Tính đến thời điểm hiện tại, kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 đã kết thúc. Kỳ thi khép lại, có nhiều thí sinh vui vẻ vì làm bài thuận lợi, song cũng có không ít bạn lo lắng vì dù đã cố gắng hết sức nhưng kết quả không thuận lợi. Đồng hành cùng con trong chặng đường thi vào lớp 10, phụ huynh cũng mang tâm trạng thấp thỏm, lo lắng và bồi hồi không kém. Con làm bài tốt thì không sao, nhưng chẳng may con thi cử không thuận lợi, phụ huynh cũng khó xử vì không biết an ủi bạn thế nào.
Cũng có con thi vào lớp 10 năm nay là vợ chồng NSND Xuân Bắc, khi cậu con trai thứ hai là Bi Béo (tên thật Nguyễn Nhật Võ Nguyên, SN 2009) dự thi ở điểm trường THPT Kim Liên (Hà Nội). Mới đây, trên trang cá nhân của mình, bà xã Xuân Bắc đã có lời chia sẻ liên quan đến việc phụ huynh có con thi vào cấp 10 và nhận được nhiều chú ý về cách dạy con tinh tế.
Giữa mùa tuyển sinh vào lớp 10, vợ Xuân Bắc có lời chia sẻ đáng chú ý về việc cha mẹ có con đi thi
Theo đó, bà xã Xuân Bắc đã chia sẻ bài đăng xúc động. Nội dung như sau: Một nữ sinh tâm sự với mẹ khi vừa bước ra khỏi điểm trường thi: "Con không làm được hết bài. Bài nào con cũng có ý bỏ dở, con sợ không đậu nguyện vọng nào mẹ à".
Tiếp lời con gái, người mẹ đáp: "Không sao, không sao con à. Con có thể học vẽ, học nghề, học trường tư, con vẽ đẹp lắm mà, mẹ sẽ cho con đi học vẽ được không?". Khi con gái vẫn khóc nức nở, người mẹ tiếp tục an ủi: "Mẹ đã nói là không sao, không đỗ nguyện vọng này, mình học nguyện vọng khác, rồi không đậu đi nữa, mẹ sẽ lo cho con được học vẽ, đúng cái con thích đúng không, bây giờ mình đi xem phim được không con?".
Khi chia sẻ bài đăng ý nghĩa này, chị còn không quên nhắn nhủ: "Mình thích con mình có nhiều tài lẻ hơn lý thuyết".
NS Xuân Bắc và con trai cả Minh Bủm đưa Bi Béo (đeo khẩu trang, mặc áo xanh) đến dự kỳ thi lớp 10
Sau khi chia sẻ trên mạng xã hội, bài đăng này của vợ Xuân Bắc nhận được nhiều đồng tình từ phụ huynh có con tham dự kỳ thi vào lớp 10. Một số phụ huynh khác còn bày tỏ thêm ý kiến, sau khi con kết thúc kỳ thi, dù kết quả có ra sao, điều quan trọng là cha mẹ cần dành cho con lời động viên và để trẻ nghỉ ngơi sau chuỗi ngày học tập vất vả.
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự đồng tình dưới bài đăng của vợ Xuân Bắc:
- Bài đăng này là tâm tư của nhiều phụ huynh.
- Bài viết cảm động thực sự.
- Em cũng thích thế. Con cứ nhanh nhẹn, hiếu thảo và khoẻ mạnh là được chị nhỉ?
- Không sao cả, con sẽ giỏi một nghề nào đấy và cũng sẽ kiếm được rất nhiều tiền! Không có gì phải buồn con nhé! Vui lên và cố gắng tìm cái gì đó để vui đã nhé!
- Cùng quan điểm với bác.
- Đọc bài viết mà chảy cả nước mắt. Mong mẹ nào có con thi vào lớp 10 cũng vô tư và nhẹ nhàng với bé thế này.
- Năm con em thi vào lớp 10, em cũng vô tư thế này đây. Cuộc sống nhẹ nhàng hơn nhiều ấy.
Con làm bài thi không tốt, cha mẹ cần an ủi con thế nào?
Sau mỗi kỳ thi, điều cha mẹ kỳ vọng hơn cả vẫn là con thuận lợi vượt vũ môn, đỗ vào ngôi trường yêu thích. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng đạt được kết quả tốt. Lúc này, những lời trách móc, hành động quát tháo của bạn chỉ khiến con thêm tổn thương, khó vượt qua nỗi buồn làm bài kém.
Vậy nếu con làm bài thi không tốt, cha mẹ cần an ủi thế nào?
- Đồng hành cùng con vượt qua cảm xúc "thất bại"
Khi nhận được thông báo làm bài thi không tốt của con, cha mẹ cần xoa dịu cảm xúc và nói những lời yêu thương với trẻ. Cha mẹ có thể nhẹ nhàng nói với con rằng: "Cho dù con thi không tốt, bố mẹ vẫn sẽ yêu thương con", "Một cánh cửa khép lại nhưng rồi sẽ có lối đi khác mở ra", "Thất bại trong kỳ thi không phải dấu chấm hết của chặng đường tương lai",...
Một số trẻ sau khi làm bài thi không tốt, thường có xu hướng thích ở một mình. Lúc này, cha mẹ hãy dành cho trẻ không gian riêng tư, đừng bắt con kìm nén cảm xúc tiêu cực vì có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Sau khi cảm xúc của con dịu xuống, bạn hãy rủ con làm một việc gì đó để thư giãn tinh thần và xả hơi sau chuỗi ngày học hành căng thẳng. Bố có thể rủ con xem bóng đá hoặc cùng chơi một môn thể thao. Mẹ có thể cùng con đi shopping, du lịch hoặc mua đồ cá nhân xinh xắn. Bên cạnh đó, đừng quên để con có thời gian vui chơi cùng bạn bè đồng trang lứa - những người đã cùng con trải qua kỳ vượt "vũ môn", cũng là cách hiệu quả để con nhanh chóng vượt qua cảm xúc tiêu cực. Bởi không ai xa lạ, chính những người bạn sẽ thấu hiểu cảm xúc của con, từ đó đưa ra lời khuyên phù hợp nhất.
Ban đầu con có thể khó khăn để vượt qua nỗi buồn, nhưng dần dần con sẽ cởi mở hơn nếu cha mẹ biết lắng nghe và cho bạn thấy, thất bại trong một kỳ thi không phải là dấu chấm hết cho cả chặng đường tương lai tốt đẹp của trẻ ở phía trước.
Hãy dành cho con bạn những lời động viên và cái ôm dù kết quả thi cử của trẻ ra sao nhé!
- Kiên nhẫn và tôn trọng con
Khi đang mang cảm xúc buồn bã, con có thể bộc lộ cảm xúc tiêu cực thông qua khóc, thậm chí có những hành động, lời nói không hay với cha mẹ. Lúc này, cha mẹ cần lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của con, trò chuyện cùng con để đưa ra những phân tích thấu đáo, giúp con có cái nhìn toàn diện hơn.
Nếu con mất bình tĩnh, bạn phải giúp con ổn định tâm trạng, thấu hiểu cho cảm xúc tiêu cực của trẻ và nhất thời không nên phân đúng sai với con. Hãy chủ động ngừng cuộc nói chuyện nếu con hoặc bạn bắt đầu mất bình tĩnh. Khi con đã lấy lại bình tĩnh thì giờ bạn có thể ngồi lại và nói chuyện thẳng thắn về những chuyện đã xảy ra.
Đồng thời, hãy lựa một thời gian phù hợp sau khi kỳ thi kết thúc để cùng con nói chuyện về định hướng tương lai, không chỉ phù hợp với điểm số mà còn là nguyện vọng của trẻ. Tuy nhiên, cuộc nói chuyện này chỉ nên diễn ra khi trẻ đã vượt qua nỗi buồn vì thi cử không tốt, để con và bạn có thể thuận lợi đưa ra những nhận định sáng suốt nhất nhé.
Tổng hợp