Một số tờ báo lá cải của Anh giật tít hàng loạt “Liệu ông ấy [Donald Trump- ND] có bị luận tội”. Trong khi các trang cá cược hợp pháp quốc tế hiện đặt tỷ lệ xảy ra trường hợp này là 33%.
Lịch sử luận tội tại Quốc hội Mỹ
Nước Mỹ đến nay đã có 2 Tổng thống bị luận tội nhưng không ai bị kết tội. Người thứ ba thì đã từ chức trong hổ thẹn còn hơn là phải đối mặt với viễn cảnh chắc chắn bị kết tội. Chỉ có 8 người đã bị luận tội tại Hạ viện rồi bị kết tội ở Thượng Viện và tất cả đều là thẩm phán liên bang.
Quá trình luận tội một Tổng thống Mỹ được nêu rõ trong Điều II, mục 4, Hiến pháp nước này, rằng “Tổng thống và Phó Tổng thống cũng như tất cả các quan chức dân sự Mỹ sẽ phải rời khỏi nhiệm sở khi bị luận tội và kết tội về các tội phản quốc, nhận hối lộ hoặc các tội và sai phạm nghiêm trọng khác”. Tuy nhiên, tội nào mới có thể bị luận tội là do Quốc hội xem xét.
Ví dụ cụ thể là Tổng thống Richard Nixon phải từ chức ngày 8/8/1974 sau khi bị luận 3 tội là cản trở công lý, lạm dụng quyền lực và coi thường Quốc hội. Sau đó ông được người kế nhiệm, Tổng thống Gerald Ford, xá tội.
Khi còn phục vụ cho Hạ viện, ông Ford từng có tuyên bố nổi tiếng rằng “tội có thể bị luận tội là bất cứ điều gì mà đa số Hạ nghị sỹ cho là như thế, tùy vào hoàn cảnh lịch sử”.
Donald Trump: Luận tội hay không luận tội?
Tất cả những cáo buộc xoay quanh đương kim Tổng thống Donald Trump - từ những liên hệ với các quan chức Nga trong suốt chiến dịch tranh cử và mới đây là việc chia sẻ tin tuyệt mật với họ ngay tại Nhà Trắng, đến việc đề nghị Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ James Comey từ bỏ điều tra Cố vấn An ninh Quốc gia thân cận Michael Flynn – đều là “hạt giống” cho những cáo buộc chính thức trong tương lai.
Cũng có thể là không. Bởi theo ông Jonathan Turley, Giáo sư luật của trường Đại học George Washington, người từng nghiên cứu về luận tội và đã đại diện cho thẩm phán liên bang gần đây nhất bị kết tội, những hành động của ông Trump đến nay vẫn chưa thể coi là "gần với phạm tội".
Bên cạnh đó, ít nhất ông Trump còn có 1 yếu tố thuận lợi hơn những người tiền nhiệm là cả 2 viện Quốc hội Mỹ, những cơ quan có thể luận tội và kết tội Tổng thống, hiện đều do đảng Cộng hòa của ông kiểm soát.
Tiến trình luận tội Tổng thống Mỹ diễn ra như thế nào?
Tiến trình luận tội này có thể mất nhiều tháng, nếu không phải là nhiều năm, và bao gồm những bước sau:
Trước hết, một văn bản luận tội sẽ được soạn thảo, chủ yếu do Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ thực hiện hoặc từ những kết luận của một cố vấn độc lập. Đáng chú ý trong trường hợp của ông Trump, người vẫn đang đối mặt với những câu hỏi chưa có lời giải đáp về báo cáo thuế và những thỏa thuận kinh doanh của ông, những hành động sai trái [có thể bị đưa ra luận tội – ND] không nhất thiết chỉ xảy sau khi ông đắc cử Tổng thống tháng 11/2016.
Tiếp theo, Hạ viện có "toàn bộ quyền để luận tội" theo Hiến pháp. Mỗi điều luận tội chỉ cần đa số đơn thuần [quá bán – ND] để được thông qua.
Kế đến. Thượng viện Mỹ có "toàn bộ quyền xem xét tất cả các lời luận tội" dưới sự chủ trì của Chánh án Tòa án tối cao Mỹ [hiện nay là John Robets – ND]. Tại đây mỗi điều kết tội cần đến 2/3 số phiếu ủng hộ của các Thượng Nghị sỹ.
Cuối cùng là thi hành án phạt. Thấp nhất là Tổng thống sẽ bị cách chức. còn cao hơn có thể bị cho là "không đủ tư cách để nắm giữ và thừa hưởng bất cứ vinh dự, tín nhiệm hay lợi ích nào".
Quốc hội Mỹ cũng có thể không cần bước luận tội mà kêu gọi một hình thức kiểm tra và trừng phạt nhanh gọn hơn. Tu chính án [sửa đổi- ND] thứ 25 của Hiến pháp Mỹ trao cho Quốc hội nước này quyền cách chức một Tổng thống khi bị Phó Tổng thống và các quan chức nội các cho là "không thể hoàn thành quyền hạn và nghĩa vụ của ông"./.