là "Đồng hồ phương Nam" và giải thích thông điệp mà mình muốn truyền tải trong một cuộc họp báo vào năm 2014.
"Ai nói đồng hồ cứ phải quay theo một chiều? Tại sao chúng ta cứ phải phục tùng? Sao ta không thể sáng tạo cơ chứ?". Ông còn làm rõ thêm rằng: "Chúng ta không cần phải phức tạp hóa mọi thứ lên, chỉ là ta phải ý thức được rằng mình sống ở phương Nam chứ không phải phương Bắc."
Ngoại trưởng Choquehuanca cuối cùng đã kết luận rằng sự thay đổi này là nhằm kêu gọi người dân Bolivia hãy trân trọng những di sản truyền thống của đất nước mình, đồng thời thể hiện rằng bất kỳ ai cũng có thể nghi ngờ những "chuẩn mực" đã được xã hội định hình và tư duy theo hướng mới mẻ sáng tạo.
Sáng kiến táo bạo này thậm chí đã vươn tầm ra quốc tế khi chính phủ Bolivia đã giới thiệu những chiếc đồng hồ để bàn quay ngược với các phái đoàn ngoại giao tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm G77 (Nhóm Các nước đang phát triển) tại thành phố Santa Cruz vào năm 2014.
Khi được hỏi về việc liệu chính phủ có áp dụng rộng rãi kiểu đồng hồ ngược này không, Ngoại trưởng Choquehuanca cho biết đó là quyền lựa chọn của mỗi người. "Nếu bạn muốn mua một chiếc đồng hồ phương Nam thì cứ việc, nhưng nếu bạn muốn tiếp tục sử dụng đồng hồ phương Bắc thì bạn vẫn có thể làm vậy."
Thông điệp ý nghĩa là thế, nhưng ngay tại La Paz vẫn có những ý kiến trái chiều dành cho sáng kiến mới này. Thợ đánh giày Franz Galarza làm việc tại Quảng trường Murillo, nơi đặt tòa nhà Quốc hội có gắn chiếc đồng hồ ngược, cho rằng đó là "một ý tưởng tồi".
"Nếu họ muốn truyền tải thông điệp rằng đất nước đang tiến lên theo một phương hướng mới thì họ phải làm rõ nó ra, bởi tất cả mọi người đi ngang qua Quảng trường Murillo đều tưởng đó là một lỗi sai, một sơ suất," Galarza trả lời cơ quan thông tấn Efe.
Bên cạnh kiểu đồng hồ ngược, chính phủ Bolivia dưới thời Tổng thống Evo Morales (vốn là một người Aymara bản địa của châu Mỹ) đã thông qua nhiều biện pháp khác nhằm khơi dậy kho tàng di sản truyền thống của đất nước.