Cũng trong buổi sáng 17/1, nghệ sĩ và cán bộ nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam đã có buổi gặp gỡ báo chí.
Theo đạo diễn Thanh Vân, sau khi được chọn là cổ đông chiến lược của của Hãng phim truyện Việt Nam, Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) không hề thúc đẩy sự phát triển của hãng, thậm chí còn khiến tình hình hãng ngày càng rối loạn.
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kết luận sai phạm trong quá trình cổ phần hóa tại VFS và VIVASO phải thoái vốn. Tuy nhiên, quá trình này đang diễn ra chậm chạp, không rõ vướng mắc ở đâu và nội bộ hãng phim vẫn rất rối ren.
Đỉnh điểm là ngày 15/1/2019 vừa qua, cán bộ công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam nhận được thông báo và danh sách 30 người bị cắt bảo hiểm từ tháng 10/2018. Đó là chưa kể đến việc từ tháng 7/2018, phía Vivaso đã dán thông báo cắt lương của khối nghệ thuật.
Đạo diễn Đức Việt, Thanh Vân, chuyên gia khói lửa Phan Trọng Bích chia sẻ bức xúc về việc bị cắt lương vào bảo hiểm
Đạo diễn Thanh Vân nhấn mạnh: “Vấn đề đáng nói ở đây là hành động “lặng lẽ” cắt bảo hiểm của cán bộ nhân viên đã thực hiện từ tháng 10/2018, nhưng phải hơn 3 tháng sau VIVASO mới dán thông báo tại bảng tin.
Đáng chú ý, đó là một văn bản không có ngày tháng.
Tôi có cảm giác rất tồi tệ, sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, dường như những người gây ra vấn đề cho hãng phim vẫn rất an nhiên, không mặc cảm tội lỗi, tiếp tục làm công việc khác. Trong khi thanh tra yêu cầu kiểm điểm, truy ra gốc vấn đề. Nhưng đến giờ việc kiểm điểm này không đi tới đâu”.
“Sau lần Thanh tra Chính phủ, Bộ cũng có một cuộc mời đại diện vốn nhà nước và hội đồng thành viên cũ lên trao đổi.
Nhưng vẫn chỉ là những câu rất chung chung: Chúng tôi rất quan tâm; chúng tôi đang giải quyết/ sẽ giải quyết/ đang xử lý, các bạn kiên nhẫn chờ đợi. Tuyệt nhiên không có tiến trình cụ thể nào.
Điều quan trọng nhất chúng tôi cần biết thì lại không có câu trả lời. Và tất cả cũng chỉ là nói miệng chứ không có văn bản nào” - đạo diễn Thanh Vân bức xúc.
Đạo diễn Thanh Vân phân tích tình hình rằng, khi Thanh tra Chính phủ quyết định VIVASO thoái vốn, nghĩa là họ bắt buộc phải đi ra khỏi đây, nhưng lại không có chế tài. Chế tài nào cho kẻ phải ra khỏi VFS tiếp tục tạo ra những chính sách mới? Gây hệ lụy cả về mặt tinh thần và vật chất cho hãng?
“Khi anh phải thoái vốn nghĩa là anh phải kiểm kê, kiểm tra, để bàn giao, không ai có quyền can thiệp, có tiếng nói. Hệ lụy cuối cùng là cắt hết BH - quyền lợi tối thiểu của cán bộ đi làm như tôi và đạo diễn Đức Việt - cống hiến hơn 30 năm? Ai được quyền làm điều đó?”
Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, thế hệ kế cận của hãng, cho biết: “Việc cắt bảo hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chúng tôi. Những đạo diễn ngoài 40 như chúng tôi giờ chuyển sang đơn vị mới sẽ rất khó khăn.
Quyết định này có tác động lớn đến tâm tư của người còn khả năng cống hiến 10-20 năm nữa. Chúng tôi muốn vấn đề được giải quyết thấu đáo để chúng tôi yên tâm làm việc tiếp”.
Bảng thông báo tại Hãng phim chi chít những văn bản cũ mới lẫn lộn
Tiếp tục câu chuyện, đạo diễn Đức Việt khẳng định: “Tại bảng thông báo, có rất nhiều công văn giấy tờ phản ánh tất cả vấn đề, chúng tôi gửi công đoàn yêu cầu gửi ông Danh Thắng để có câu trả lời cuối cùng. Nhưng câu trả lời duy nhất chúng tôi nhận được là cắt Bảo hiểm.
Chúng tôi thừa hiểu, mục đích cuối cùng là ép chúng tôi ra đi nhưng chúng tôi sẽ ở lại đến cùng, đấu tranh cho VFS và cho bản thân."
Một số hình ảnh do PV Báo Gia đình & Xã hội ghi nhận:
Hình ảnh tại Hãng phim sáng 17/1
Cơ sở vật chất của Hãng phim đã xuống cấp trầm trọng