"Chỉ mong không tội"
Năm 1946, con trai lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông là Mao Ngạn Anh du học từ Liên Xô về. Do sinh sống ở nước ngoài lâu ngày nên không nói giỏi tiếng Trung Quốc. Mao Trạch Đông muốn tìm một người thầy dạy lịch sử và ngữ văn cho con trai.
Lúc này Mao Trạch Đông liền nhớ Điền Gia Anh. Mao chú ý đến Điền từ những bài viết của Điền đăng trên tờ Giải phóng nhật báo tại Diên An.
Điền Gia Anh (1922 - 1966), tên thật là Tăng Chính Xương, quê ở Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Điền Gia Anh là thư ký chính trị cho Mao Trạch Đông suốt 18 năm từ 1948 đến 1966 và cũng là thư ký duy nhất tự sát bên trong Trung Nam Hải.
Đến năm 1948, dưới sự tiến cử của Trần Bá Đạt và Hồ Kiều Mộc (những nhân vật chủ chốt của Đại cách mạng văn hóa 1966 - 1976), Điền Gia Anh chính thức trở thành thư ký riêng của Mao Trạch Đông. Lúc này Điền mới 26 tuổi.
Theo tác phẩm Nam thư ký trong bức tường đỏ (tạm dịch - PV) của nhà xuất bản Quan Đông tác gia, trong buổi làm việc đầu tiên, Mao đã hỏi: "Đồng chí có suy nghĩ gì khi đến chỗ tôi làm việc". Điền liền đáp: "Không dám cầu công, chỉ mong không tội".
Câu trả lời của Điền Gia Anh khi đó được cho là đã làm phật lòng lãnh tụ Trung Quốc.
Trong văn phòng làm việc của Mao, Điền là người quản lý nhiều việc nhất. Ông không chỉ nắm giữ tài khoản, con dấu, thư từ của Mao mà còn giúp Mao dựng lên một thư viện sách riêng.
Đặc biệt, trong những ngày đầu về nhận công tác, Mao liên tục đưa ra nhiều yêu cầu khó khăn nhằm thử thách Điền.
Ví như Mao yêu cầu Điền phải soạn thảo ngay một bức điện báo theo chỉ thị và nộp tại chỗ hay chỉ đạo Điền trực tiếp đi khảo sát tại các địa phương mà không ra chỉ thị cụ thể. Điền hỏi thì Mao nói "Đồng chí cứ đi khắp nơi xem xét từ thành thị, hàng hóa, công xưởng, dân tình rồi trở về báo cáo".
Tài năng bị đố kỵ
Điền Gia Anh (phải) và Mao Trạch Đông. Ảnh: Internet.
Điền Gia Anh vốn là một trí thức thẳng thắn, cương trực và rất có chính kiến. Mọi công việc của Điền trên cương vị thư ký đều được Mao Trạch Đông đánh giá cao.
Những năm về sau, nhờ thành tích nổi bật và nhận được sự tín nhiệm của người lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, Điền Gia Anh đã thăng tiến rất nhanh.
Ngoài cương vị là thư ký cho Mao Trạch Đông, Điền còn kiêm các chức vụ như Trưởng ban thư ký Văn phòng Trung ương, Phó chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, Phó ban Nghiên cứu chính trị Trung ương.
Chính điều này đã tạo nên sự đố kỵ của Trần Bá Đạt - Trưởng ban Nghiên cứu chính trị trung ương đồng thời cũng là nhân vật cốt cán của nhóm Giang Thanh - Lâm Bưu.
Những cán bộ làm việc chung với hai người kể lại rằng, Trần thường xuyên bỏ bê việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thấy vậy Điền đứng ra làm thay. Do đó, Trần Bá Đạt cho rằng Điền Gia Anh độc đoán, khó quản, đã vượt mặt, tiếm quyền nên thù ghét ông.
Đặc biệt đến năm 1966, khi Cách mạng văn hóa bắt đầu, Trần Bá Đạt đã câu kết với Giang Thanh quy chụp Điền Gia Anh là "phần tử phản đảng".
Tháng 5/1966, trên tường của phòng Cơ yếu và phòng Thư ký dán đầy các biểu ngữ và báo chữ lớn đấu tố Điền Gia Anh, cáo buộc ông này bảo thủ, phản đối cải cách, phản đối tiến bộ, không tôn trọng lãnh tụ, thuộc phe của Bành Đức Hoài, Trương Văn Thiên - những tướng lĩnh bị cho là bất đồng ý kiến với Mao.
Cái chết gây tranh cãi
Đến hiện nay vẫn tồn tại hai giả thuyết khác nhau về cái chết của Điền Gia Anh, đó là ông tự sát hay bị sát hại.
Trung tuần tháng 5/1966, Bộ chính trị đảng cộng sản Trung Quốc triệu tập cuộc họp để kiểm điểm một số nhân vật như Bành Chân, La Thụy Khanh... và cả Điền Gia Anh.
Ảnh gia đình của Điền Gia Anh chụp năm 1952.
Sau cuộc họp, Điền Gia Anh đã bị đình chỉ công tác, phải tự kiểm điểm và bàn giao toàn bộ tài liệu, giấy tờ cho Thích Bản Vũ - người dưới quyền Điền mới được cất nhắc - phụ trách.
Sau đó, trong cuộc họp khác tại Văn phòng Trung ương, Điền lại bị nhóm Giang Thanh cáo buộc tội danh "cắt xén trước tác của Mao Trạch Đông".
Ngày 22/5, nhóm Vương Tử Văn - Bộ trưởng Bộ Tổ chức đến nhà và thông báo Điền bị đình chỉ mọi chức vụ, tự làm kiểm điểm và bị đuổi ra khỏi Trung Nam Hải.
Tối hôm đó, dù đã rất muộn nhưng ông vẫn lặng lẽ sắp xếp giấy tờ tài liệu để chuẩn bị bàn giao, trong lòng vô cùng uất ức.
Ông nói với vợ - bà Đổng Biên: "Chuyện của tôi là do nhóm Giang Thanh, Trần Bá Đạt hãm hại. Thường nghe ác giả ác báo, thiện giả thiện chi...".
Đúng lúc đó, điện thoại trong phòng đổ chuông, Điền Gia Anh liền nhấc nghe, đầu dây bên kia là giọng nói ngạo mạn của Thích Bản Vũ đòi ông phải bàn giao công việc ngay tức khắc. Điền đã vô cùng giận dữ, quẳng điện thoại xuống đất không trả lời.
Đến sáng ngày 23/5/1966, thông tin Điền Gia Anh đã tự sát trong Trung Nam Hải được thông báo đến Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai.
Theo lời kể của bà Đổng Biên, khoảng 3 giờ chiều hôm đó bà nhận được thông báo. Đúng lúc bà đang chuẩn bị về nhà sớm hơn thường lệ thì điện thoại văn phòng làm việc bất ngờ reo. Đầu dây bên kia là giọng của Vương Tử Văn, yêu cầu bà đến ngay phòng khách lầu Tây ở Trung Nam Hải.
Bà lo có chuyện chẳng lành đến với chồng nên vội vã đi xe đến Trung Nam Hải. Đón bà ở lầu Tây là Vương Tử Văn. Vương lúc này đã trực tiếp thông báo cho bà một tin sét đánh: Điền Gia Anh sợ tội tự sát.
Nhóm người của Vương sau đó nhân lúc đưa bà đi nhận thi thể Điền còn cố tình dò la thông tin xem trước khi chết, Điền có tiết lộ bí mật gì không.
Ở căn phòng phía Tây, thi thể Điền Gia Anh được đặt trên mặt đất và phủ lên một tấm ga giường cũ rích màu xanh. Một Hồng vệ binh đã kéo bà đến sát thi thể để nhận diện cũng như nhằm buộc bà thừa nhận thực tế: Điền Gia Anh chết do tự sát.
Tấm ga phủ được lật lên, Đổng Biên thấy một khuôn mặt tái xanh, tỏ rõ vẻ giận dữ, đau đớn của chồng. Bà bật khóc nức nở...
Con gái Điền Gia Anh là Tăng Tự trả lời phỏng vấn trên Kênh truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông) năm 2004 cho biết, di ngôn của Điền để lại có hai câu: "Tin là đảng sẽ làm rõ vấn đề; Tin rằng không để nỗi oan bị chôn vùi dưới đáy biển sâu".
Và chính Mao Trạch Đông trước lúc qua đời (1976), khi nhớ về Điền Gia Anh - người thư ký đã phục vụ mình suốt 18 năm, đã nói: "Thực ra, Điền Gia Anh cũng không có vấn đề gì".
Nhưng phải đến năm 1980, Điền Gia Anh mới được xem xét, phục hồi danh dự và lễ truy điệu ông được tổ chức long trọng tại lễ đường nghĩa trang Bát Bảo Sơn, Bắc Kinh, Trung Quốc.