Bi kịch châu Phi: Giàu của cải nhưng đang bị thế giới "đánh cắp"

Hồng Anh |

Bình luận trên Al Jazeera, ông Nick Dearden cho rằng những hành động tưởng chừng là "giúp đỡ" của các quốc gia khác lại gây hại đến châu Phi, châu lục luôn được cho là nghèo đói.

"Châu Phi nghèo nhưng chúng ta có thể cố gắng giúp đỡ họ"

Hằng năm, khẩu hiệu này được lặp lại nhiều lần trên các phương tiện truyền thông, báo đài, và chương trình từ thiện, khiến hình ảnh châu Phi trong suy nghĩ của nhiều người luôn là một lục địa nghèo đói, khó khăn.

Nhưng châu Phi liệu có nghèo thật không? Ta hãy cùng nhìn sự việc theo một chiều hướng khác: Châu Phi thực ra nhiều của cải nhưng chúng ta đang "đánh cắp" của cải của họ.

Đó là nội dung chính của một báo cáo được phát hành hồi tháng 5/2017. Dữ liệu trong bản báo cáo này cho thấy tiểu vùng Sahara Châu Phi là con nợ của nhiều quốc gia khác trên thế giới, với khoản nợ lên đến 41 tỉ USD. Tuy nhiên khoản tiền họ thu về cũng không hề nhỏ: 161 tỉ USD mỗi năm từ nhiều nguồn như các khoản vay, kiều hối (từ những lao động châu Phi ở nước ngoài) và các khoản viện trợ.

Thế nhưng châu lục này vẫn thất thoát khoảng 203 tỉ USD mỗi năm. Một phần trong số tiền đó thất thoát theo con đường trực tiếp, ví dụ như trốn thuế (68 tỉ USD). Các tập đoàn đa quốc gia lớn "đánh cắp" số tiền này một cách hợp pháp, bằng cách khai khống rằng họ tạo ra lợi nhuận tại các điểm tránh thuế. 

Hiện tượng "dòng chảy tài chính trái phép" này chiếm khoảng 6,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Phi, cao gấp 3 lần so với số tiền viện trợ mà châu lục này nhận được.

Tiếp theo là khoản "hồi vốn" 30 tỉ USD được các công ty và tập đoàn lớn chuyển về trụ sở chính hoặc đầu tư vào thị trường khác. Thành phố London là một trong những ví dụ được hưởng lợi từ vùng đất châu Phi và nguồn nhân lực của nó.

Ngoài những cách thức kể trên, của cải ở châu Phi còn bị thất thoát thông qua nhiều con đường gián tiếp khác. Theo một báo cáo tháng 5/2017, ước tính châu Phi thất thoát 29 tỉ USD mỗi năm do vấn nạn khai thác gỗ, đánh bắt cá và buôn bán động vật hoang dã trái phép. 

Châu lục này cũng thiệt hại thêm khoảng 36 tỉ USD nữa do biến đổi khí hậu tác động lên xã hội và kinh tế khu vực. Do biến đổi khí hậu, họ không thể sử dụng các nhiên liệu hóa thạch giống như châu Âu. Mặc dù người dân châu Phi không phải là nguyên nhân gây ra khủng hoảng biến đổi khí hậu nhưng họ lại là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Bi kịch châu Phi: Giàu của cải nhưng đang bị thế giới đánh cắp - Ảnh 1.

Người dân Zimbabwe đào kim cương. Ảnh: DW.

Khoảng cách giàu nghèo

Thực tế, báo cáo này cũng không thực sự chính xác, vì nó được thực hiện dựa trên giả định rằng tất cả người dân châu Phi đều được hưởng lợi từ nguồn của cải tại khu vực này. Tuy nhiên các khoản vay từ chính phủ và tư nhân (trên 50 tỉ USD) có nguy cơ biến thành khoản nợ mà châu Phi không thể hoàn trả.

Điển hình là Ghana đang phải "hy sinh" 30% doanh thu chính phủ để trả các khoản vay và khoản phí "không cố định" dựa trên giá trị hàng hóa đắt đỏ. Các khoản này thường có lãi suất vô cùng cao. 

Ví dụ, một nhà máy nhôm tại Mozambique được xây dựng bằng các khoản vay và tiền trợ cấp, hiện đang là gánh nặng cho chính phủ nước này, với lãi suất gấp 20 lần doanh thu của chính phủ.

Các khoản viện trợ của Anh được sử dụng để xây dựng các trường tư thục và trung tâm dịch vụ y tế, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng các dịch vụ công cộng chất lượng tốt. Đó là lí do các trường tư thục tại Uganda và Kenya buộc phải dừng hoạt động.

Nhưng tất nhiên, một bộ phận người dân châu Phi vẫn được hưởng lợi từ nền kinh tế này. Hiện nay có khoảng 165.000 người châu Phi thuộc tầng lớp giàu có, sở hữu tổng giá trị cổ phần lên đến 860 tỉ USD.

Và sự thật là những người giàu tại châu Phi cũng hưởng lợi từ những điểm tránh thuế.

Số liệu năm 2014 cho thấy những người giàu có ở châu Phi sở hữu khối tài sản khoảng 500 tỉ USD và đầu tư kinh doanh tại những điểm tránh thuế. Như vậy, tài sản của những người dân nghèo châu Phi đang bị "đánh cắp" bởi một nền kinh tế cho phép một bộ phận thiểu số tại khu vực này làm giàu bằng cách đầu tư tại nước ngoài.

Bi kịch châu Phi: Giàu của cải nhưng đang bị thế giới đánh cắp - Ảnh 2.

Khoảng cách giàu - nghèo tại châu Phi rất lớn. Ảnh: RT.

Cần thay đổi cách nhìn nhận về châu Phi

Các nước phương Tây muốn được coi là những người hưởng lợi hào phóng và luôn làm hết khả năng để "giúp đỡ những người không thể tự giúp chính mình". Tuy nhiên, các quốc gia này cần chấm dứt những hành động có nguy cơ gây họa tiềm ẩn, ví dụ như việc thúc ép chính phủ châu Phi mở cửa nền kinh tế của họ nhằm tư hữu hóa và ép họ mở cửa thị trường cho những cuộc cạnh tranh không lành mạnh.

Nếu các quốc gia châu Phi được hưởng lợi từ các khoản đầu tư nước ngoài, thì họ phải được cho phép – thậm chí là tạo điều kiện – điều hòa khoản đầu tư đó và điều phối các nhà đầu tư. Rất có thể họ sẽ suy nghĩ lại về việc đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng.

Trừ một số trường hợp ngoại lệ, thì hầu hết các quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào tại châu Phi thường yếu kém về chính trị, kinh tế và phát triển chậm. Để phòng tránh tình trạng trốn thuế, chính phủ các nước phải ngừng thoái thác trách nhiệm và "tấn công" trực diện vào những điểm tránh thuế. Các quốc gia này cần mạnh tay với những công ty sở hữu chi nhánh tại điểm tránh thuế đang hoạt động tại nước họ.

Các khoản viện trợ khá ít ỏi, nhưng nếu được sử dụng đúng cách, thì các khoản này có thể bù đắp một phần thất thoát của châu Phi. Chúng ta nên coi đây là một hình thức bồi thường và tái phân phối, cũng giống như hệ thống thuế thực chất là hình thức phân phối lại tài sản của người giàu cho những người nghèo hơn. Xã hội của chúng ta cũng nên áp dụng hình thức này trên quy mô toàn cầu.

Và để bắt đầu một chương trình đầy tham vọng như thế, thì chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận về châu Phi. Chúng ta không cần đổ lỗi cho người khác nhưng cần phải "bắt đúng bệnh" để tìm được ra giải pháp đúng đắn cho những vấn đề nhức nhối.

Điều chúng ta đang làm hiện nay không phải là "giúp đỡ" châu Phi. Bản thân châu Phi đã có rất nhiều của cải rồi. Chúng ta cần chấm dứt những hành động khiến châu Phi thất thoát của cải.

*Bài viết được đăng trên trang Al Jazeera thể hiện quan điểm và góc nhìn của ông Nick Dearden, Giám đốc tổ chức vận động Global Justice Now của Vương quốc Anh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại