Bị chỉ trích, Nhật Bản đổi thái độ với Myanmar

Xuân Mai |

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm 30-3 cho biết nước này đã hoãn viện trợ mới cho Myanmar trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lên án cuộc đụng độ bạo lực giữa lực lượng an ninh và người biểu tình.

Người biểu tình Myanmar dùng ná cao su trong cuộc đối đầu với lực lượng an ninh. Ảnh: Reuters

Người biểu tình Myanmar dùng ná cao su trong cuộc đối đầu với lực lượng an ninh. Ảnh: Reuters

Động thái trên được đưa ra sau khi Nhật Bản bị chỉ trích vì duy trì lập trường mềm mỏng đối với Myanmar so với Mỹ và các nước phương Tây khác, vốn đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và công ty có liên quan đến chính quyền quân sự Myanmar.

Theo Kyodo, ông Motegi phát biểu trong phiên họp quốc hội: "Nhật Bản là nhà cung cấp viện trợ kinh tế lớn nhất cho Myanmar và chúng tôi chưa lên kế hoạch cho bất kỳ dự án mới nào. Chúng tôi đã đưa ra lập trường rõ ràng".

Người biểu tình Myanmar dùng ná cao su trong cuộc đối đầu với lực lượng an ninh. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Ngoại giao Motegi cho rằng đình chỉ vốn vay Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) sẽ gây nhiều áp lực cho chính quyền quân sự Myanmar hơn là những lệnh trừng phạt kinh tế. Ông Motegi cho hay: "Tôi nghĩ tất cả đều thấy rõ ràng biện pháp nào có hiệu quả hơn".

Nhật Bản có quan hệ thân thiết và là một trong những quốc gia hỗ trợ nhiều nhất cho Myanmar. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nước này đã viện trợ gần 1,7 tỉ USD cho Myanmar trong năm tài chính 2019. Khoảng 450 công ty Nhật, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, đang hoạt động tại Myanmar và Tokyo cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại nước này.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết số người chết kể sau cuộc đảo chính đã tăng lên hơn 500 người.

Trong diễn biến khác liên quan, Mỹ yêu cầu các nhân viên ngoại giao không thiết yếu rời khỏi Myanmar do tình hình bất ổn tại quốc gia Đông Nam Á này.

Bộ Ngoại giao Mỹ hồi giữa tháng 2 từng cho phép nhân viên không thiết yếu cùng gia đình rời Myanmar nhưng nay đã cập nhật thông báo thành "yêu cầu rời đi". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay quyết định này được đưa ra vì sự an toàn của nhân viên chính phủ Mỹ và thân nhân của họ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 30-3 cũng đã kêu gọi các công ty quốc tế cân nhắc cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp hỗ trợ quân đội Myanmar.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại