Ở nơi lạnh lẽo như những cánh rừng tại Quebec (Canada) tuyết mới bắt đầu tan. Chuyện này cũng chả có gì đáng nói nếu như tuyết không tan... một cách có hệ thống như này!
Hãy xem, tuyết bắt đầu tan thành một vòng tròn quanh thân cây trước. Thân cây nào cũng vậy, đều có những "cái lỗ" khá tròn trịa, vết cắt dứt khoát và ngay ngắn theo chiều thẳng đứng. Vì sao có hiện tượng kì lạ này?
Gợi ý: kiến thức vật lí về dẫn nhiệt sẽ cho bạn câu trả lời.
Bạn đã đoán ra chưa? Câu trả lời là, các hố này hoàn toàn hình thành do nhiệt đấy. Khi Mặt trời mùa xuân ủ ấm cho cả khu rừng, thân cây tối màu nên hấp thụ nhiều nhiệt hơn so với mặt tuyết trắng.
Nhiệt từ thân cây tỏa ra xung quanh. Thế nên lớp tuyết sát ngay đó sẽ tan ra trước và để lại những chiếc hố tròn như thế.
Ngoài ra, địa hình khu rừng không bằng phẳng, có chỗ lồi có chỗ lõm nên dẫn đến tuyết bao phủ rồi tan đi với tốc độ không đều nhau.
Điều này vô tình tạo ra những chiếc hố khác nữa dù không phải là bao quanh thân cây. Và chúng cũng sẽ không "đều" và "đẹp" như trường hợp mà ta nhắc đến đầu tiên.
Một nhóm nhà sinh vật học ở Quebec còn phát hiện ra một điều thú vị khác. Đó là nhiều loài thực vật nhỏ đã rất biết "tận dụng" khoảng không của những chiếc hố để bắt đầu sinh sôi phát triển.
Nguyên nhân không chỉ bởi các hố này đã tạo ra khoảng đất "lộ thiên" hết sức thuận lợi, mà còn do quanh thân luôn dồi dào nước và chất dinh dưỡng hơn.
Mặt khác, khi bạn nhỏ thì bạn không có nhiều sự lựa chọn. Các loài cây thấp bé chỉ có một khoảng thời gian ngắn để đắm mình dưới ánh nắng Mặt trời. Ít lâu sau, tuyết sẽ tan hết.
Các loài cây khác sẽ bắt đầu rũ mình đứng dậy, mọc lên vượt trội và che lấp đi cả "bầu trời nắng" của cây bên dưới.
Lúc này, cây nhỏ chỉ còn biết khép mình dưới bóng râm và đợi một mùa tuyết tan mới, nhưng chúng sẽ không bao giờ thôi chờ mong hi vọng! Nhỏ nhưng đầy lạc quan và có chiến lược đúng không?
Hãy chia sẻ cảm nghĩ của bạn về 2 hiện tượng thú vị này bằng cách bình luận bên dưới nhé.
Nguồn: Atlas Obscura