Bí kíp giúp Qatar "mạnh mẽ" trong vòng kiềm tỏa: Không phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào

Việt Hương |

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Qatar nói về những tác động của cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đến ngành công nghiệp dầu khí.

Qatar là nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhiều nhất thế giới và cũng sản xuất đến 77 triệu tấn gas hàng năm. Tháng 4/ 2017, Doha này tuyên bố đang đẩy mạnh sản lượng khai thác tại mỏ khí thiên nhiên lớn nhất thế giới North Dome - nằm ở vùng biển phía Bắc Qatar mà nước này đang chia sẻ quyền sở hữu với Iran.

Khí đốt đã giúp đưa Qatar trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, có vị thế và tiếng nói trong khu vực; tạo điều kiện chi trả cho những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ và đăng cai tổ chức những sự kiện trọng đại như FIFA World Cup 2022.

Vì vậy, khi bốn quốc gia Ả Rập: Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập chấm dứt quan hệ ngoại giao, thương mại với Qatar vào ngày 5/6, cắt mọi liên lạc trên đất liền, đường biển và đường hàng không, nhiều người lo ngại về những tác động đến nền kinh tế của quốc gia vùng Vịnh này.

Bí kíp giúp Qatar mạnh mẽ trong vòng kiềm tỏa: Không phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào - Ảnh 1.

Đường ống dẫn khí Dolphine bơm khoảng 57 triệu mét khối khí mỗi ngày cho Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. Ảnh: Financial Tribune

"Lệnh phong tỏa càng làm Qatar mạnh hơn"

Vậy những mâu thuẫn ngoại giao giữa Qatar và một vài quốc gia láng giềng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Qatar, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu khí như thế nào?

Hãng thông tấn Qatar - Al Jazeera đã phỏng vấn Saad Sherida al-Kaabi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Qatar, về cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, công nghiệp dầu khí Qatar, và tương lai của tập đoàn.

Theo ông al-Kaabi, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh này sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng dầu khí và Qatar cũng sẽ không cắt lượng khí đốt cung cấp cho Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất dù có điều khoản trường hợp “bất khả kháng” trong thỏa thuận đường ống dẫn khí Dolphin với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất.

Đường ống dẫn khí Dolphine bơm khoảng 57 triệu mét khối khí mỗi ngày cho Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. Ông nói: “Nếu dừng cung cấp khí đốt, thiệt hại lớn nhất là người dân Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. Và họ là anh em, họ hàng, bạn bè..., chúng tôi không muốn chống lại họ”.

Theo các nhà phân tích và những nguồn tin từ ngành công nghiệp, việc đóng cửa đường ống dẫn dài 364km Dolphin nối liền giữa Qatar với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất và Oman, sẽ gây ra sự gián đoạn, thiếu hụt nghiêm trọng với nhu cầu năng lượng của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất.

Và thêm vào đó, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất có ký kết những thỏa thuận khác.

Ông Kaabi nói: “Chúng tôi đã ký một thỏa thuận mới cung cấp 8.5 triệu mét khối khí một ngày trong 10 năm và một thỏa thuận kéo dài 15 năm cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng cho Dubai mà nó chiếm đến khoảng 40% nhu cầu điện của nước này”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Qatar cũng không mong đợi vào tình hình các nước có thể bình thường trở lại. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ bình thường hóa quan hệ trở lại chỉ vì lo sợ mất thị trường dầu khí. Niềm tin mà chúng tôi đã xây dựng suốt thời gian qua đã sụp đổ trong chốc lát”.

Phần lớn trong sản lượng gần 80 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng hàng năm của Qatar được vận chuyển bằng tàu đến các quốc gia khác nhau. Sự hạn chế đường hàng không, đường biển và đường bộ do ba quốc gia vùng Vịnh láng giềng áp đặt không ảnh hưởng nhiều đến việc vận chuyển của Qatar, vì tàu nước này có thể di chuyển qua Eo biển Hormuz.

Ông Kaabi nói: “Chúng tôi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ. Tại Trung Đông, chúng tôi cung cấp cho Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Kuwait, Jordan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Phần Lan, Đức, Anh. Chúng tôi xuất khẩu cho bất cứ đâu cần khí thiên nhiên hóa lỏng và không phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào.”

“Mọi người đều lo lắng về nguồn cung nhưng những quốc gia này không thể ngăn cản chúng tôi trao đổi thương mại quốc tế, những điều nhỏ bé họ làm tôi nghĩ sẽ làm hại chính họ hơn là chúng tôi trong dài hạn”.

Ông cũng cho biết rất lạc quan về tương lai của ngành dầu khí Qatar: “Chúng tôi sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường khí đốt và sẽ là nước dẫn đầu thị trường này trong tương lai gần. Chúng tôi đang phát triển trên bình diện quốc tế ở lĩnh vực dầu khí”

“Tôi muốn cảm ơn bốn quốc gia đã thực hiện lệnh phong tỏa, vì chính điều đó giúp Qatar mạnh mẽ hơn, người dân Qatar mạnh mẽ hơn, việc kinh doanh của người dân cũng mạnh mẽ hơn. Chúng tôi sẽ vượt qua và trở nên lớn mạnh còn hơn cả trước đây.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại