Bị khước từ, Mỹ vẫn muốn đứng ra hòa giải căng thẳng ở Kashmir

Phương Anh |

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh sẽ nỗ lực hết mình với vai trò trung gian hòa giải, xoa dịu căng thẳng gần đây tại khu vực Kashmir.

Trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tình hình giữa Ấn Độ và Pakistan, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/8 lại đưa ra đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải cho vấn đề Kashmir. Phía Mỹ cũng hối thúc 2 bên nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn bằng con đường song phương.

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng hôm 20/8, nhận định Kashmir là một địa điểm vô cùng phức tạp, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh sẽ nỗ lực hết mình với vai trò trung gian hòa giải, xoa dịu căng thẳng gần đây tại khu vực đang tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Ông chủ Nhà Trắng đồng thời thông báo, vào cuối tuần này, ông sẽ nêu ý định của mình với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Đây cũng được xem là động thái ngoại giao khôn khéo của Tổng thống Trump khi dường như nhà lãnh đạo Mỹ vẫn đang nỗ lực duy trì các mối quan hệ kinh tế và an ninh với Ấn Độ, trong khi cũng không muốn để mất lòng Pakistan – vốn là một đối tác không thể thiếu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố của Mỹ tại Afghanistan. Bởi chính Tổng thống Trump từng tuyên bố rất rõ rằng đề xuất đứng ra làm trung gian hòa giải của ông tùy thuộc vào cả hai nước Ấn Độ và Pakistan có chấp nhận hay không.

Chỉ trước đó một ngày, ông Trump cũng có các cuộc điện đàm riêng rẽ với các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Pakistan, trao đổi về triển vọng cải thiện quan hệ thương mại với Mỹ, trong đó nhấn mạnh đến tính cấp bách của việc giảm căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng vốn luôn trong tình trạng thù địch vì vấn đề Kashmir.

Cũng liên quan tới “điểm nóng” tranh chấp này, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm qua (20/8) có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh, khẳng định Kashmir là vấn đề nội bộ của Ấn Độ và tất cả các vấn đề giữa nước này với láng giềng Pakistan cần được giải quyết bằng con đường song phương và đối thoại.

Nhận định Ấn Độ- Pakistan là một trong những địa điểm có nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân cao nhất trên thế giới, không ít chuyên gia lo ngại không loại trừ khả năng chiến tranh có thể nổ ra giữa hai quốc gia luôn kình địch lẫn nhau này. Và với thực tế tình hình hiện nay, Mỹ đang được đánh giá là có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn nguy cơ nổ ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Ấn Độ-Pakistan.

Chính Pakistan cũng đã đề nghị Mỹ giúp đỡ dàn xếp bất đồng với Ấn Độ bởi Mỹ vốn có quan hệ chặt chẽ với cả hai nước này. Phát biểu trước báo giới mới đây, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi một lần nữa khẳng định: “Chúng tôi đang rất kỳ vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực trong giải quyết khủng hoảng hiện tại cũng như bất đồng bấy lâu nay Ấn Độ và Pakistan”.

Phải nhắc lại tranh chấp lãnh thổ ở Kashmir từng là nguyên cớ của ít nhất hai cuộc xung đột vũ trang giữa Ấn Độ và Pakistan và rất nhiều vụ đụng độ, đấu súng qua biên giới. Trong khi căng thẳng giữa hai nước láng giềng này càng lúc càng thêm nóng sau quyết định táo bạo mới đây của Ấn Độ, tước quyền tự trị Kashmir do nước này kiểm soát mà phía Pakistan gọi là "sai lầm chiến lược" của Thủ tướng Modi.

Trong tình huống căng thẳng như hiện nay, liệu lời đề xuất giúp đỡ của Mỹ có nhanh chóng nhận được sự chấp thuận của cả hai phía, đặc biệt là phía Ấn Độ, quốc gia vẫn luôn giữ quan điểm không cần phải cầu viện tới bên thứ ba để giải quyết vấn đề tranh chấp nhạy cảm của nước này với Pakistan./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại